Xã hội

Hé lộ nguyên nhân ban đầu vụ ngộ độc ở Lai Châu

Ngày 14-2, Công an tỉnh Lai Châu cho biết đang khẩn trương điều tra làm rõ cái chết của nhiều người liên tiếp xảy ra trên địa bàn bản Tà Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.

>> 8 người tử vong nghi do ngộ độc thực phẩm tại Lai Châu

Theo đó, chỉ trong ngày 13-2, đã có 6 người tử vong... Điều lạ là nguyên nhân dẫn đến cái chết của những nạn nhân này có cùng một triệu chứng lâm sàng như đau đầu, đau bụng, buồn nôn, giãn đồng tử rồi tử vong. Tuy nhiên, chưa thể khẳng định các nạn nhân tử vong là do ngộ độc rượu hay ngộ độc thực phẩm.

6 nạn nhân được xác định đã tử vong gồm: Chang Mờ Giá, 55 tuổi, tử vong lúc 7h sáng 13-2 khi đang làm nương; Chang A Bù, 38 tuổi, tử vong lúc 8h sáng 13-2 tại nhà riêng; Ly Xá De, 35 tuổi, tử vong lúc 14h chiều 13-2 tại nhà riêng.

Hai nạn nhân sau khi cấp cứu không thành công tại nhà riêng đã tử vong vào khoảng 18h chiều 13-2 là Chang A Lù, 50 tuổi và Ma Già Pô, 39 tuổi. Nạn nhân Chang Dì Xa, 35 tuổi, tử vong lúc 22h ngày 13-2 khi đang trên đường đi cấp cứu.

Ngoài ra còn có 24 người khác bị ảnh hưởng, có cùng triệu chứng như các nạn nhân trên và đã được chuyển cấp cứu tại Phòng khám Đa khoa khu vực Dào San, trung tâm ý tế huyện Phong Thổ, Bệnh viện Đa khoa huyện Phong Thổ.

Trong đó có 6 người có tình trạng nguy kịch đã được chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu cấp cứu... Tất cả các nạn nhân đều là người Hà Nhì, trú tại bản Tà Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.

Các bệnh nhân đang được cấp cứu tại bệnh viện.

Ông Đồng Xuân Linh, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phong Thổ cho biết, ngay khi nhận được thông tin ở bản Tả Chải, chúng tôi đã trực tiếp xuống hiện trường thì có 3 người đã chết, 2 người có biểu hiện co cứng chân tay, mắt mờ, vã mồ hôi. Chúng tôi vận động đưa ngay đến y tế xã nhưng do bệnh tình quá nặng cộng thêm, theo phong tục địa phương, nếu chết ở ngoài thì không được đưa xác về nhà, thậm chí không được đưa về bản nên gia đình họ chấp nhận không đưa đến y tế xã.

Ông Linh cho biết thêm đến ngày 14-2, 7 bệnh nhân cấp cứu tại Trung tâm có biểu hiện buồn nôn, hoa mắt, chóng mặt đều đã tạm ổn. Hiện, trung tâm vẫn giữ lại để điều trị dứt điểm.

Người dân bản Tà Chải giúp những gia đình nạn nhân xấu số làm quan tài theo truyền thống người Hà Nhì.

Sau khi nhận được tin báo, Công an tỉnh Lai Châu đã tổ chức hội ý nhanh, cử đoàn công tác trực tiếp do Đại tá Bùi Xuân Phong, Phó Giám đốc Công an tỉnh dẫn đầu đã xuống địa bàn xã Tà Chải để phối hợp với lực lượng Biên phòng và Công an huyện Phong Thổ, làm những công tác cần thiết.

Đến 12h đêm ngày 13-2, lực lượng pháp y của Công an tỉnh đã tiến hành khám nghiệm pháp y, nhanh chóng thu thập chứng cứ. Sáng ngày 14-2, lực lượng Công an đã bàn giao thi hài cho người thân của nạn nhân để làm thủ tục đám tang theo truyền thống địa phương.

Công an tỉnh Lai Châu cũng đã tổ chức nhiều mũi công tác để làm công tác thu thập chứng cứ đưa đi xét nghiệm, lấy lời khai nhân chứng và nạn nhân, điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc. Đồng thời, phối hợp chính quyền huyện, xã tuyên truyền nhân dân trên địa bàn không sử dụng thực phẩm nghi vấn, ổn định tình hình nhân dân, tránh đối tượng xấu đưa ra những luận điệu xuyên tạc, chia rẽ nội bộ nhân dân.

Nguyên nhân bước đầu được cho là, ngày 10-2, ông Phù Vần Lẻng, 60 tuổi, dân tộc Hà Nhì, tổ chức ăn cơm, uống rượu. Đến tối ngày 10-2, ông Lẻng có các triệu chứng như đã kể trên, rồi tử vong lúc 22h cùng ngày. Sau khi ông Lẻng chết, gia đình đã tổ chức hậu sự, nhân dân trong bản Tà Chải đến ăn cơm, uống rượu trong các ngày 11-12 tháng 2-2017 theo phong tục địa phương. Đến ngày 13-2 thì bắt đầu xảy ra hiện tượng nhiều người bị đau đầu, đau bụng, buồn nôn, giãn đồng tử rồi dẫn đến tử vong.

Lực lượng Công an và chính quyền địa phương thăm hỏi, động viên những nạn nhân trong vụ việc.

Đại tá Bùi Xuân Phong cho biết thêm, đến chiều 14-2 vẫn chưa có thể xác định được nguyên nhân dẫn đến vụ việc.

Theo nhận định ban đầu có thể là do ngộ độc thức ăn. Một số thông tin cho biết, có thể các nạn nhân tử vong do ngộ độc rượu, tuy nhiên điều này cần phải có kết quả xét nghiệm, kết quả khám nghiệm tử thi mới có thể khẳng định chính xác.

Bởi trong lời khai của một số nạn nhân hiện đang cấp cứu tại các cơ sở y tế, tại đám tang ông Lẻng, họ khẳng định không uống rượu mà chỉ ăn các thức ăn như bánh kẹo do Trung Quốc sản xuất, ăn trứng vịt Trung Quốc, ăn thịt chó, thịt gà, đậu phụ… nhưng họ vẫn có những biểu hiện lâm sàng như những người đã tử vong.

Hiện vụ việc vẫn đang được điều tra làm rõ.

Tác giả bài viết: Trần Xuân

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP