Kinh tế

26 tỷ đồng bốc hơi: Tại sao chưa có cuộc làm việc giữa ba bên?

Có một tình tiết cần làm rõ trong sự việc của bà Trần Thị Thanh Xuân, Giám đốc Công ty Quang Huân bỗng dưng mất 26 tỷ đồng trong tài khoản mở tại VPBank, đó là, sự việc xảy ra từ tháng 7.2015 đến nay nhưng vẫn chưa có một cuộc ngồi lại giữa ba bên để trao đổi cho thấu đáo những khúc mắc.

Cựu kế toán phủ nhận làm giả hồ sơ trong vụ công ty báo mất 26 tỷ đồng
TP.HCM chỉ đạo xử nghiêm vụ mất 26 tỉ đồng trong tài khoản
VPBank chính thức thông tin vụ “làm mất” hơn 26 tỷ đồng của khách hàng
26 tỷ đồng trong tài khoản biến mất, ngân hàng thoái thác trách nhiệm

Theo phản ánh, bà Xuân tố cáo tất cả chữ viết trong các chứng từ đều không phải là chữ viết của bà. Bà Xuân cho rằng đó là hồ sơ giả do nhân viên ngân hàng Đoàn Thị Thúy Hằng cùng bạn và Phạm Văn Trinh, nhân viên kế toán của Công ty Quang Huân cấu kết giả hồ sơ và con dấu công ty của bà. Bà cũng cung cấp các chữ ký và chữ viết trước đây Phạm Văn Trinh ký tại các phòng công chứng, cơ quan thuế để đối chiếu thì đúng đó là chữ ký và chữ viết của Trinh nhưng lại ghi tên giám đốc Xuân.

Bà Xuân từ chối không đến

Như Dân Việt đã đưa, ông Trinh cũng xác nhận tất cả chữ ký trên chứng từ đều là của ông. Ông Trinh ký thay bà Xuân ngay từ đầu, kể từ các chứng từ mở tài khoản, sử dụng tài khoản, phiếu đăng ký sử dụng dịch vụ và cả 2 quyển séc mà nhân viên Hằng mang đến.

Chính vì thế, khi bà Xuân muốn kiểm tra tài khoản thì nhân viên ngân hàng yêu cầu bà làm thủ tục đổi chữ ký, vì cho rằng chữ ký của bà không giống như chữ ký đã giao dịch trước đây.

Vấn đề cần làm rõ ở đây là bà Xuân đã nhờ ông Trinh ký ngay từ đầu đến thời điểm bà phát hiện mình bị mất tiền không? Từ ngày mở tài khoản đến giờ, những biến động trong tài khoản bà có biết không? Đây là những câu hỏi cần được làm rõ.


Sự việc của bà Xuân xảy ra từ thangs 7.2015 nhưng đến nay vẫn chưa có cuộc làm việc giữa 3 bên

Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là từ khi xảy ra sự việc này cho đến nay vẫn chưa có một cuộc làm việc nào giữa ba bên, đó là bà Xuân, ông Trinh và đại diện VPBank. Tài liệu được gửi đến cơ quan công an điều tra PC46 TP.HCM đã không có biên bản làm việc giữa ba bên này.

Đại diện VPBank cho rằng, sau khi tiếp nhận vụ việc của bà Xuân, nhận thấy đây là vụ việc nghiêm trọng, ngân hàng đã ngay lập tức kiểm tra hồ sơ mở tài khoản, làm việc với các cá nhân có liên quan.

“Qua quá trình làm việc, xác minh các cá nhân liên quan đều phủ nhận nội dung tố cáo của bà Xuân và yêu cầu đối chất với bà Xuân để làm rõ. VPBank đã chủ động trao đổi, mời bà Xuân làm việc nhằm tạo cơ hội cho các bên đối chất, làm rõ sự việc nhưng bà Xuân không phối hợp và trả lời đã gửi đơn cho các cơ quan công an điều tra, làm rõ (có ghi âm cuộc gọi)”, đại diện VPBank cho biết.

Về phía bà Xuân, bà không đến cuộc làm việc ba bên vì bà đã gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an điều tra rồi.

Ông Trinh rút tiền để bà Xuân gửi vào tài khoản cá nhân

Còn ông Trinh khẳng định mặc dù ông ký nhưng con dấu là bà Xuân cầm và rút tiền đều theo lệnh của bà Xuân.

Cụ thể lần rút 8,3 tỷ đồng vào ngày 30.5.2015 là do bà Xuân gọi đến nhà để lấy séc và rút ở VPBank chi nhánh Cộng Hoà. Đi rút cùng ông Trinh là một nhân viên của Công ty Quang Huân, sau khi rút tiền thì có con rể là Nguyễn Khánh Hoàng và con gái là Lưu Thanh Uyên đến đón về tại nhà ở TTN1. P. Tân Sơn Nhất. Q12. TP.HCM. Sau khi nhận tiền, bà Xuân đã nộp vào tài khoản cá nhân của mình ở Ngân hàng Quân Đội mở ở Chi nhánh Tây Ninh (nộp tại MB Chi nhánh Cộng Hoà).

Còn với khoản rút 1,5 tỷ đồng ngày 10.4.2015 của ông Nguyễn Huy Nhật, ban đầu bà Xuân đã yêu cầu rút 500 triệu đồng, sau đó yêu cầu rút tiếp 1 tỷ đồng. Sau khi rút tiền tôi mag đến cho mẹ bà Xuân 1 tỷ đồng, còn 500 triệu chuyển cho ông Hùng bằng cách chuyển vào tài khoản của ông ở Sacombank.

Còn rút 1,5 tỷ ngày 13.4.2015 thì ông Trinh không nhớ rút ở đâu nhưng bà Xuân đưa thêm 1,5 tỷ đồng nữa để nộp vào tài khoản của Công ty Quang Huân mở tại Agribank chi nhánh Nhà Bè...

Tất cả những lời khai của ông Trinh đều cần được làm rõ, ít nhất là sự xác nhận của bà Xuân xem có đúng hay không? Tuy nhiên, bà Xuân đã không đến và lời khai của ông Trinh cũng từ một phía. Còn bà Xuân, đến nay ngoài việc tố cáo ông Trinh ký thay và rút tiền, chưa có một thông tin nào được đưa ra.

Câu hỏi đặt ra tại sao bà Xuân lại không đến cuộc làm việc giữa 3 bên đó? Theo luật sư Trần Duy Cảnh, thành viên của Luật Việt Advocates& Solicitors, bà Xuân có quyền đến hoặc không đến. “Vì tôi không tham gia sự việc này nên không hiểu rõ nội tình thế nào. Nhưng bà Xuân có quyền không đến hoặc vì thái độ của bên kia khệnh khạng, bảo thủ và không muốn hợp tác thì chả đến để làm gì cả”, luật sư Cảnh phân tích.

Về tình huống ngân hàng muốn hợp tác làm rõ, nhưng bà Xuân không đến, liệu có tình huống luật sư của bà Xuân đã tư vấn như vậy không, thì ông Cảnh cho rằng hợp tác được ngay từ đầu thì tốt. Tuy nhiên, do không nắm rõ sự tình nên không biết thế nào.

Tất cả những lời khai của ông Trinh có đúng không? Câu trả lời chỉ có khi bà Xuân xác nhận lời khai của ông Trinh là đúng hay sai? Nhưng tại sao, khi sự việc xảy ra từ tháng 7.2015 đến nay, vẫn chưa có một cuộc làm việc giữa ba bên? Sự việc chỉ sáng tỏ khi mọi lời khai đều được đối phương chứng thực.

Tác giả bài viết: Trần Giang

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP