Chuyên gia tâm lý đưa ra lời khuyên rằng, nếu cảm thấy quá căng thẳng và lo lắng khi làm bài thi, cách tốt nhất là tự nhủ tích cực rằng “thoải mái đi, mình vẫn đang kiểm soát được mọi việc mà”, sau đó hít thở sâu và bình tĩnh lại...
Kỳ thi tốt nghiệp THPT được coi là một mốc chuyển quan trọng sau 12 năm ngồi trên ghế nhà trường của học sinh. Đây không chỉ là kỳ thi tốt nghiệp, mà kết quả thi còn được nhiều trường sử dụng để xét tuyển cao đẳng, đại học. Đứng trước một kỳ thi lớn, lo lắng, hồi hộp là tâm trạng chung của nhiều thí sinh.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý, Chủ nhiệm khoa Các khoa học Giáo dục, ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), khi vào phòng thi, nếu cảm thấy căng thẳng, thí sinh hãy cố gắng tập trung một cách thoải mái. Các em có thể nhắm mắt thư giãn hít thở. Thử một số tư thế và chọn tư thế thoải mái nhất để làm bài thi. Nếu chỗ ngồi bị chiếu sáng quá gắt hoặc thiếu sáng có thể đề nghị các thầy cô giám thị hỗ trợ giải quyết.
|
Hôm nay (7/7), hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. (Ảnh minh họa) |
Khi nhận đề thi, hãy dành cho mình một chút thoải mái về thời gian để đọc thật kỹ yêu cầu của đề thi, lên kế hoạch quỹ thời gian làm bài cho thật hợp lý. Viết giấy nhắc nhở mình không dừng quá lâu ở một câu hỏi chưa thể trả lời.
Đặc biệt nếu thí sinh đang viết bỗng thấy mình "không thể nhớ gì" thì lời khuyên của PGS.TS Trần Thành Nam là hãy cứ viết tiếp một điều gì đó khác ra giấy nháp. Việc tiếp tục viết sẽ giúp liên kết và nhớ lại những gì bỗng quên một cách nhanh hơn.
“Hãy tranh thủ những lúc phải dừng lại suy nghĩ để thay đổi tư thế cho dễ chịu hơn, giúp tăng tuần hoàn máu, tăng cường oxy lên não sẽ giúp ta tỉnh táo hơn. Cảm giác dễ chịu về thân thể cũng giúp chúng ta hồi tưởng những gì đã học dễ hơn. Khi thấy mọi người bắt đầu nộp bài hãy tự nhủ bình tĩnh - không hoảng loạn. Nộp bài sớm hơn một chút cũng chẳng có thêm lợi ích gì”, thầy Trần Thành Nam khuyên thí sinh.
Bên cạnh đó, nếu quá trình làm bài thi, thí sinh vẫn cảm thấy quá căng thẳng, lo lắng, thì cách tốt nhất là tự nhủ tích cực "thoải mái đi, mình vẫn đang kiểm soát được mọi việc mà". Các em hãy hít thở thật sâu, thở ra thật chậm sau đó nghĩ về bước tiếp theo mình sẽ thực hiện là gì.
“ Các em hãy nhớ về những thành công của mình trước đây khi giải các câu hỏi khó. Hãy kiên trì với những nguyên tắc thành công bạn đã vạch ra. Hãy tự nhủ rằng điều này dẫu có nhỏ đến đâu thì cũng đang giúp các em lát những viên gạch tiến tới thành công. Tự động viên bản thân mình bằng những suy nghĩ tích cực là kết quả thế nào cũng không sao, miễn là tôi đã cố gắng hết sức”, PGS.TS Trần Thành Nam nhắn nhủ.
Phụ huynh không nên đặt nặng vấn đề "đỗ - trượt" của con
Còn theo thầy Lê Anh Tuấn, Giảng viên ĐH Công nghiệp Hà Nội đồng thời là giáo viên dạy Toán THPT tại Hà Nội, có sức khỏe tốt và tâm lý vững vàng thì thí sinh mới đủ tỉnh táo để vượt qua kỳ thi. Do vậy, việc giữ bản thân có một cơ thể khỏe mạnh là điều nên làm. Các em nên hạn chế sử dụng thực phẩm có cafein hoặc có gas và ngủ đủ giấc, đúng giờ. Bên cạnh đó các em đừng nên tự tạo quá nhiều áp lực cho bản thân. Hồi hợp, lo lắng là điều rất bình thường tuy nhiên nó sẽ gây cản trở sự hoạt động của não bộ.
"Chuyện gì đến rồi sẽ phải đến, có lo lắng thì kỳ thi vẫn phải diễn ra. Thay vì lo lắng sao các em không hoan nghênh việc mình sắp kết thúc 12 năm làm học học sinh? Trong đầu luôn nghĩ rằng, có nhiều con đường để đi đến thành công, mình chỉ cần cố gắng hết khả năng của mình để sau này không phải tiếc nuối, có như vậy thì các em mới có được tâm lý thoải mái, vững vàng trong kì thi.
|
Sự động viên của gia đình là nguồn sức mạnh to lớn cho thí sinh trong những ngày thi cử căng thẳng. (Ảnh minh họa) |
Các em không nên “đua đòi” thành tích với các bạn cùng trang lứa. Việc của mình là thi để tốt nghiệp THPT và đỗ vào trường đại học mơ ước chứ không phải để làm thủ khoa. Cho nên các em chỉ cần ôn thi hết sức và cố gắng làm bài với chính năng lực của mình. Khi đặt ra mục tiêu phù hợp với khả năng của mình các em sẽ đỡ căng thẳng hơn. Từ đó cũng sẽ vượt qua kỳ thi dễ dàng hơn", thầy Lê Anh Tuấn chia sẻ.
Bên cạnh đó, thầy Tuấn cũng cho rằng, trong kì thi, các em thường rất dễ bị ảnh hưởng tâm lý từ những lời nói của cha mẹ. Chính vì thế, phụ huynh nên là người giữ vững tinh thần, lập trường để giúp tinh thần của con em mình cũng được ổn định, yên tâm học tập. Cha mẹ cũng nên tạo cho con em tâm trạng vui vẻ, thoải mái. Không nên suy nghĩ, lo lắng thái quá rất dễ làm ảnh hưởng đến tâm lý của con trước ngày thi.
"Hơn bất kỳ điều gì, tình cảm gia đình thiêng liêng, quý báu luôn là món quà vô giá cung cấp thêm sức mạnh cho con được tự tin và bình tĩnh hơn trước những kì thi mang tính quyết định quan trọng này. Phụ huynh học sinh không nên đặt nặng vấn đề đỗ - trượt vào con em mình, cha mẹ chỉ cần ở bên, chăm sóc cho con thật tốt về mặt sức khỏe cũng như tinh thần. Đồng thời, hãy tạo niềm tin cho con rằng con sẽ làm được. Không liều thuốc nào tốt bằng sự động viên, sẽ giúp các em chữa được bệnh căng thẳng và lo lắng. Sức khỏe tốt và tâm lý thoải mái luôn là điều quan trọng nhất với các em lúc này", thầy Lê Anh Tuấn nhấn mạnh./.