|
Đại dịch Covid-19 liên tiếp qua các đợt dịch khiến doanh nghiệp vận tải phải đối mặt với nhiều khó khăn khi sản lượng hành khách, doanh thu sụt giảm, nhiều doanh nghiệp giảm tới 70% doanh thu, thậm chí đóng cửa.
Sản lượng hành khách giảm khiến thu không đủ chi, doanh nghiệp không có nguồn trả gốc và lãi vay, cũng như các khoản chi phí khác để duy trì hoạt động. Do đó nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, người lao động mất việc làm.
Ông Đặng Thế Phương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hải Phòng mở đầu phần phát biểu của mình tại phiên làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và gặp gỡ giới doanh nhân với bức tranh ảm đạm của ngành vận tải thời gian qua.
Do đó, Hiệp hội vận tải Hải Phòng kiến nghị VCCI, Bộ GTVT và các Bộ ngành liên quan báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ xem xét một số biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp vận tải.
Thứ nhất, giảm thuế giá trị gia tăng về 5% trong thời gian 12 tháng cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải.
Thứ hai, giảm 50% lệ phí trước bạ cho các xe ô tô đăng ký mới để kinh doanh vận tải.
Thứ ba, chỉ đạo hệ thống các ngân hàng giảm lãi suất, giảm 3-5% lãi suất/năm cho vay và cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, hiện tỷ lệ giảm chỉ 0,5% là không đáng kể và không tương xứng với những thiệt hại của doanh nghiệp do đại dịch. Cho vay mới để doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thứ tư, cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải được tạm dừng đóng và nợ tiền BHXH hết năm 2021.
Thứ năm, cho phép các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đang nợ BHXH được giãn nợ BHXH hết năm không tính lãi nộp chậm phạt.
Thứ sáu, cho phép các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đang nợ phí bảo trì đường bộ hết năm 2021. Hiện nay việc thu phí bảo trì đường bộ còn bất cập là đối với các doanh nghiệp taxi, doanh nghiệp vận tải đang dừng hoạt động do yêu cầu chống dịch, xe nằm bãi nhưng đến kỳ vẫn phải đóng phí bảo trì đường bộ khi đi đăng kiểm.
Nhiều xe nằm bãi nhưng đến kỳ vẫn phải đóng phí bảo trì đường bộ khi đi đăng kiểm. |
Thứ bảy, Bộ GTVT sớm có kiến nghị với Tổng công ty Hàng không Việt Nam sớm có chính sách miễn giảm phí dịch vụ với xe đưa đón tại cảng hàng không, như ở Hải Phòng là Cảng hàng không Cát Bi từ tháng 1/2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Thứ tám, điều chỉnh tăng thời hạn kiểm định với các xe kinh doanh vận tải.
Thứ chín, điều chỉnh tăng niên hạn sử dụng với loại xe kinh doanh vận tải hành khách khi chưa có điều kiện thay thể xe mới, do thời gian và km đã giảm 70%-80% do dừng hoạt động ảnh hưởng từ dịch.
Thứ mười, đề nghị Chính phủ cho phép lùi thời hạn lắp camera đối với các phương tiện theo quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP đến 31/12/2022 thay vì 1/7/2021 như hiện nay, bởi hiện nay nguồn lực của các doanh nghiệp vận tải đã rất khó khăn do ảnh hưởng của dịch bênh.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hải Phòng cũng cho biết, chính sách hỗ trợ của Nhà nước tại Nghị định 68/2021/NQ-CP và các quyết định quy định về hỗ trợ người lao động là tích cực nhưng vẫn còn nhiều điều kiện chưa phù hợp với thực tế làm cho doanh nghiệp khó đáp ứng được yêu cầu để tiếp cận với nhiều chính sách. Do đó, đề nghị sửa đổi các điều kiện nhanh chóng để doanh nghiệp có thể sớm tiếp cận.
Tác giả: Lê Mạnh Quốc
Nguồn tin: nguoiduatin.vn