Vụ 11 học sinh ăn 2 gói mì chan cơm: Sẽ nhờ cơ quan điều tra nếu xác minh không thể làm rõ
- 13:23 20-12-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Hoàng Thu Phố 1 với bữa ăn bán trú trưa 19-12 - Ảnh: NGUYÊN BẢO |
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 19-12, ông Ngô Xuân Dũng, phó hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Hoàng Thu Phố 1, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, cho biết sự việc "11 học sinh ăn sáng 2 gói mì chan cơm" mà báo chí phản ảnh vừa qua là một cú sốc rất lớn đối với cán bộ, giáo viên, học sinh và người dân.
Theo ông Ngô Xuân Dũng, sau khi trấn tĩnh lại, nhà trường đã kiểm soát tình hình, động viên tinh thần đối với cán bộ giáo viên, nhân viên và các em học sinh. Thời điểm này các hoạt động đã bình thường.
Hiệu phó nói do 'lơ là'
Ông Ngô Xuân Dũng cho biết sau sự việc, ban giám hiệu nhà trường, ban chấp hành công đoàn đã tổ chức họp để rút kinh nghiệm trong quá trình quản lý, chỉ đạo đối với học sinh, giáo viên về công tác bán trú (chế độ ăn, ngủ nghỉ và vệ sinh) và nề nếp dạy và học.
"Trước đây nhà trường cũng đã tổ chức họp phụ huynh lấy ý kiến, tuy nhiên trong quá trình quản lý, chỉ đạo cũng lơ là ở các khâu. Khâu tiếp phẩm, khâu chế biến cũng chưa được tuần tự theo các bước. Khâu xuất, nhập, chế biến thực phẩm các bộ phận làm cũng chưa được tròn trách nhiệm.
Sau khi sự việc xảy ra, việc lên khẩu phần thực đơn hằng ngày được kiểm duyệt chặt chẽ giữa ban giám hiệu nhà trường, công đoàn với ban thanh tra nhân dân trường học. Khâu nhập thực phẩm được cân đo, kiểm tra chất lượng sản phẩm bằng mắt thường, lưu mẫu thức ăn 24 giờ", ông Dũng thừa nhận.
Theo ông Dũng, những phản ánh của báo chí thời gian qua có cơ sở, nhưng ông cho rằng sự việc chỉ ở một thời điểm nhất định, khoảng 1 - 2 ngày, không diễn ra xuyên suốt.
"Có những hình ảnh đúng với thực tế nhà trường, ví dụ rau bắp cải thối, đó là những rau loại ra không chế biến cho các em, không nhớ nổi là thời điểm nào.
Hôm 13-12, học sinh ăn sắp xong rồi, trên bảng thực đơn các ca trực cũng lơ là không để ý, không biết cụ thể là các em có ăn đủ không. Tuy nhiên, các thầy cô giáo trực một ca gồm ba người, việc giám sát bữa ăn tương đối chặt chẽ", ông Dũng nói.
Không có chuyện thiếu thực phẩm (?)
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Xin Thị Tính, người phụ trách nấu ăn cho hơn 170 học sinh hằng ngày, khẳng định không có chuyện định lượng bữa ăn của học sinh thiếu thường xuyên, phải ăn cơm chan nước mì gói.
"Đống rau thối là hình ảnh từ lâu, không phải năm nay, rau đó vứt bỏ đi không ăn đâu. Năm nay không có rau thối như thế. Thực phẩm không thiếu, tôi cứ làm theo bảng công khai. Các thầy giao cho tôi nấu như thế nào thì tôi nấu như vậy, tôi chỉ nhận thực phẩm và nấu cho học sinh ăn", bà Tính nói.
Cô Nguyễn Thị Ánh Phương, giáo viên tham gia theo dõi học sinh ăn bán trú, cho biết bên cạnh việc giảng dạy học sinh trên lớp, các giáo viên chủ nhiệm có nhiệm vụ theo dõi, bao quát lớp của mình. Cô Phương cho rằng những phản ảnh vừa qua "thực ra là hư cấu lên rất nhiều".
"Bản thân tôi là một giáo viên, coi con em của bà con đến học như con của mình, đến đây là để chăm sóc các con. Các thầy cô cũng có nhiệm vụ trực theo dõi bữa ăn của học sinh, nếu bữa ăn không đảm bảo chúng tôi sẽ phản ánh ngay.
Tất nhiên cũng có bữa nọ bữa kia vì chỉ có 32.000 đồng/ngày cả sáng, trưa, chiều. Hình ảnh rau hỏng là có thật của trường mình, nhưng rau đó không thể cho các con ăn, rau đó đã bỏ đi rồi. Tất nhiên là trường có sai, nhưng nhiều hay ít, phải làm rõ sự thật xem có đúng như vậy không", cô Phương nói.
