Kinh tế

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo vẫn quyết tâm quay về Trung Nguyên

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo yêu cầu chậm nhất vào ngày 28-9, tập đoàn Trung Nguyên phải hoàn tất bố trí một văn phòng làm việc cho bà tại trụ sở công ty

Trong văn bản gửi ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc và các cấp quản lý trong ban điều hành, Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã có yêu cầu phối hợp thi hành bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại TP HCM tuyên ngày 20-9.

Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án "Tranh chấp giữa thành viên trong công ty với công ty", TAND cấp cao tại TP HCM đã giữ nguyên bản án sơ thẩm ngày 22-9-2017.

Cụ thể, theo bản án, bà Lê Hoàng Diệp Thảo được khôi phục lại chức danh Phó tổng giám đốc thường trực của tập đoàn Trung Nguyên; ông Đặng Lê Nguyên Vũ không được ngăn cấm, cản trở bà tham gia điều hành, quản lý công ty, với tư cách là một thành viên HĐQT và Phó tổng giám đốc thường trực.

Căn cứ vào Điều 213 Bộ Luật tố tụng Dân sự 2015, quy định bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo yêu cầu sớm được trở về Trung Nguyên. Ảnh: Hoàng Triều

Do đó, trong văn bản nói trên, bà Thảo yêu cầu chậm nhất vào ngày 28-9, công ty phải hoàn tất bố trí một văn phòng làm việc với đầy đủ các điều kiện để làm việc tại trụ sở công ty (phường Bến Thành, quận 1) và bảo đảm các yếu tố cần thiết, trang thiết bị văn phòng cơ sở vật chất an toàn và bảo mật…

"Khôi phục toàn bộ quyền hạn của tôi dưới tư cách là Phó tổng giám đốc thường trực công ty như tại thời điểm trước khi bị bãi nhiệm (tháng 4-2015). Mọi trường hợp, các cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, có hành vi gây khó khăn, căn trở việc thực hiện theo quy định của tòa về việc thi hành bản án phúc thẩm đều được xem là hành vi vi phạm pháp luật và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật" – bà Thảo nêu rõ trong văn bản.

Trong văn bản, bà Thảo cũng đề cập việc Ban quản lý điều hành và các bộ phận khác trong tập đoàn Trung Nguyên phải có trách nhiệm phối hợp thông báo để cán bộ nhân viên biết và có sự phối hợp để bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty diễn ra bình thường, hiệu quả...

Trước đó, ngày 21-9, tức một ngày sau khi TAND cấp cao tại TP HCM tuyên án phúc thẩm, y án sơ thẩm, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên một lần nữa ban hành quyết định về việc "bãi nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc thường trực của bà Lê Hoàng Diệp Thảo".

Đề cập trong thông cáo báo chí, Trung Nguyên cho rằng mâu thuẫn quan điểm kinh doanh không thể giải quyết được, gây khó khăn rất lớn cho việc điều hành hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Trung Nguyên, nên ngày 13-4-2015, Chủ tịch HĐQT Đặng Lê Nguyên Vũ đã ban hành quyết định bãi nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc thường trực của bà Thảo.

Tuy nhiên, văn bản bãi nhiệm bà Thảo ký vào tháng 4-2015 bị tuyên vô hiệu trong kết luận của TAND TP HCM là do người ký ghi chức danh "Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc", trong khi Hội đồng xét xử nhận định Chủ tịch HĐQT không có quyền bãi nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc. Do đó, trong quyết định bãi nhiệm ngày 21-9, người ký chỉ ghi chức danh Tổng giám đốc.

Dù liên tục vướng vào những tranh chấp, kiện tụng pháp lý giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo nhưng Tập đoàn Trung Nguyên cho biết kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này vẫn tăng trưởng qua các năm. Nếu năm 2012 tổng lợi nhuận là 152 tỉ đồng thì đến năm 2017 tổng lợi nhuận tăng lên 682 tỉ đồng.

Tác giả: Thái Phương

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP