Nữ doanh nhân này là bà Nguyễn Bạch Tuyết (SN 1942), Chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc CTCP Khử trùng Việt Nam (VFC). Bà Tuyết giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT và Phó tổng giám đốc CTCP Khử trùng Việt Nam kể từ năm 2001 đến nay.
Theo báo cáo tài chính quý I/2024 mới công bố của CTCP Khử trùng Việt Nam (HoSE: VFG), tổng thu nhập trong 3 tháng đầu năm của HĐQT và ban điều hành công ty đã tăng vọt từ 17 tỷ đồng lên tới hơn 64 tỷ đồng, gấp 3,7 lần so với mức 17,2 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, bà Nguyễn Bạch Tuyết, Chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc công ty, có mức thu nhập trong 3 tháng đầu năm 2024 lên tới 22,3 tỷ đồng, tương đương với khoảng 7,43 tỷ đồng/tháng. Con số này gấp 4,4 lần so với cùng kỳ năm 2023. Mức thu nhập này bao gồm có tiền lương, thù lao, tiền thưởng và những lợi ích khác.
Thu nhập của các thành viên HĐQT - Ban Điều hành của CTCP Khử trùng Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2024. Ảnh: BCTC |
Bên cạnh đó, tổng giám đốc và phó tổng giám đốc của CTCP Khử trùng Việt Nam có mức thu nhập lần lượt là 20,5 tỷ đồng và 15,8 tỷ đồng (tương ứng với 6,8 tỷ đồng/tháng và 5,2 tỷ đồng/tháng).
Ngoài ra, trong 3 tháng đầu năm, thu nhập của các nhân sự khác ở trong HĐQT và ban điều hành cũng được nâng tương ứng gấp đôi so với cùng kỳ. Thành viên Ban kiểm soát được tăng thu nhập thêm 25% trong quý I năm 2024.
Vì sao các sếp của CTCP Khử trùng Việt Nam nhận lương "khủng"?
VFC là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu về việc cung ứng sản phẩm nông dược chất lượng cao, hiệu quả tốt cho bà con nông dân. Ảnh: VFC |
Theo lý giải từ BCTC của CTCP Khử trùng Việt Nam, sở dĩ mức thu nhập của HĐQT và ban điều hành tăng vọt một phần là do tình hình kinh doanh trong 3 tháng đầu năm của công ty tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm 2024, CTCP Khử trùng Việt Nam có doanh thu thuần đạt gần 966 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận gộp của công ty đạt 230,6 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, sau khi trừ chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp vẫn đạt gần 79 tỷ đồng, tăng 41%. Đây cũng là mức lợi nhuận quý cao thứ hai trong lịch sử hoạt động của CTCP Khử trùng Việt Nam (chỉ sau kỷ lục 117 tỷ đồng vào quý IV/2023).
Theo CTCP Khử trùng Việt Nam, vì điều kiện giá của một số mặt hàng nông sản chính như gạo, sầu riêng và cà phê tăng, cùng việc tăng cường những hoạt động phục vụ bán hàng đã giúp cho doanh thu của công ty tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm 2024.
Tại thời điểm cuối quý I/2024, tổng tài sản của CTCP Khử trùng Việt Nam đạt hơn 2.550 tỷ đồng, giảm gần 400 tỷ đồng so với đầu năm nay. Nguyên nhân được công ty lý giải chủ yếu là do hàng tồn kho giảm hơn 300 tỷ đồng về còn 766 tỷ đồng. Trong khi đó, tiền mặt, tiền gửi ngân hàng lại tăng từ 173 tỷ đồng lên 303 tỷ đồng.
Trong năm 2024, CTCP Khử trùng Việt Nam đặt mục tiêu doanh thu đạt 3.690 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 300 tỷ đồng, lần lượt tăng nhẹ từ 4% và 2% so với năm 2023. Như vậy, nếu hoàn thành kế hoạch đề ra, công ty này sẽ phá kỷ lục cả về doanh thu và lợi nhuận của năm 2023.
Với tình hình kinh doanh tích cực, cổ phiếu của công ty trên sàn chứng khoán cũng có nhiều bứt phá. Cụ thể, cổ phiếu VFG của công ty hiện đang được giao dịch ở quanh mức 68.000 đồng/ cổ phiếu, tăng hơn 94% so với đầu năm 2024.
CTCP Khử trùng Việt Nam tiền thân là Đội Khử trùng của Cục Bảo vệ thực vật trực thuộc bộ Nông nghiệp từ những năm 1960. Tại miền Nam, trước năm 1975 có Đội Khử trùng – Phòng Vệ sinh – Thảo Mộc trực thuộc Tổng Nha Nông nghiệp Sài Gòn.
Đến năm 1976, Đội sát trùng trực thuộc Cục Bảo vệ Thực vật được thành lập. Năm 1985, hai đội này được nâng cấp thành Công ty Khử trùng I – Hải Phòng và Công ty Khử trùng II – TP HCM. Tháng 12/1993, theo chủ trương đổi mới của Nhà nước về việc tách các tổ chức kinh doanh dịch vụ ra khỏi khối quản lý Nhà nước, Bộ Nông Nghiệp và Công nghiệp thực phẩm quyết định hợp nhất các tổ chức khử trùng thuộc Cục Bảo vệ thực vật thành Công ty Khử trùng Việt Nam (VFC) trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm.
Từ năm 1994, VFC bắt đầu tham gia vào việc kinh doanh nhập khẩu nông dược, đồng thời trở thành nhà phân phối của nhiều công ty nông dược hàng đầu trên thế giới như Zeneca, Ciba, Russel, Aventis, Kumiai, FMC.
Đến cuối năm 2001, VFC hoàn tất việc cổ phần hóa toàn bộ công ty. Từ đó, VFC trở thành công ty cổ phần đầu tiên về lĩnh vực khử trùng và nông dược.
Từ năm 2009, công ty chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM
CTCP Khử trùng Việt Nam hiện có hoạt động kinh doanh chia làm 2 mảng chính hoạt động độc lập, bao gồm: dịch vụ khử trùng và kinh doanh nông dược. Trong đó, dịch vụ khử trùng tiến theo con đường hội nhập quốc tế, tập trung đầu tư vào các công nghệ khử trùng tiên tiến nhất, như áp dụng thành công công nghệ khử trùng tàu J-System, ứng dụng CSIRO, SIROCIRC với Phosphine lỏng, IPM... |
Tác giả: Minh Hằng
Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn