Ông Mão nói: Không phải gia đình tôi mà nhiều gia đình nữa, nhất là vùng khối 7, khối 6 là mong Nhà máy nước sạch hoàn thành để dân chúng tôi được hưởng. Dùng nước này bẩn không hợp vệ sinh, mùa hạn là dân không có nước dùng.
Nhà máy nước thị trấn Kim Sơn được khởi công xây dựng năm 2012 với tổng kinh phí trên 39,8 tỷ đồng. Công trình có công suất thiết kế 1.500m3 ngày đêm, dự kiến cấp nước cho khoảng 1.000 hộ dân thị trấn Kim Sơn và vùng lân cận. Cho đến nay, sau gần 5 năm triển khai, các gói thầu số 1 và số 2a đã hoàn thành. Còn lại gói thầu số 2b, phần đấu nối đường ống đến các hộ tiêu thụ để triển khai cấp nước thì vẫn chưa thể thực hiện.
Theo ông Trần Quang Lý - Khối 2, Thị trấn Kim Sơn, đường nước triển khai cũng đã 3 năm rồi, đã làm đường ống rồi nhưng hiện nay nước chưa về. Họ yêu cầu nộp tiền mới có nước về nhưng dân thì yêu cầu là có nước về thì dân mới nộp tiền.
Để giải quyết vướng mắc và sớm đưa nhà máy nước đi vào hoạt động, UBND huyện Quế Phong đã xin ý kiến UBND tỉnh phương án giao cho huyện lựa chọn đơn vị thi công có đủ năng lực và kinh nghiệm bỏ kinh phí thực hiện đấu nối đến các hộ tiêu thụ và thu hoàn kinh phí xây dựng trừ vào tiền nước sau khi khai thác vận hành công trình.
Mặc dù bể chứa nước đã làm song xong nhưng bà con nhân dân vẫn không có nước máy để dùng
Bà Vi Thị Duyến - Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Quế Phong cho biết: Chúng tôi đã triển khai họp dân rất nhiều lần cuối cùng đến thời điểm hiện tại là chỉ được 27% người dân đóng góp. Theo quy định để triển khai được gói thầu thì phải được 35% giá trị gói thầu, tương đương gần 2 tỷ 8 nên hiện tại chưa đủ kinh phí để đấu đến các hộ tiêu thụ.
Một công trình có tính bức thiết nhưng do quá trình triển khai có những bất cập khiến cho tiến độ thi công bị đình trệ. Đây cũng là bài học cần rút kinh nghiệm của Quế Phong nói riêng và các địa phương khác nói chung.
Tác giả bài viết: An Duyên - Trường Ca
Nguồn tin: