Thế giới

13 nhân viên an ninh bị sát hại trong "lửa" bạo loạn ở Kazakhstan

Truyền thông Kazakhstan đưa tin, ít nhất 2 sĩ quan an ninh đã bị chặt đầu trong các cuộc biểu tình bạo lực ở thành phố Almaty, ngoài hơn 10 người khác cũng bị sát hại.

Xe cảnh sát bị đốt cháy trong bạo loạn tại Kazakhstan (Ảnh: Reuters).

Kênh truyền hình Khabar 24 ngày 6/1 dẫn thông tin từ chính quyền Almaty cho biết, ít nhất 2 sĩ quan an ninh đã bị chặt đầu trong các cuộc biểu tình bạo lực ở thành phố lớn nhất của Kazakhstan.

Hiện vẫn chưa rõ liệu những kẻ bạo loạn đã chặt đầu các nạn nhân khi họ vẫn còn sống, hay phân cắt các thi thể khi họ đã tử vong.

Khabar 24 dẫn lời các quan chức nói rằng, các vụ chặt đầu là "bằng chứng cho thấy bản chất khủng bố và cực đoan của các nhóm bạo động".

Tính đến nay, khoảng 353 sĩ quan được cho là đã bị thương. Số cảnh sát và sĩ quan an ninh thiệt mạng đã lên tới 13 người.

Hãng thông tấn RIA của Nga đã yêu cầu các nhà chức trách Almaty cung cấp thông tin, trong đó các quan chức khẳng định ít nhất 2 thi thể đã được tìm thấy trong tình trạng mất đầu.

Các cuộc biểu tình bùng phát từ ngày 2/1 ở tây Kazakhstan khi người dân ở đây bất bình vì giá năng lượng tăng cao. Chính phủ Kazakhstan không hỗ trợ giá và tuyên bố rằng từ giờ trở đi giá khí hóa lỏng (LNG) sẽ do thị trường quyết định. Giới chức Kazakhstan cho rằng mô hình cũ đã khiến các nhà sản xuất khí đốt liên tục thua lỗ.

Các cuộc biểu tình đã nhanh chóng lan ra khắp các thành phố của Kazakhstan yêu cầu giảm giá khí đốt. Ban đầu, đó chỉ là các cuộc biểu tình ôn hòa. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi nhanh chóng, biến thành các cuộc biểu tình bạo loạn. Bất chấp những nỗ lực của Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev, làn sóng biểu tình không có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn.

Hãng thông tấn TASS dẫn thông tin từ Bộ Y tế Kazakhstan cho biết hơn 1.000 người đã bị thương trong các cuộc biểu tình và hơn 400 người trong số họ đang phải nhập viện. Cảnh sát Kazakhstan cho biết họ đã tiêu diệt hàng chục đối tượng bạo loạn cố xông vào các tòa nhà công quyền ở Almaty.

Tổng thống Tokayev ra lệnh bảo vệ các đại sứ quán nước ngoài và các cơ sở kinh doanh thuộc sở hữu của các công ty nước ngoài. Trước đó, uy tín về sự ổn định của Kazakhstan đã giúp nước này thu hút hàng trăm tỷ USD đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp dầu mỏ và kim loại.

Tổng thống Tokayev yêu cầu giải tán chính phủ, ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc và đề nghị sự hỗ trợ của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga đứng đầu. Ông Tokayev cáo buộc những người biểu tình phá hoại "hệ thống nhà nước" và cho rằng "nhiều người trong số này đã được đào tạo quân sự ở nước ngoài".

Thông báo của CSTO gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, và Tajikistan hôm nay cho biết, Nga đã đưa lính nhảy dù tới Kazakhstan để cùng lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế dập tắt tình trạng bạo loạn tại Kazakhstan. Bộ Quốc phòng Nga hôm nay cũng công bố video lính nhảy dù Nga lên máy bay vận tải Ilyushin Il-76 tới Kazakhstan.

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên CSTO, thông báo "lực lượng gìn giữ hòa bình" đã được triển khai tới Kazakhstan trong khoảng thời gian "có giới hạn" để giúp quốc gia này ổn định tình hình.

Tác giả: Thành Đạt

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP