Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị: Đưa Nghệ An phát triển nhanh, bền vững

Ngày 16/9/2023, tại Nghệ An, Ban Bí thư Trung ương Đảng sẽ tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW, ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 Trụ cáp và dây cáp treo vượt biển dài 3,5 km tại dự án “Khu vui chơi giải trí cửa Hội và Cáp treo ra đảo Ngư” của Tập đoàn Vingroup đang gấp rút hoàn thiện. Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN

Nghị quyết 39 ra đời trong bối cảnh Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã phấn đấu và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, nhưng bên cạnh đó cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, hạn chế, vướng mắc cần được Trung ương chỉ đạo, định hướng, tạo điều kiện hỗ trợ để Nghệ An phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, sớm trở thành tỉnh khá của cả nước.

Nhiều chuyển biến tích cực

Được xem là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống văn hóa cách mạng và tinh thần hiếu học, quê hương của nhiều nhà cách mạng tiền bối, tướng lĩnh, danh nhân, đồng thời ở vị trí chiến lược của cả nước song Nghệ An cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển. Đó là thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, phần lớn diện tích tự nhiên là đồi núi, địa hình chia cắt, trình độ phát triển kinh tế - xã hội giữa các khu vực trong tỉnh có sự khác biệt lớn.

Nghệ An là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước với 16.486,49 km2, trong đó miền núi chiếm đến 83%. Địa phương có bờ biển dài 82 km, đường biên giới đất liền dài nhất cả nước với 468,281 km; dân số 3,4 triệu người (đứng thứ 4 cả nước), trong đó ở các huyện, thị xã miền núi có khoảng 1,2 triệu người, hơn 491.000 người dân tộc thiểu số (chiếm 14,6% dân số toàn tỉnh).

Cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy chưa nằm trong nhóm những địa phương có những bứt phá, phát triển nhanh, mạnh, bền vững, vượt bậc nhưng Nghệ An đã có những cách làm, mô hình hay trên nhiều lĩnh vực, tạo nền móng vững chắc, tiền đề thuận lợi để phát triển trong tương lai.

Tại Nghệ An, đến nay kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá và cao hơn so với bình quân chung của cả nước. Cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng phi nông nghiệp. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2021 tăng 6,2%; năm 2022 tăng 9,08%; cả năm 2023 phấn đấu đạt từ 7,5 - 8,5%. Quy mô GRDP ngày càng mở rộng. Nếu như năm 2022, GRDP đạt gần 176.000 tỷ đồng (gấp 1,21 lần năm 2020, xếp thứ 10/63 địa phương), đến năm 2023 ước đạt 194.645 tỷ đồng.

Ngành nông, lâm, thủy sản được tỉnh quan tâm chỉ đạo, rà soát, bổ sung, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ; đẩy mạnh áp dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ, đưa các giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Đây là khu vực có quy mô và mức tăng trưởng khá cao so với bình quân chung cả nước. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp bình quân giai đoạn 2021 - 2023 tăng khoảng 5%. Lĩnh vực công nghiệp mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của COVID-19 nhưng vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khá; quy mô ngành được mở rộng, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GRDP; năm 2023 ước đạt 19.926 tỷ đồng, đưa tốc độ tăng trưởng ngành Công nghiệp bình quân giai đoạn 2021 - 2023 tăng khoảng 14,7%/năm.

Nghệ An được coi là địa phương có nhiều chuyển biến tích cực về công tác thu hút đầu tư, trong đó thu hút các dự án FDI trở thành điểm sáng nổi bật. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho biết, năm 2022, lần đầu tiên tỉnh lọt vào top 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước; 8 tháng năm 2023 đạt 778,8 triệu USD, xếp thứ 8 cả nước.

Hệ thống y tế được quan tâm và phát triển đồng bộ ở các tuyến; nhiều trung tâm chuyên sâu được thành lập, từng bước khẳng định là trung tâm y tế vùng các tỉnh Bắc Trung Bộ. Tỉnh tập trung huy động nguồn lực, đầu tư, xây dựng, cải tạo, nâng cấp được nhiều tuyến đường giao thông quan trọng, tạo sự kết nối thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đảm bảo đúng, đủ, kịp thời cho các đối tượng thụ hưởng; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được thực hiện kịp thời, hướng đến việc công khai, minh bạch từ xác định đối tượng hỗ trợ đến việc phân bổ vốn...

Không chỉ trên các ngành, lĩnh vực đang đạt được những thành tựu, bước tiến quan trọng mà hiện nay tại nhiều địa phương trong tỉnh, nếu đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu cũng sẽ thấy xuất hiện những điểm sáng, những cách làm, mô hình hay từ các địa phương, cơ sở.

Từ một miền quê khó khăn, đến nay thị xã Hoàng Mai đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, đang dần khẳng định là vùng đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch năng động của tỉnh. Ông Lê Trường Giang, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã cho biết, địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp để thực hiện có hiệu quả các khâu đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra; đồng thời triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách đặc thù tỉnh dành cho địa phương. Cùng với đó, thị xã tập trung hỗ trợ để đưa một số dự án đầu tư lớn đi vào hoạt động; quan tâm đầu tư phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội, xây dựng các tiêu chí đô thị loại III gắn với xây dựng nếp sống văn minh đô thị, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân; xây dựng chính quyền hiệu lực, hiệu quả.

