Cũng giống như nhiều đội bóng, chiếc băng đội trưởng của SLNA được chọn lựa rất kỹ càng. Nhiều đời, đội trưởng của SLNA sẽ “cầm chịch” đội tuyển quốc gia như Hữu Thắng và sau đó là Huy Hoàng. Trung vệ Hữu Thắng không chỉ là cầu thủ giỏi chuyên môn, thi đấu khắp Bắc - Nam và các giải đấu khu vực mà có phong cách sống rất đàn ông, sẵn sàng bảo vệ cho anh em những lúc cần thiết.
Những người tên Hoàng
Huy Hoàng được biết đến với tư cách là đội trưởng SLNA và cả đội tuyển quốc gia những năm 2000. Sống và thi đấu cá tính, có đôi nét giống đàn anh Hữu Thắng nhưng ở một cấp độ thấp hơn.
Trọng Hoàng khoác áo SLNA tại V.League 2013. Ảnh: Lâm Thỏa |
V-League 2012, trung vệ Huy Hoàng bị tước băng đội trưởng, HLV Hữu Thắng chọn Trọng Hoàng làm người thay thế. Nói về sự lựa chọn này, HLV Hữu Thắng cho biết: “Trọng Hoàng còn trẻ nhưng đã sớm có những phẩm chất trở thành thủ lĩnh của đội. Chuyên môn tốt và đặc biệt là đạo đức chuẩn cả trong và ngoài sân cỏ, việc Trọng Hoàng được trao băng thủ quân là hoàn toàn xứng đáng”.
Thực tế, chẳng cần phải đợi đến khi Huy Hoàng bị sự cố, tiền vệ cánh phải Trọng Hoàng mới được đeo băng đội trưởng. V-League 2011, khi Huy Hoàng thường xuyên ngồi ngoài vì chấn thương và thể lực không đảm bảo, Trọng Hoàng đã nhiều lần được HLV Hữu Thắng trao cơ hội và anh đã làm trọn trách nhiệm của một thủ lĩnh.
Thế nhưng, đeo băng đội trưởng SLNA được 2 năm thì Trọng Hoàng cùng Văn Bình, Văn Hoàn đã chính thức đưa ra quyết định chia tay SLNA. Sự ra đi của bộ ba “xe-pháo-mã” này đã tốn không biết bao giấy mực của báo chí và khán giả xứ Nghệ. Nhưng đúng là về B.Bình Dương thì đội trưởng này thi đấu hay hơn hẳn lúc ở sân Vinh - chiếc băng đội trưởng lúc ấy là sức ép đáng kể khiến Hoàng “bò” có nhiều trận đá dưới mức chuyên môn.
Đội trưởng “gam trầm”
Tiền vệ Quang Tình. Ảnh: Trung Kiên |
Quang Tình lại là đội trưởng kế tục nhưng với phong cách hoàn toàn khác. Thậm chí trong các cuộc “trưng cầu” trên các diễn đàn mạng xã hội của cộng đồng xứ Nghệ mùa giải 2014 thì Quang Tình còn xếp sau cựu trung vệ ĐTQG Nguyễn Minh Đức, tiền vệ Phan Như Thuật, hay Trần Đình Đồng.
Khi tiền vệ người Đô Lương này trúng cử đã có không ít ngạc nhiên vì ở SLNA anh chưa bao giờ thể hiện tố chất thủ lĩnh và cuộc sống bên ngoài cũng chưa có dấu ấn, kiểu như những đàn anh đi trước.
Quang Tình không phải là mẫu cầu thủ cá tính mạnh như Hữu Thắng, Huy Hoàng mà là người sống thiên về tình cảm, chịu thiệt cá nhân. Trong sân hay ngoài đời, anh luôn nhìn trước nhìn sau và luôn biết đưa ra những lựa chọn hợp tình hợp lý cho bản thân cũng như các đồng đội.
Sau Phan Thanh Tuấn, thì đội trưởng SLNA này là người có lối đá đầu óc, tinh tế và tiết kiệm sức nhất đội bóng xứ Nghệ.
Cùng thời đó, có những cái tên như Nguyễn Thành Long Giang, Trần Quốc Anh, Võ Nhật Tân, Huỳnh Phúc Hiệp (Tiền Giang); Phan Duy Lam, Trần Văn Học, Võ Hoàng Quãng (Đà Nẵng); Hoàng Trọng Phú (Bình Dương), Nguyễn Đắc Khánh, Nguyễn Công Minh (SLNA); Nguyễn Ngọc Điểu, Từ Hữu Phước (Khánh Hòa); Lê Văn Duyệt (Nam Định); Phạm Thành Lương (HN.ACB); Nguyễn Văn Khải (Thành Long) thì chỉ có Quang Tình và Lương “dị” (Hà Nội) còn thi đấu.
Thủ môn Nguyên Mạnh. Ảnh: Trung Kiên |
Việc lựa chọn thủ lĩnh cho đội bóng xứ Nghệ ở mùa giải mới 2016 diễn ra khá nhẹ nhàng, HLV trưởng SLNA Ngô Quang Trường cho biết: “Nguyên Mạnh là sự lựa chọn số 1 để mang băng thủ quân SLNA”. Đó là phần thưởng cho sự trung thành lẫn yếu tố chuyên môn, dù thủ môn này dính phải chấn thương khá nặng và phải nghỉ thi đấu gần như cả lượt về V.League 2015.
Cá tính khá hiền lành, lại thi đấu ở vị trí thủ môn nên dấu ấn của Nguyên Mạnh khá mờ. Nhưng khi đội SLNA gặp khó khăn, đội bóng xứ Nghệ vẫn thiếu người xốc lại tinh thần. Chưa kể, năm ngoái do chấn thương nên Mạnh nghỉ thi đấu và Quế Ngọc Hải là người được giao nhiệm vụ đội trưởng và hoàn thành khá tốt.
Chắc chắn, với việc Quang Tình trở lại, Trọng Hoàng cũng đã 99% về sân Vinh thì BHL SLNA sẽ phải cân nhắc đến việc trao chiếc băng đội trưởng cho ai thì hợp lý hơn.
Tác giả: Catcosan Vinh
Nguồn tin: Báo Nghệ An