Xã hội

“Bắt suối về nhà”

Ấy là cách gọi của già Vi Văn Thanh ở bản Cồn, xã Châu Lý (Quỳ Hợp) khi nói về hệ thống ống dẫn nước tự chảy ken dày trong bản. Từng nhóm hộ gia đình tự khảo sát, tự thiết kế, tự góp tiền mua vật lệu rồi cùng nhau “bắt suối về nhà”- cung cấp nước sinh hoạt cho từng hộ gia đình.

Già Vi Văn Thanh cho biết hiện tại trong bản có nhiều nhóm hộ chung nhau làm hệ thống nước tự chảy. Nguồn nước lấy chủ yếu từ thượng nguồn Huồi Co Quậy cách bản cỡ 2km. Nhóm của già có 8 gia đình, mỗi gia đình góp 1,5 triệu đồng để mua ống nhựa dẫn nước, sau hai ngày huy động lực lượng đào đất lắp đặt đường ống thì nước đã về với mỗi nhà. Đã hơn hai năm qua nhưng hệ thống nước vẫn hoạt động tốt, do đường ống dẫn được chôn dưới đất nên ít khi bị vỡ. Ngoài việc được dùng nước sạch từ thượng nguồn thì mỗi năm hệ thống này giúp các hộ gia đình trong nhóm tiết kiệm được tiền điện bơm nước, tiền mua sắm, sữa chữa máy bơm..khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt của các gia đình trong bản.
ong son 1
(Anh Trương Minh Sơn bên hệ thống nước tự chảy ở Huồi Na Lầu)

Là một trong những hộ đang sử dụng nước sinh hoạt tự chảy ở xã vùng sâu Châu Lý, anh Nguyễn Văn Mạnh trưởng bản Pạn, xã Châu Lý cho biết nhờ có nước tự chảy mà nhiều hộ gia đình trong bản đã không còn nơm nớp lo thiếu nước sinh hoạt, nước phục vụ chăn nuôi. Bản Pạn của anh trước đây gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn nước. Mỗi năm vài bận rơi vào cảnh khan hiếm nước, trời khô hạn dài ngày một chút là bà con phải rồng rắn chở nước từ tận dòng Nậm Chọong về dùng. Vất vả huy động từ xe máy, xe bò kéo để chở nước nhưng cũng chả thấm so với nhu cầu sinh hoạt, chưa nói đến chất lượng nước cũng lắm nỗi bận tâm. Do đặc thù địa hình nên nhiều hộ gia đình riêng việc đào giếng tìm nguồn nước cũng đã lắm gian nan và tốn kém. Đơn cử như gia đình ông Nguyễn Bá Mại đã thuê máy khoan về hì hục cả tháng trời mà giếng khoan vẫn ...không có nước. Nay thì nhờ có hệ thống nước tự chảy mà cả gia đình ông không còn lo thiếu nước phục vụ sinh hoạt, chăn nuôi...

Mang theo cả sự tò mò tìm hiểu về các hệ thống nước tự chảy, tôi đã ngược lên Huồi Co Quậy, Huồi Luông... để thực mục sở thị các công trình ít tốn kém mà rất hiệu quả này. Để có hệ thống nước tự chảy việc đầu tiên là phải tìm nguồn nước. Bà con thường ngược lên các hẻm núi đầu nguồn các con suối để tìm nguồn nước, phải là nơi trâu bò ít qua lại, các triền núi xung quanh chưa hề dùng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu trong quá trình canh tác. Tìm được nguồn nước ưng ý rồi, cả nhóm hộ bắt đầu họp bàn tính toán kinh phí phải góp chia cho từng hộ, cắt cử người đi mua ống dẫn và triển khai thi công lắp đặt.

Dẫn tôi đi thăm hệ thống nước tự chảy nơi thượng nguồi Huồi Na Lầu, anh Trương Minh Sơn, bản Na Lạn (Châu Lý) cho biết hệ thống nước của anh và bà con trong bản đã làm cách đây 4 năm và từ đó đến nay vẫn hoạt động tốt. Anh sử dụng một thùng bê tông để làm bể lọc nơi thượng nguồn sau đó chia nước theo các ống dẫn để chảy về các gia đình. Anh lý giải, làm hệ thống nước tự chảy ngoài các lợi ích kinh tế, tiện lợi trong sinh hoạt còn góp phần bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường. Bởi có giữ rừng đầu nguồn tươi xanh thì nguồn nước mới không cạn kiệt. Để đảm bảo chất lượng nguồn nước bà con cũng có ý thức không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ...

Trong khi một số hệ thống nước tự chảy đầu tư nguồn vốn ngân sách hàng tỷ đồng như ở xã Bắc Sơn (Quỳ Hợp) sau thời gian ngắn sử dụng đã hư hỏng hoàn toàn thì “bắt suối về nhà” đang là một cách làm sáng tạo, hiệu quả của rất nhiều gia đình ở
vùng sâu Quỳ Hợp. Chính cách làm của bà con đã góp thêm lời giải cho quá trình triển khai thực hiện các chính sách đầu tư, phát triển trên địa bàn miền núi./.

Tác giả bài viết: Cao Duy Thái

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP