Số hóa

Apple cuối cùng đã cho phép sửa Face ID

Apple sẽ cho phép các kỹ thuật viên sẽ có quyền truy cập vào phần máy ảnh TrueDepth bao gồm Face ID và mô-đun máy ảnh mặt trước để giải quyết các vấn đề về phần cứng của Face ID mà không cần phải thay thế iPhone hoàn toàn.

Apple sẽ cho phép các trung tâm bảo hành được uỷ quyền của mình có thể truy cập vào phần dịch vụ TrueDepth Camera, gồm có FaceID và camera trước, để khắc phục sự cố FaceID.

Apple cuối cùng đã cho phép sửa Face ID. Nguồn ảnh: VTV

Theo Apple, quyết định này sẽ giúp giảm lượng khí thải carbon trên sản phẩm của hãng bằng cách giảm số lần sửa chữa toàn bộ thiết bị. Chính sách áp dụng cho các mẫu iPhone từ đời XS trở lên và người dùng không sợ mất dữ liệu do phải đổi qua máy mới chỉ vì FaceID.

Hiện hãng vẫn chưa công bố thời gian bắt đầu chương trình, cũng như chi phí của việc sửa chữa, và mới chỉ cung cấp tài liệu và đào tạo quy trình cho kỹ thuật viên.

Tuy nhiên, điều này chỉ áp dụng cho người dùng với iPhone XS hoặc các mẫu mới hơn, không bao gồm iPhone X.

Kể từ iPhone XS, Apple đã điều chỉnh hệ thống camera TrueDepth. Có thể trên iPhone X, hệ thống này được tích hợp theo cách Apple khó có thể sửa chữa mà không cần thay thế các bộ phận khác.

Nếu chính sách mới này được thực hiện, Apple sẽ đào tạo và cung cấp công cụ cần thiết cho các kỹ thuật viên để sửa chữa mà không cần thay máy. Điều này sẽ làm giảm lượng khí thải carbon của công ty hơn nữa vì Apple đã đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2030.

Face ID là ứng dụng sử dụng khuôn mặt để mở khóa thiết bị, bằng cách sử dụng tính năng xác thực sinh trắc học. Apple tích hợp hàng loạt cảm biến ở mặt trước máy để có thể quét và tái tạo khuôn mặt theo hình khối 3D sau đó ghi lại một cách chính xác nhất khuôn mặt, cuối cùng là mã hóa, lưu trữ vào bộ nhớ máy. Do đó khả năng sai sót là rất thấp.

Bạn chỉ cần nhìn vào màn hình, FaceID sẽ tự động nhận dạng và mở khóa ngay lập tức.

Có thể nhiều người sẽ liên tưởng đến công nghệ bảo mật khuôn mặt xuất hiện trên điện thoại Android từ khá sớm. Tuy nhiên, công nghệ đó chỉ dùng độc nhất camera trước để chụp lại hình ảnh và kĩ thuật nhận diện chỉ ở mức thô sơ, kém phức tạp hơn gấp nhiều lần so với FaceID.

Apple cho biết rất nhiều biện pháp bảo vệ được áp dụng khi nói đến Face ID. Trọng tâm của những biện pháp này là Secure Enclave, nơi bản đồ độ sâu gương mặt và hình ảnh hồng ngoại được lưu trữ trực tiếp trên thiết bị và mã hóa. “Chìa” để mở khóa thiết bị được lưu trữ trong Secure Enclave đó và không được gửi cho Apple hoặc bên thứ ba nào khác. Nó cũng không được sao lưu vào iCloud hoặc bất kỳ nơi nào khác tách biệt với thiết bị của bạn.

Bên cạnh đó còn có một biện pháp bảo vệ bổ sung: Apple chỉ cho phép 5 lần thử khớp mặt không thành công trước khi yêu cầu passcode trên thiết bị.

Hơn nữa, Apple cũng không cho phép sử dụng Face ID trong các trường hợp khi:

- Thiết bị vừa được bật hoặc khởi động lại.

- Thiết bị này chưa được mở khóa trong hơn 48 giờ.

- Passcode không được sử dụng để mở khóa thiết bị trong 6,5 ngày qua và Face ID không được sử dụng để mở khóa thiết bị trong 4 giờ trước đó.

- Thiết bị đã nhận được lệnh khóa từ xa.

- Sau khi bắt đầu tắt nguồn hoặc vào chế độ Emergency SOS, bằng cách nhấn và giữ đồng thời nút âm lượng cộng với nút Side trong 2 giây.

Theo dữ liệu mới nhất của Apple, xác suất một người ngẫu nhiên có thể mở thiết bị di động bằng Face ID là xấp xỉ 1 trên 1 triệu.

Tác giả: Anh Đào (TH)

Nguồn tin: tieudung.vn

  Từ khóa: sửa Face ID ,Face ID ,Apple ,iphone

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP