Hơn 41.000 người chết trong động đất: Chôn cất lặng lẽ, vội vàng
- 11:22 17-02-2023
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Người dân thành phố Kahramanmaras chôn cất những người đã khuất tại nghĩa trang mới lập - Ảnh: NEW YORK TIMES |
Các thủ tục trước an táng
Tại trung tâm thành phố Kahramanmaras của Thổ Nhĩ Kỳ, ngay cạnh sân vận động nơi những người sống sót được bố trí tá túc tạm thời, là một trung tâm thể dục được trưng dụng làm nhà xác dã chiến.
Hằng ngày, hàng trăm chuyến xe cứu thương, xe tải, và cả xe con ghé qua đây, mang theo các túi đựng thi thể.
Các thi thể được vệ sinh, khử khuẩn trước khi đưa đến một nghĩa trang tập thể mới thành lập ở ngoại ô thành phố này.
Người sống sót tìm kiếm thi thể người thân tại một nhà xác dã chiến ở trung tâm thành phố Kahramanmaras - Ảnh: NEW YORK TIMES |
Tại nghĩa trang, cảnh sát xác định nhân thân của từng thi thể, kiểm tra các thủ tục, giấy tờ chứng tử. Đối với những trường hợp bị thương tổn quá nặng, cảnh sát phải dùng đến cách đối chiếu dấu vân tay hoặc kiểm tra mẫu máu...
Thông tin sau đó được cập nhật trên hệ thống của chính phủ cùng mã số từng ngôi mộ để gia đình của nạn nhân động đất không lạc mộ người thân.
Lược bớt nghi lễ an táng
Sau đó, thành phố tổ chức các nghi thức an táng của người Hồi giáo cho nạn nhân động đất. Trước trận động đất hôm 6-2, thông thường thi thể người qua đời được người thân tắm rửa sạch sẽ, khâm liệm, và được gia đình, bạn bè tiễn đưa trong tang lễ. Giờ đây, phần lớn nghi thức ấy phải lược bớt.
Có những thi thể nạn nhân động đất bị thương tổn nặng, một số đã bắt đầu phân hủy, việc tắm rửa và quấn vải liệm đã trở nên không thể. Những trường hợp này được giữ nguyên quần áo, và các nhân viên "tắm" cho nạn nhân bằng đất hoặc đá thông qua nghi thức đặc biệt "Teyemmum".
Sau đó, thi thể nạn nhân được quấn trong những chiếc khăn trắng dùng riêng cho việc an táng, và được đặt trên một chiếc bàn, nơi người thân cầu nguyện cho họ trước khi hạ huyệt.
Những nghi thức tôn giáo cuối cùng được thực hiện trước khi quá trình chôn cất hoàn tất - Ảnh: NPR |
"Đây là trách nhiệm của tín đồ Hồi giáo chúng tôi, là việc cuối cùng chúng tôi có thể làm cho người đã khuất", bà Mevlude Guney, một trong những tình nguyện viên ở khu an táng, chia sẻ với Đài NPR.
Tuy vậy, không phải gia đình nào cũng khuây khỏa với cách làm này. Ông Adnan Beyhan, một giáo chức địa phương, chia sẻ nhiều người đã đến hỏi ông liệu việc chôn cất như thế có được Hồi giáo chấp nhận không, và chỉ tạm yên lòng sau khi nhận được sự đảm bảo của ông.
Không chỉ các nhân viên chính quyền thành phố, mà chính người thân của các nạn nhân cũng không có đủ thời gian để thực hiện đầy đủ các nghi thức. Như trường hợp vợ chồng ông Kolac đến để chôn cất con trai, nhưng chỉ ở bên con được một lúc ngắn ngủi trước khi quay lại tìm con dâu và cháu nội còn bị kẹt dưới đống đổ nát.
Những hàng mộ mới dựng
Khi nghi lễ kết thúc cũng là lúc chôn cất. Thi thể người đã khuất được đặt xuống những cái huyệt đào sẵn rồi lấp đất bằng máy ủi.
Mỗi nấm mồ chỉ được đánh dấu sơ sài bằng một miếng gỗ nhỏ khắc tên người đã khuất. Xung quanh là họ hàng, người thân đến tiễn đưa.
Đối với những nạn nhân không xác định được danh tính hoặc không còn người thân nào sống sót, sẽ có những người lính đứng cạnh mộ của họ.
Những dãy mộ mới đắp ở nghĩa trang cho các nạn nhân trận động đất tại thành phố Kahramanmaras - Ảnh: NEW YORK TIMES |
Tất cả huyệt vừa đào trong ngày đều nhanh chóng được sử dụng. Hàng dài các gia đình nối nhau đưa thi thể người thân đến chôn cất. Những dãy mộ vẫn còn mùi đất ẩm, xếp sát nhau xuất hiện ngày một nhiều.
Một quan chức cảnh sát của thành phố Kahramanmaras chia sẻ với báo Telegraph là đến ngày 11-2, hơn 5.000 người đã được chôn cất tại nghĩa trang mới này và con số cuối cùng có thể lên đến 10.000 người.
Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong trường hợp thương vong nhiều và không thể định danh nạn nhân trong thiên tai, thì việc chôn cất được ưu tiên hơn hỏa táng. WHO cho biết trái với nhận thức chung, không có bằng chứng chắc chắn cho thấy tử thi trong thiên tai có thể gây bệnh dịch truyền nhiễm. Hầu hết tác nhân truyền nhiễm không thể tồn tại lâu trong cơ thể người sau khi chết. Tử thi chỉ có thể lan truyền bệnh trong một số trường hợp đặc biệt như chết do bệnh tả hoặc sốt xuất huyết. Tuy nhiên, người thường xuyên tiếp xúc với tử thi có thể nhiễm bệnh lao, bệnh truyền nhiễm qua đường máu (viêm gan B, viêm gan C hoặc HIV) và bệnh truyền nhiễm qua đường tiêu hóa (tả, E.coli, viêm gan A…). |
Tác giả: Ngọc Đức
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