Số lượng nguyện vọng 1 tăng vọt, dự báo điểm chuẩn đại học sẽ tăng
- 08:08 14-08-2024
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2024. Nhiều trường đại học dự báo điểm chuẩn phương thức xét điểm thi tốt nghiệp năm nay tăng so với năm trước - Ảnh: DUYÊN PHAN |
Ngày 13-8, các trường đại học đã nhận dữ liệu nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh. Thống kê từ nhiều trường đại học cho thấy số lượng nguyện vọng 1 tăng so với năm trước, thậm chí có trường tăng gấp đôi. Cùng với điểm thi tốt nghiệp THPT của thí sinh tăng, các trường dự báo điểm chuẩn sẽ tăng.
Nguyện vọng 1 tăng gấp đôi
Khối ngành sư phạm năm nay nhận được sự quan tâm của đông đảo thí sinh. Số lượng nguyện vọng đăng ký vào nhiều trường, khối ngành sư phạm đều tăng so với năm 2023. Trường đại học Sài Gòn có gần 65.000 nguyện vọng đăng ký xét tuyển của hơn 41.000 thí sinh. Trong đó, nguyện vọng 1 khoảng 10.000. Được biết chỉ tiêu của trường năm nay khoảng 5.000.
Ở nhiều trường đại học khác, tình hình cũng tương tự. Theo ông Lê Phan Quốc - phó trưởng phòng đào tạo Trường đại học Sư phạm TP.HCM, năm nay trường có hơn 52.000 nguyện vọng đăng ký, tăng gấp đôi so với năm 2023. Riêng nguyện vọng 1 có hơn 19.000.
"Những ngành có số lượng nguyện vọng 1 tăng nhiều là sư phạm toán, sư phạm tiếng Anh, sư phạm văn, ngôn ngữ Anh. Tuy nhiên, đến thời điểm này (sáng 13-8) trường chưa có đánh giá điểm chuẩn vì chưa nhận được dữ liệu điểm thi của thí sinh" - ông Quốc nói.
Các trường khối kinh tế năm nay cũng nhận được sự quan tâm của thí sinh khi số lượng nguyện vọng 1 đều tăng đáng kể so với năm 2023. Tại Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM), ông Cù Xuân Tiến - trưởng phòng tuyển sinh và công tác sinh viên - cho biết năm nay trường nhận được 5.100 nguyện vọng 1 trong khi chỉ tiêu 2.600. Một số ngành có lượng nguyện vọng 1 nhiều là thương mại điện tử, kinh doanh quốc tế, marketing.
Tương tự, ông Bùi Quang Hùng - phó giám đốc Đại học Kinh tế TP.HCM - cho biết số lượng nguyện vọng 1 đăng ký vào trường tăng 30% so với năm trước, riêng phân hiệu Vĩnh Long tăng 50%. Mức tăng 30% số lượng nguyện vọng 1 cũng được ghi nhận tại Trường đại học Ngân hàng TP.HCM. Theo ông Nguyễn Đức Trung - hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, một số ngành có nguyện vọng 1 tăng hơn 50% là công nghệ tài chính, marketing, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, khoa học dữ liệu.
Không nằm ngoài xu hướng chung, các trường đại học khối kỹ thuật công nghệ cũng có lượng nguyện vọng 1 tăng so với năm trước. Theo ông Quách Thanh Hải - trưởng phòng đào tạo Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, năm nay có hơn 20.000 nguyện vọng 1 đăng ký vào trường trong khi chỉ tiêu là 7.500.
Tương tự, ông Nguyễn Trung Nhân - trưởng phòng đào tạo Trường đại học Công nghiệp TP.HCM - cho biết số lượng nguyện vọng 1 vào trường năm nay gần 10.000, tăng 2.000 so với năm trước. Nếu tính cả ba nguyện vọng đầu, số lượng khoảng 30.000.
"Riêng số thí sinh trúng tuyển sớm đăng ký nguyện vọng 1 là 4.500. Những thí sinh này chắc chắn trúng tuyển. Như vậy, trường còn hơn 50% chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT" - ông Nhân chia sẻ.
Tại Trường đại hoc Công Thương TP.HCM, số nguyện vọng đăng ký tăng kỷ lục. Ông Phạm Thái Sơn - giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công Thương TP.HCM - cho hay có 13.000 nguyện vọng 1 đăng ký vào trường, tăng 2,5 lần so với năm 2023. Số lượng nguyện vọng 2 cũng có mức tăng tương tự. Điểm khác biệt là số lượng nguyện vọng 3 và 4 thấp hơn năm trước.
"Trong số 13.000 nguyện vọng 1, có khoảng 3.000 của thí sinh trúng tuyển sớm. Như vậy còn khoảng 4.000 chỉ tiêu cho xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT" - ông Sơn nói.
Điểm chuẩn sẽ tăng
Thống kê từ Bộ GD-ĐT cho thấy năm 2024 có hơn 733.000 thí sinh đăng ký xét tuyển, tương đương 68,5% tổng số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Năm 2023 có hơn 660.000 thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống, tương đương 65,9% tổng số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học năm nay tăng 73.000 so với năm trước.
