Chủ tịch nước Trần Đại Quang và lãnh đạo các nền kinh tế APEC tại Đà Nẵng. Ảnh: Hà Trung |
Chủ tịch nước Trần Đại Quang hôm 11/11 thông báo Hội nghị Cấp cao APEC, sự kiện quan trọng nhất trong tuần lễ cấp cao APEC, đã thành công tốt đẹp, với việc lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên nhất trí thông qua Tuyên bố Đà Nẵng về tạo động lực mới cùng vun đắp tương lai chung, đồng thời thống nhất 5 nội dung quan trọng.
Các nội dung lớn được thông qua trong Hội nghị Cấp cao gồm Chương trình hành động APEC về thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội; Khuôn khổ Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số; các chính sách và biện pháp chiến lược nhằm phát triển những doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa theo hướng xanh, bền vững và sáng tạo; cam kết hoàn tất thực hiện các mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư; nhóm tầm nhìn APEC nhằm hỗ trợ quan chức xác định hướng đi và tương lai của diễn đàn sau năm 2020.
Tổ chức thành công APEC 2017, Việt Nam đã thể hiện được quyết tâm cao trong việc thúc đẩy quá trình hội nhập sâu rộng, toàn diện vào cộng đồng quốc tế, chứng tỏ bản thân là một thành viên tích cực, chủ động và đầy trách nhiệm của APEC cũng như trên thế giới.
Nâng cao vị thế Việt Nam
Theo các nhà quan sát quốc tế, với việc tổ chức thành công APEC 2017, Việt Nam đã trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông thế giới trong tuần qua. Những kết quả đạt được trong kỳ APEC năm nay không chỉ thể hiện vai trò, vị thế mới của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, mà còn cho thấy APEC vẫn tiếp tục là một cơ chế hợp tác kinh tế khu vực hàng đầu, nơi khởi xướng và thúc đẩy hợp tác, kết nối cũng như hội tụ trí tuệ của khu vực và thế giới.
Thành công này được thể hiện bằng việc APEC 2017 thu hút sự tham gia của các tổ chức quốc tế lớn như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Nhiều chuyên gia phân tích và bình luận viên cấp cao cũng tham gia vào sự kiện này và đóng góp không nhỏ cho thành công của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.
Bình luận viên Nattavud Pimpa của trang OpinionOnline cho rằng ngoài nâng cao vị thế trên trường quốc tế, việc tổ chức thành công sự kiện APEC còn giúp Việt Nam thúc đẩy quan hệ song phương với các nước trên thế giới, đặc biệt là các cường quốc kinh tế. Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam sau khi dự APEC được coi là minh chứng cho thành công này.
"Việc thực hiện các cuộc hội đàm song phương dưới chiếc ô của APEC sẽ thúc đẩy hơn nữa thương mại và liên kết chính trị giữa Việt Nam và các nước. Quan trọng hơn, là chủ nhà APEC, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội để dẫn dắt hành động đối với vấn đề thương mại bình đẳng đem lại lợi ích cho tất cả", Pimpa nhận xét.
Cũng theo quan sát viên này, thành công của APEC 2017 còn tăng cường vai trò của Việt Nam trong hội nghị cấp cao ASEAN sắp diễn ra ở Philippines. Tổ chức thành công APEC tạo ra thuận lợi rất lớn để Việt Nam đảm nhiệm vị trí chủ tịch ASEAN vào năm 2020, cũng như chứng tỏ vai trò "ngôi sao đang lên" của ASEAN và thế giới.
Thúc đẩy thương mại tự do
Chủ tịch nước Trần Đại Quang (phải) trao đổi với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội nghị Lãnh đạo APEC. Ảnh: Hà Trung. |
Trả lời phỏng vấn tờ DW, Daniel Muller, chuyên gia tại Hiệp hội Doanh nghiệp châu Á – Thái Bình Dương ở Đức (OAV), cho rằng APEC 2017 diễn ra trong bối cảnh "thương mại tự do đa phương đang trong khủng hoảng sâu sắc", đặc biệt là khi Mỹ quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nhiều người cũng cảm thấy lo ngại về sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa song phương trong thương mại sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump có bài phát biểu đề cao thương mại song phương tại APEC.
