Vụ án lừa đảo tại Nghệ An: VKS kháng nghị, đưa 250 khách hàng “mua đất” vào tham gia tố tụng
- 13:35 08-11-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
VKSND Cấp cao tại Hà nội nhận định Bản án sơ thẩm quy kết các bị cáo phạm tội là có căn cứ, đúng pháp luật, tuy nhiên vẫn kháng nghị do bản án còn bỏ lọt tội phạm và tuyên phần trách nhiệm dân sự không đúng quy định.
Bản kháng nghị số 19 ngày 26/10/2023 của VKSND Cấp cao tại Hà Nội. |
Tại Bản kháng nghị số 19 ngày 26/10/2023, VKSND Cấp cao tại Hà Nội nhận định một số hành vi có dấu hiệu lừa đảo nhưng các cơ quan tố tụng sơ thẩm xác định là quan hệ dân sự mà không quy kết trách nhiệm hình sự là bỏ lọt hành vi phạm tội; không đưa Ngân hàng Agribank Hóc Môn, 250 cá nhân, Công ty Thành Thái Thịnh tham gia tố tụng với tư cách bị hại để đảm bảo quyền lợi của các bị hại trên là xác định thiếu người tham gia tố tụng.
03 hành vi có dấu hiệu lừa đảo cần phải xem xét gồm việc Minh Khang thế chấp cho Ngân hàng Agribank chi nhánh Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh, cho phép 250 hộ dân góp vốn và chuyển nhượng đất cho Công ty TNHH Thành Thái Thịnh.
Dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt vào năm 2007 với diện tích trên 78ha, vào giai đoạn bắt đầu khi chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) Công ty Minh Khang đã thế chấp quyền phát sinh tài sản trong tương lai cho Ngân hàng Bảo Việt Bank.
Thế nhưng đến khi được cấp 14 GCNQSDĐ, Minh Khang không nộp toàn bộ cho Bảo Việt Bank mà giữ lại 02 giấy chứng nhận thế chấp vay tiền tại Ngân hàng Agribank chi nhánh Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh.
Công ty Minh Khang không hề thông báo cho Agribank Hóc Môn biết tài sản đã thế chấp tại Bảo Việt Bank. Đến năm 2014, Công ty Minh Khang giải chấp, rút và nộp lại 01 GCNQSDĐ cho Bảo Việt Bank. Còn thửa đất 762 tờ bản đồ 31 diện tích 5486,3m2 quy hoạch xây khách sạn vẫn thế chấp tại Agribank Hóc Môn.
Dù thửa đất đang đang thế chấp nhưng Minh Khang vẫn điều chỉnh quy hoạch và cho nhiều hộ dân góp vốn và một số hộ dân đã xây nhà trên đất.
Sau 4 lần điều chỉnh và phân lô cho góp vốn, diện tích còn lại của thửa đất 762 chỉ là 1.621,45m2. Vào năm 2017, Công ty Minh Khang chuyển nhượng cho Công ty TNHH Thiên Phú với số tiền 23 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này không hoàn tất được thủ tục chuyển nhượng.
Còn đối với 250 hộ dân Minh Khang ký hợp đồng nguyên tắc góp vốn (thực chất là nhận chuyển nhượng) vào 325 lô đất để Minh bộ thu gần 544 tỉ đồng dẫn đến quyền lợi của người dân kể cả hiện tại và tương lai sẽ bị ảnh hưởng vì GCNQSDĐ của dự án đang thế chấp cho các ngân hàng.
Công ty Minh Khang không hề thông báo tài sản đã thế chấp cho các bên liên quan dẫn tới có 3 đối tượng tranh chấp gồm 2 ngân hàng và người dân. Điều này cũng trái với nội dung hợp đồng thế chấp giữa Minh Khang và Bảo Việt Bank: “Không được thế chấp, bảo lãnh, cho thuê, góp vốn chuyển nhượng,... quyền sử dụng đất nếu không được sự đồng ý của ngân hàng”. Công ty Minh Khang cam kết nếu không trả được nợ thì ngân hàng có quyền phát mãi tài sản để thu hồi nợ.
Mọi biến động của từng thửa đất và cả trong quá trình giải quyết vụ kiện tại TAND huyện Hóc Môn, Công ty Minh Khang vẫn không thông tin cho Tòa án và cả Agribank Hóc Môn biết thửa đất đã thế chấp tại Bảo Việt Bank dẫn tới vướng mắc cho việc kê biên phát mãi thi hành án thu hồi gần 55 tỉ đồng cho Agribank do vướng mắc tài sản đã thế chấp cho ngân hàng khác và người dân sau khi góp vốn đã xây nhà trên đất.
Theo VKSND Cấp cao thì Bảo Việt Bank là tổ chức tín dụng được thế chấp đầu tiên họ có quyền phát mãi tài sản và Agribank Hóc Môn sẽ mất quyền sử dụng thửa đất 762. Ngân hàng Bảo Việt Bank cũng đã có văn bản đề nghị CSĐT và các cơ quan chức năng xác minh, làm rõ lô đất nào không liên quan đến vụ án để thu hồi số tiền nợ trên 331 tỉ đồng của Minh Khang.
Ngoài 02 dấu hiệu trên VKSND Cấp cao cũng cho rằng việc chuyển nhượng lô đất cho Công ty TNHH Thành Thái Thịnh có dấu hiệu lừa đảo.
Cụ thể, diện tích 1.973m2 quy hoạch xây nhà ở xã hội đã thế chấp cho ngân hàng nhưng ông Khang và bà Thu đưa ra thông tin có lợi cho mình là chưa thế chấp có đủ điều kiện pháp lý đã nộp thuế, đã có GCNQSDĐ nhằm chuyển nhượng cho Công ty Thành Thái Thịnh để thu 20,15/22 tỉ đồng tiền rồi dùng hết vào mục đích cá nhân nhưng đến nay cũng không thể hoàn tất thủ tục chuyển nhượng.
Về trách nhiệm dân sự, theo Điều 131 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về hậu pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa là dịch vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại trạng thái ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận,...
Nội dung bản án sơ thẩm tuyên buộc các bị cáo phải bồi thường cho bị hại số tiền chiếm đoạt và số tiền lãi. Vấn đề này, VKSND Cấp cao nhận định việc tuyên buộc như trên là không đúng quy định của pháp luật bởi các bị cáo thực hiện hành vi gian dối, đối tượng hợp đồng bị cấm giao dịch, để ký các hợp đồng góp vốn, hợp đồng vay với các bị hại nhằm chiếm đoạt tài sản của bị hại nên các hợp đồng đã ký kết là vô hiệu.
Trên cơ sở nhận định của mình, VKSND Cấp cao tại Hà Nội đã kháng nghị Bản án sơ thẩm số 137/2023 của TAND tỉnh Nghệ An; đồng thời, đề nghị TAND Cấp cao Hà Nội xét xử theo thủ tục phúc thẩm; huỷ Bản án hình sự sơ thẩm số 137/2023/ HS-ST ngày 28/9/2023 của TAND tỉnh Nghệ An để điều tra lại.
Tác giả: THÀNH VINH
Nguồn tin: lsvn.vn