Nhìn nhận về xu hướng đăng ký nguyện vọng của thí sinh, ông Quách Thanh Hải cho biết năm nay có sự thay đổi trong đăng ký nguyện vọng của thí sinh. "Năm trước trường ghi nhận rất nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường ở nguyện vọng 7, 8. Tuy nhiên năm nay ít thấy tình trạng này, thứ tự nguyện vọng dừng ở ưu tiên 3, 4. Có lẽ thí sinh đã được tư vấn, tìm hiểu thông tin tốt hơn nên không đăng ký tràn lan" - ông Hải nói.
Số thí sinh tăng, lượng nguyện vọng nhiều hơn, điểm thi cao hơn nên nhiều trường dự báo điểm chuẩn sẽ có nhiều thay đổi so với năm 2023. Ông Cao Minh Thành - phó trưởng phòng đào tạo Trường đại học Sài Gòn - cho biết số lượng nguyện vọng 1 tăng nhiều so với năm trước, một số ngành có lượng nguyện vọng lớn tập trung ở nhóm ngành sư phạm.
"Do chỉ tiêu sư phạm năm nay không nhiều nên bình quân tỉ lệ chọi các ngành sư phạm trung bình khoảng 1/10. Cùng với điểm thi của thí sinh tăng nên nhiều khả năng điểm chuẩn cũng sẽ tăng" - ông Thành cho hay. Tương tự, ông Cù Xuân Tiến nhận định mặt bằng điểm thi của thí sinh cao hơn, khả năng điểm chuẩn nhiều ngành của Trường đại học Kinh tế - Luật cũng sẽ tăng.
Ông Nguyễn Trung Nhân cũng đưa ra dự báo điểm chuẩn nhiều ngành của Trường đại học Công nghiệp TP.HCM sẽ cao hơn năm 2023. Trong đó, ông dự báo những ngành có lượng nguyện vọng 1 nhiều thì điểm chuẩn sẽ tăng đáng kể như luật, tự động hóa, cơ khí. Nhóm ngành kinh doanh quản lý có điểm chuẩn tăng nhẹ, trong khi ngành công nghệ thông tin có điểm chuẩn thay đổi không đáng kể.
Điểm chuẩn khối kinh tế dự báo tăng nhiều nhất Ông Phạm Thái Sơn nhận định các ngành khối kinh tế điểm chuẩn tăng nhiều nhất ở Trường đại học Công Thương TP.HCM. Nguyên nhân chính do số lượng nguyện vọng 1 lớn. Trong đó ngành marketing, kinh doanh quốc tế có đến 4.000 nguyện vọng 1 mỗi ngành. Logistics và quản lý chuỗi cung ứng chỉ có 60 chỉ tiêu nhưng có đến 2.000 nguyện vọng 1. Do đó dự kiến điểm chuẩn các ngành này có thể lên đến 24 - 24,5 điểm. Các ngành còn lại điểm chuẩn có thể tăng nhẹ so với năm 2023. 6 lần lọc ảo Ngày 13-8, Bộ GD-ĐT bắt đầu quá trình lọc ảo, kéo dài đến 17-8. Sẽ có 6 lần lọc ảo trong 5 ngày. Song song đó, hai nhóm lọc ảo phía Bắc do Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì và phía Nam do Đại học Quốc gia TP.HCM chủ trì cũng tiến hành lọc ảo. 16h ngày 17-8, Bộ GD-ĐT trả kết quả lọc ảo lần cuối cùng cho các trường đại học. Dựa trên kết quả này, các trường xác định và công bố điểm chuẩn trúng tuyển chính thức. Đồng loạt công bố điểm chuẩn từ chiều 17-8 Nhiều trường đại học sẽ công bố điểm chuẩn vào chiều tối 17-8, ngay sau khi kết thúc lọc ảo nguyện vọng xét tuyển đại học 2024. Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường thông báo thí sinh trúng tuyển đợt 1 chậm nhất lúc 17h ngày 19-8.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo nhiều trường đại học cho biết sẽ công bố điểm chuẩn chính thức ngay sau khi nhận dữ liệu kết quả xử lý nguyện vọng lần 6 từ Bộ GD-ĐT. Cụ thể, từ 17h ngày 17-8, các trường đại học Công nghiệp TP.HCM, Công nghệ TP.HCM, Kinh tế - Tài chính TP.HCM, Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, Gia Định, Nha Trang và các trường thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM như Kinh tế - Luật, Quốc tế sẽ công bố điểm chuẩn. Từ 19h ngày 17-8, các trường đại học Luật TP.HCM, Công Thương TP.HCM, Hoa Sen, Kinh tế TP.HCM, Việt - Đức, Khoa học xã hội và Nhân văn, Khoa học Tự nhiên, Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM)... sẽ công bố điểm chuẩn. Nhiều trường tư như Nguyễn Tất Thành, Văn Lang, Văn Hiến, Quốc tế Hồng Bàng... sẽ công bố điểm chuẩn vào ngày 18-8. |
Tác giả: MINH GIẢNG - TRẦN HUỲNH
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