Theo Muller, trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, APEC 2017 trở thành một cơ hội quý báu để các quốc gia châu Á gặp gỡ, thảo luận nhằm tạo dựng lập trường chung về thương mại và kinh tế. "Các quốc gia đều nắm lấy cơ hội này để tiếp tục cuộc chơi, để có thể tăng cường tự do thương mại", Muller nói.
Bình luận viên Ken Koyanagi và Erwida Maulia của Nikkei, Nhật Bản, cho rằng "Tuyên bố Đà Nẵng" là một thắng lợi lớn của thương mại tự do, khi các nhà lãnh đạo APEC thể hiện sự ủng hộ tập thể mạnh mẽ đối với "hệ thống thương mại đa phương" cũng như việc kêu gọi thực hiện đầy đủ bộ quy tắc được đề ra bởi Tổ chức Thương mại Thế giới.
"Chính phủ Nhật tin rằng lời lẽ mạnh mẽ trong bản tuyên bố chung về hệ thống thương mại đa phương là một thành tựu rất quan trọng", một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản đánh giá về kết quả của kỳ APEC 2017 diễn ra tại Việt Nam.
Theo Que Anh Dang, chuyên gia phân tích chính trị tại Viện Nghiên cứu Khu vực và Toàn Cầu Đức (GIGA), đăng cai kỳ APEC lần này, Việt Nam vừa phải thúc đẩy thương mại tự do, vừa phải vạch lộ trình để APEC tiếp tục chứng tỏ là một diễn đàn đa phương đáng tin cậy. Giới phân tích cho rằng với việc bộ trưởng các nước thành viên đạt thỏa thuận về Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thay thế cho TPP, Việt Nam đã hoàn thành được nhiệm vụ đầy khó khăn này.
Theo AP, APEC chính là cơ hội tuyệt vời để các cuộc đàm phán bên lề như CPTPP diễn ra và được thông qua. Alan Bollard, giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC, cho rằng ngoài các cuộc họp và gặp gỡ lãnh đạo, APEC còn là một "phòng thí nghiệm" thử nghiệm các chính sách và khuyến khích những "cách làm tốt nhất".
Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho rằng Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo APEC (AELM) lần này đã tạo ra bầu không khí rất lạc quan về kinh tế thế giới, khi Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde nói rằng sự phục hồi kinh tế toàn cầu tốt hơn mong đợi.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nâng cốc cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: TTXVN. |
"Đây là tin tốt với APEC. Khi kinh tế hồi phục, chúng tôi có thể tăng cường hợp tác, thuận lợi hóa thương mại và hội nhập khu vực", ông Najib nói.
Thủ tướng Malaysia đánh giá kỳ APEC 2017 đã thành công tốt đẹp, cho thấy vai trò, vị thế của tổ chức này trong việc dỡ bỏ các rào cản đối với đầu tư và thương mại quốc tế. Kết quả là APEC đến nay đã chiếm khoảng 60,5 % GDP toàn cầu, 51% thương mại quốc tế và 53,1% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Theo ông Najib, việc CPTPP được nhất trí cho thấy 11 thành viên đang có cam kết về tinh thần rất cao, dù còn nhiều việc phải làm sau đó.
Ấn tượng tốt đẹp
Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên cũng tỏ ra rất hài lòng với công tác tổ chức APEC của Việt Nam, bày tỏ những ấn tượng tốt đẹp với đất nước và con người Việt Nam. Trong thời gian dự APEC, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull còn tranh thủ bách bộ, thưởng thức bánh mì bên hè phố Đà Nẵng và rất thích hương vị tươi ngon của món ăn bình dân này.
Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chúc mừng Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC 2017 và đánh giá cao kết quả hội nghị đạt được đối với thúc đẩy phát triển của khu vực và thế giới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông ấn tượng trước tình cảm chân thành và sự chào đón nồng nhiệt của người dân Đà Nẵng và Hà Nội, đồng thời nhờ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chuyển lời cảm ơn tới người dân Việt Nam.
"Tôi đã được đi tới một số vùng của Việt Nam, rất đẹp và tuyệt vời. Người dân Việt Nam rất hạnh phúc, họ vẫy tay với chúng tôi", Tổng thống Trump phát biểu. "Họ yêu quý nước Mỹ, có thể họ cũng quý mến tôi nữa. Hàng vạn người đứng dọc các con phố và chúng tôi rất cảm kích vì điều đó".
Tác giả: Việt Dũng
Nguồn tin: Báo VnExpress