Đưa Nghệ An “bước thật mạnh, tiến thật xa”

 Mô hình trồng cây thìa canh làm dược liệu của Công ty Cổ phần Dược liệu Pù Mát, huyện Con Cuông (Nghệ An) mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng ngô, mía. Ảnh: Văn Tý/TTXVN

Ngày 30/7/2013, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Đây được coi là văn kiện thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Bộ Chính trị đối với quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh; định hướng, tạo động lực giúp tỉnh phát triển tương xứng với vị trí, vai trò, tiềm năng. Tiếp đó, ngày 13/11/2021, tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV thông qua Nghị quyết số 36/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.

Sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, Bộ Chính trị đánh giá kinh tế của tỉnh phát triển khá toàn diện, tăng trưởng khá nhanh, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô kinh tế được mở rộng… Tỉnh Nghệ An cũng đánh giá những thành tích, kết quả đạt được trong nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2020 - 2025) và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII là rất lớn, có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng cho việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội đã đề ra.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, khẳng định sự nỗ lực rất lớn của địa phương, tỉnh thẳng thắn nhìn nhận còn nhiều hạn chế, yếu kém. Cụ thể, đó là mục tiêu xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực các tỉnh phía Bắc, cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp chưa đạt được. Hiện, Nghệ An vẫn là địa phương còn nhiều khó khăn, chưa cân đối được ngân sách. Các lĩnh vực thương mại, du lịch, văn hóa, thể thao, tài chính, công nghiệp, công nghệ cao chưa khẳng định được vai trò trung tâm vùng các tỉnh Bắc Trung Bộ như định hướng, mục tiêu đã đề ra. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có mặt còn hạn chế.

Trong những lần làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ, ban, ngành đã chỉ rõ những hạn chế, tồn tại và đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, gợi mở, định hướng các vấn đề cho tỉnh; đồng thời yêu cầu, tỉnh cần vận dụng sáng tạo các nghị quyết, có những cách làm, bước đi mới để khơi dậy khát vọng phát triển, tạo cho được “kỳ tích sông Lam” mà cả nước đang mong đợi. Ngày 25/5/2023, tại cuộc họp Bộ Chính trị cho ý kiến về Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu yêu cầu đối với tỉnh, đó là phải tạo chuyển biến cụ thể để Nghệ An “bước thật mạnh, tiến thật xa”, với tinh thần địa phương phải quyết liệt hơn, là chủ lực, nhưng trách nhiệm của các cơ quan Trung ương cũng quan trọng, không khoán trắng cho địa phương và địa phương không ỷ lại vào Trung ương.

Để xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá của cả nước, tương xứng với vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ và cả nước, Bộ Chính trị thống nhất ban hành nghị quyết mới về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết 39-NQ/TW ra đời trong bối cảnh đó và đã xác định rõ quan điểm, đó là xây dựng và phát triển Nghệ An tương xứng với vị trí, vai trò, tầm quan trọng, xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân địa phương và cả nước.

Theo Nghị quyết 39-NQ/TW, mục tiêu đến năm 2030, Nghệ An là tỉnh phát triển khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ; là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, logistics, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có khả năng ứng phó và thích ứng có hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao...

Trong đó, một số chỉ tiêu cụ thể được Nghị quyết 39-NQ/TW đưa ra là: đến năm 2030, cơ cấu nông, lâm, thủy sản chiếm 13,5 - 14%; công nghiệp, xây dựng 42 - 42,5%; dịch vụ 39 - 39,5%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 4,5 - 5%; GRDP/người đạt khoảng 7.500 - 8.000 USD; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40%; xã nông thôn mới đạt 90%; hộ nghèo giảm bình quân 0,5 - 1,5%/năm...

Đối với Nghệ An, để đạt được các mục tiêu như Nghị quyết 39-NQ/TW đề ra là không đơn giản, rất cần sự định hướng, hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương và sự nỗ lực hơn nữa của tỉnh cùng những giải pháp, cách làm, bước đi phù hợp. Tỉnh xác định, có nghị quyết rồi nhưng tổ chức thực hiện thế nào cho hiệu quả và cuối cùng phải biến nghị quyết thành của cải vật chất, thành hiện thực sinh động.

Giải pháp được Trung ương và tỉnh đề ra là thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy, khơi dậy khát vọng phát triển toàn diện, nhanh, mạnh hơn; phát huy truyền thống, văn hóa mang đậm bản sắc xứ Nghệ trở thành động lực, nguồn lực nội sinh cho phát triển. Tỉnh xây dựng và thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; tăng cường liên kết phát triển; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chủ yếu dựa vào khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tập trung phát triển mạnh mạng lưới đô thị, nhất là các đô thị trung tâm. Địa phương tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh thu hút và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho phát triển; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền...

Cùng với việc triển khai các nội dung trong Nghị quyết 39-NQ/TW, tỉnh xác định khẩn trương xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo Tỉnh ủy Nghệ An, tỉnh sẽ chủ động ban hành các văn bản hướng dẫn, cơ chế, chính sách để thực hiện thắng lợi Nghị quyết; phát huy cao độ vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội nhằm sớm đưa Nghị quyết 39-NQ/TW đi vào cuộc sống, nỗ lực phấn đấu để Nghệ An “bước thật mạnh, tiến thật xa” theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tác giả: Nguyễn Văn Nhật

Nguồn tin: Báo Tin tức