Là một trong những giáo viên hỗ trợ học sinh ăn trưa ngày 13-12, cô Nguyễn Thúy Hà cho biết: "Những hình ảnh bữa ăn được đưa lên tivi hôm đó là thời điểm học sinh đã ăn được một lúc, nhiều em đã ăn xong và đi lên phòng ngủ. Khi đó nhìn khay thức ăn không đầy đặn vì đã chia hết thức ăn vào từng bát".
Huyện đang khẩn trương kiểm tra
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 19-12, bà Chu Thị Dương, phó chủ tịch UBND huyện Bắc Hà, cho biết đoàn thanh tra của UBND huyện vẫn đang khẩn trương kiểm tra, xác minh các phản ánh liên quan đến Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Hoàng Thu Phố 1.
"Quan điểm của UBND huyện Bắc Hà là sau khi có kết quả kiểm tra, nếu cá nhân, tập thể có vi phạm thì huyện sẽ xử lý nghiêm minh, không bao che vi phạm. Trên cơ sở kiểm tra xác minh nếu kết quả không được làm rõ thì huyện sẽ đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc", bà Dương nói.
Bà Dương cho hay theo báo cáo của hiệu trưởng nhà trường thì những phản ánh hình ảnh có thật tại Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Hoàng Thu Phố 1. Tuy nhiên, trong đó có những video được ghi lại trước đó và ở nhiều thời điểm khác nhau. Ví dụ, hình ảnh rau bắp cải hỏng, hình ảnh lá su su ở nhà vệ sinh là những hình ảnh được ghi trước đây.
Khi xem những hình ảnh phản ánh về bữa ăn bán trú tại Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Hoàng Thu Phố 1, bà Dương nhận định rằng: "Bữa ăn đó thật sự là kém chất lượng". Tuy nhiên, theo bà, qua hình ảnh phản ánh đó, chưa thể khẳng định vi phạm ở mức nào. Để xác định có vi phạm hay không thì phải chờ kết quả kiểm tra, xác minh của đoàn thanh tra.
Bà Dương cho biết cá nhân bà chưa từng tiếp nhận luồng thông tin hay đơn phản ánh gì về vấn đề hoạt động ăn, ở bán trú, thực hiện chế độ chính sách cho học sinh tại Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Hoàng Thu Phố 1.
"Huyện rất quan tâm đến ngành giáo dục, hằng năm đều tổ chức đối thoại nhưng không thấy phản ánh vấn đề mất an toàn thực phẩm hay thực hiện chế độ chính sách cho học sinh bán trú chưa đảm bảo", bà Dương nói.
Học sinh đã được ăn đúng với định lượng
Ngày 19-12, Tuổi Trẻ đã tới Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Hoàng Thu Phố 1 ghi nhận bữa ăn bán trú của học sinh sau phản ánh kém chất lượng. Theo bảng thực đơn và công khai tài chính tại bếp ăn cho 173 học sinh bán trú ngày 19-12, bữa sáng, khẩu phần ăn của mỗi em có một gói mì và một quả trứng. Bữa trưa, học sinh toàn trường sẽ có 10kg thịt heo, 9kg xương heo và 20kg bí đỏ. Bữa tối có 5kg thịt heo, 14kg giò cá, 16kg bí đỏ.... 11h trưa, sau tiếng trống tan trường, hơn 170 em học sinh ùa xuống bếp ăn bán trú. Mỗi bàn ăn sẽ có 2 - 3 học sinh phụ trách chia đều thịt heo và canh bí nấu xương vào từng tô cơm. Khoảng 11h15, sau khi đông đủ, các học sinh đồng thanh hô to mời thầy cô, mời các bạn ăn cơm. Sau chừng 20 phút, hầu hết các học sinh đã ăn hết phần cơm và đứng dậy mang bát ra rửa. Khi hỏi, các em đều nói "em ăn no rồi, ăn ngon ạ". Về bữa sáng, một nam học sinh cho biết sáng qua chúng em ăn cơm với bắp cải, thịt heo. Còn sáng nay, mỗi bạn ăn một gói mì cùng một quả trứng. Khi được hỏi về bữa ăn 2 gói mì chan cơm mà báo chí đăng, các em đều trả lời là có ăn như thế, nhưng khi hỏi có nhiều lần không, đa số các em rụt rè không trả lời. Diễn đàn "Giám sát bữa ăn học đường" Câu chuyện bữa ăn bán trú ở Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Hoàng Thu Phố 1 một lần nữa đặt ra vấn đề về giám sát bữa ăn học đường. Không chỉ với học sinh vùng đặc biệt khó khăn được Nhà nước hỗ trợ, mà bữa ăn bán trú của học sinh do cha mẹ đóng góp cũng có nhiều vấn đề gặp phải. Làm thế nào để giám sát bữa ăn học đường, để trẻ có bữa ăn tương xứng với tiền được hỗ trợ và cha mẹ đóng góp? Báo Tuổi Trẻ mở diễn đàn "Giám sát bữa ăn học đường", mong nhận được ý kiến, câu chuyện từ bạn đọc để gợi mở giải pháp cho vấn đề nan giải này. Bài viết gửi về [email protected]. |
Tác giả: Chí Tuệ - Nguyên Bảo
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