Ông Nguyễn Văn Tiến, phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, lưu ý về ứng phó với lũ quét, sạt lở đất do mưa lớn sau bão - Ảnh: CHÍ TUỆ |
Ông Hoàng Phúc Lâm, phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết như vậy tại cuộc họp ứng phó với bão số 10 diễn ra sáng 5-11.
Lúc 10h sáng nay, bão số 10 mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10 đang cách bờ biển Quảng Ngãi đến Phú Yên khoảng 220km về phía Đông. Do ảnh hưởng của bão số 10, ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8.
"Trong 24 giờ tới, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 10-15km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trước khi đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Phú Yên" - ông Lâm nói.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Tây của khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao từ 4-5m, biển động rất mạnh.
Vùng biển từ Quảng Nam đến Ninh Thuận (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 9, sóng biển cao từ 3-4m, biển động mạnh.
Theo ông Lâm, từ chiều tối và đêm 5-11, trên đất liền ven biển Quảng Ngãi, Bình Định và Bắc Phú Yên có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8.
Trong ngày 5 và 6-11, ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 250-350mm/đợt. Các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên có mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt.
Từ ngày 5 đến 7-11, ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt.
Vị trí và hướng di chuyển bão số 10 - Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia |
Đại tá Nguyễn Xuân Dũng, Ủy ban Quốc gia về ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cho biết để ứng phó bão số 10, quân đội tiếp tục duy trì 64.717 cán bộ, chiến sĩ cùng 1.718 phương tiện ứng trực.
Các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa đã rà soát, chuẩn bị công tác sơ tán dân trước khi bão đổ bộ. Tổng số dân dự kiến sơ tán 7.688 hộ/28.285 người, trong đó đã thực hiện sơ tán 2.178 hộ/8.125 người.
Đại diện Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết đến 8h sáng vẫn còn 11 tàu cá tại các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Ngãi vẫn hoạt động trong vùng nguy hiểm của bão.
"Đây là các tàu khai thác thủy sản gần bờ (cách đất liền từ 10-28 hải lý), nhưng do công suất tàu nhỏ, nếu xảy ra sóng lớn gió mạnh thì rất dễ xảy ra sự cố tàu chìm" - đại diện Tổng cục Thủy sản nói.
Ông Nguyễn Văn Tiến, phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, lưu ý dự báo bão có thể suy yếu khi vào bờ nhưng không được chủ quan trong công tác ứng phó, đặc biệt là tình hình lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ xảy ra rất cao khi các địa phương trong khu vực này tiếp tục có mưa lớn.
Đối với kêu gọi, kiểm đếm tàu thuyền, dù đã kêu gọi quyết liệt nhưng một số chủ tàu cá vẫn còn chủ quan, không tìm nơi trú tránh hoặc di chuyển thoát ra khỏi vùng bão.
"Như vụ 2 tàu cá ở Bình Định bị chìm trên biển do các chủ tàu không chấp hành yêu cầu di chuyển tránh bão sớm nên bị chìm, lực lượng cứu hộ phải điều nhiều tàu và cả máy bay tiếp cận hiện trường để cứu hộ, gây tốn kém rất lớn cho ngân sách nhà nước. Các cấp chính quyền địa phương cần xử lý, xử phạt các tàu vi phạm, không tuân theo sự chỉ đạo về công tác phòng chống bão" - ông Tiến nói.
Tác giả: Chí Tuệ
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