Trong các ca bị ngộ độc thực phẩm, tới 33% là ngộ độc rượu. Số ca đến khám, cấp cứu do đánh nhau là 2.203 trường hợp với 14 trường hợp tử vong, trong đó, nhiều người bị “ma men” đưa lối.
Cả nước có tới 16.700 trường hợp tai nạn giao thông
Cả nước có tới 16.700 trường hợp tai nạn giao thông và theo các bác sĩ của Bệnh viện (BV) Việt Đức, khoảng 80% số người bị cấp cứu vì tai nạn giao thông là có sử dụng rượu bia, hoặc bị những người sử dụng rượu bia đâm phải. Có tới 73 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông gồm cả tử vong trước khi đến BV).
BS. Phí Thị Mai Chi - Điều dưỡng trưởng của Khoa khám bệnh cho biết, ngay từ ngày 29, 30 Tết, số bệnh nhân nhập viện đã tăng khoảng 20% so với ngày thường, chủ yếu là các ca nặng. Như mọi năm, số bệnh nhân nhập viện tăng vọt vào các ngày mùng 2 và mùng 3 tết, có hôm lên tới gần 200 bệnh nhân nhập viện/ngày, chủ yếu vào buổi tối.
Để phục vụ người bệnh tốt nhất, Khoa Cấp cứu đã chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị cấp cứu, vật tư tiêu hao, đồng thời, tăng cường nhân lực 30% so với ngày thường, đặc biệt là bộ phận cấp cứu, mỗi tua tăng thêm 4 nhân sự, từ 14 người/tua lên 18 người/tua.
TS. Lê Tư Hoàng - Phó Trưởng khoa Điều trị 1C, Chủ tịch Công đoàn BV Việt Đức cũng cho biết, mỗi ngày, lực lượng trực ở toàn BV lên tới gần 400 người. Lãnh đạo BV yêu cầu các bác sĩ không trong tua trực không được tắt máy, không được đi xa Hà Nội quá 40-50km để khi xảy ra cấp cứu phải quay về hỗ trợ.
Tại Bệnh viện E, GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc BV cũng cho biết, ngay sau khi giao thừa, các bác sĩ của BV cũng đã phải cấp cứu nhiều bệnh nhân bị tai nạn giao thông và ngộ độc rượu...
Ngộ độc rượu tăng vọt
Ngày 29 Tết, trong khi mọi nhà tưng bừng vui Tết thì gia đình bệnh nhân Đặng Đình K. (40 tuổi, Hà Nội) đau đớn làm thủ tục cho anh về quê lo hậu sự vì không còn khả năng cứu chữa do bị hôn mê sâu, phù não vì ngộ độc rượu.
Bệnh nhân Đặng Đình K. được gia đình đưa vào BV trong tình trạng mệt mỏi, nôn nhiều, không tỉnh táo sau 3 ngày liên tiếp uống nhiều loại rượu khác nhau.
Một bệnh nhân khác bị suy thận đang phải cấp cứu tại Trung tâm chống độc là Nguyễn Viết K. (Long Biên, Hà Nội). Anh K được gia đình đưa vào trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê, nôn nhiều.
Bệnh nhân cho biết anh ta rơi vào tình trạng này sau khi uống quá nhiều rượu. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân bị suy thận cấp nên phải nhập viện điều trị ngay.
Đó chỉ là hai trong rất nhiều bệnh nhân ngộ độc do lạm dụng rượu phải điều trị tại Trung tâm chống độc trong những ngày Tết vừa qua. Ths. Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc-BV Bạch Mai, cho biết, mặc dù đã được cảnh báo nhiều về tác hại do rượu, nhưng những ngày Tết, lượng bệnh nhân nhập viện do ngộ độc rượu vẫn tăng đột biến, phần lớn đều trong tình trạng nguy kịch, hôn mê, ngừng tim, cơ hội sống rất mong manh.
Mà người càng trẻ, thể trạng gầy yếu thì nguy cơ ngộ độc rượu càng cao. Không ít trường hợp còn bị di chứng như suy thận, viêm tụy… Nhiều người uống rượu nhưng không ăn, dẫn đến hạ đường huyết, tổn thương não…
Tác giả bài viết: Thanh Hằng
Nguồn tin: