Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bố suốt ngày gọi “mình ơi”, đau lòng con gái nghĩ “bố nên ra đi”

“Tôi cay đắng chấp nhận sự thật: mỗi ngày tôi mất bố sâu hơn. bố đã không còn là bố. Bố là đứa trẻ lên ba ngỗ ngược, gàn dở, cứng đầu và khó bảo. Thoảng có những lúc tôi đã nghĩ “bố ơi, bố nên ra đi." ...

 Bố tôi năm nay 87 tuổi, nếu bố vĩnh biệt thế giới năm 97 tuổi, nghĩa là tôi còn 10 năm nữa "dọn mìn", tôi sẽ chết, trước khi bố chết (ảnh minh họa)

"Bố ơi, bố nên ra đi!"

Chị Thanh (Hà Nội), chị là người có bố đẻ mất trí hơn một năm nay than thở: “Bố tôi lẫn, nhầm tôi với chị giúp việc. Bố gọi tôi là “mình ơi”. Tôi sững người, như bị tát vào mặt”.

Rồi chị kể tiếp, ông chống gậy, chân đi không vững nhưng mê chị giúp việc. Cảm xúc lú lẫn bản năng của người đàn ông dù đã gần đất xa trời nhưng vẫn thật kỳ quặc. Ông nhớ như in ông gặp mẹ tôi năm nào, yêu nhau ra sao. Ông đau đáu nói về nỗi vất vả của mẹ tôi tần tảo nuôi đàn con 7 đứa.

“Vừa phút trước ông nghẹn giọng về mẹ tôi, vài giây sau đã nhìn chị giúp việc gọi “mình ơi” đầy dịu dàng, luyến ái. Đôi khi ngay sau sự dịu dàng là cơn thịnh nộ điên cuồng chửi bới tục tĩu".

Mà chị giúp việc rất hiền. Hiền nên mới trụ lại được nhà tôi lâu thế. Nhẽ cũng gần năm. Tôi đếm thời gian, ước lượng ngày chị bỏ đi, giống như những chị trước đã lần lượt bỏ đi. Ừ vẫn biết “người già thành trẻ lên ba” nhưng sức chịu đựng con người có hạn. Gạ gẫm không được thì chửi bố người ta, ai mà chịu được”, chị Thanh rầu rĩ.

Không chỉ thay đổi tính nết, mà ngay cả trong sinh hoạt, bố chị Thanh cũng không thể tự chủ được. Chị bảo, mới hai hôm trước thôi, buổi sáng "tôi vừa thò đầu ra khỏi giường, mùi thối xộc vào mũi".

“Nhìn vào toa lét...trời đất thiên địa ơi...phân lều bều trong chậu rửa mặt la-va-bô. Bố cởi truồng, 2 tay đang khuấy chiếc quần, cố tách mìn khỏi nó”, chị Thanh rùng mình nhớ lại.

Stress chồng stress khi đúng hôm đó, chị giúp việc đã bỏ đi, để lại bố con chị “tự chăm nhau”.

“Không còn ai chia sẻ công việc này, tôi đành lụi hụi tắm táp cho bố và lau "mìn" vương vãi khắp nhà. Trong công cuộc báo hiếu của mình, tôi hãi nhất những "bãi mìn" bố thả. Bố tôi năm nay 87 tuổi, nếu bố vĩnh biệt thế giới năm 97 tuổi, nghĩa là tôi còn 10 năm nữa "dọn mìn". Tin rằng tôi chết, trước khi bố chết”, chị Thanh ngân ngân nước mắt nói.

Chị không thể ngờ, có một ngày bố chị, người đàn ông mẫu mực, cả đời chưa bao giờ biết nói “mày tao” thế mà giờ nói năng tục tĩu hãi hùng.

“Tôi cay đắng chấp nhận sự thật: mỗi ngày tôi mất bố sâu hơn. bố đã không còn là bố. Bố là đứa trẻ lên ba ngỗ ngược, gàn dở, cứng đầu và khó bảo. Thoảng có những lúc tôi đã nghĩ “bố ơi, bố nên ra đi. Tốt cho bố, tốt cho những người còn sống. Cuộc sống có ý nghĩa gì khi ta chỉ tồn tại”. Nỗi buồn trĩu nặng đến nỗi ta muốn điên cuồng đập phá”, chị Thanh trải lòng.

Cách nào cứu vãn?

Tiến sĩ Trần Thị Hà An, Trưởng phòng Điều trị người già, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng nguy cơ trầm cảm rất cao ở người nhà chăm sóc bệnh nhân sa sút trí tuệ.

Theo TS Hà An, bệnh nhân sa sút trí tuệ ngoài các triệu chứng về suy giảm chức năng nhận thức thường đi kèm với rối loạn cảm xúc, hành vi, loạn thần. Điều này gây áp lực rất lớn cho gia đình người bệnh, đặc biệt là người trực tiếp chăm sóc mà hậu quả khiến không ít người đã rơi vào trạng thái trầm cảm.

“Những mong ước đi kèm tiếng thở dài của gia đình người bệnh lúc này thường là: Giá bố/mẹ tôi chỉ suy giảm trí nhớ thôi thì chúng tôi chăm sóc không vất vả nhiều. Đằng này cụ lẫn lắm, lúc nào cũng sợ có người làm hại mình. Đêm đến cụ không ngủ được, la hét ảnh hưởng tới cả nhà...”, TS Hà An nói.

Mặc dù là căn bệnh thường gặp ở người cao tuổi, tuy nhiên TS Hà An nhận định, không phải người già nào cũng sa sút trí tuệ, việc nhận ra những triệu chứng ban đầu của sa sút trí tuệ để có sự can thiệp, kiểm soát, điều trị kịp thời rất quan trọng như: suy giảm trí nhớ ngắn hạn (quên tên người hàng xóm nhưng vẫn nhận biết được họ là hàng xóm của mình), khó thực hiện các nhiệm vụ quen thuộc, gặp vấn đề với ngôn ngữ hay suy giảm khả năng phán đoán, đặt nhầm vị trí của đồ đạc, gặp khó khăn trong theo dõi công việc hoặc cuộc trò chuyện …..

Theo các bác sỹ, đó chính là giai đoạn vàng của việc can thiệp điều trị. Người bệnh được phát hiện, can thiệp điều trị trong giai đoạn này sẽ có kết quả rất tích cực, ngược lại nếu bệnh tiến triển đến giai đoạn Alzheimer với các biểu hiện như: không nhận thức được môi trường, không có khả năng nhận diện khuôn mặt người quen, mất kiểm soát bàng quang và ruột dẫn đến đại, tiểu tiện không tự chủ… thì hiệu quả can thiệp rất hạn chế. Việc điều trị cũng cần có sự kết hợp nhiều biện pháp bao gồm cả hỗ trợ hành vi và sử dụng thuốc điều trị mới mang lại kết quả tốt nhất.

Các liệu pháp hỗ trợ hành vi bao gồm: Tập nhận thức và trí nhớ; Định hướng thực tại; Liệu pháp hồi tưởng; Sử dụng búp bê, âm nhạc… Mục đích của những liệu pháp này giúp người bệnh luyện tập, kích thích nhận thức và trí nhớ, tăng cường giao tiếp, tương tác, giảm các hành vi gây hấn và kích động. Việc sử dụng thuốc điều trị các triệu chứng suy giảm trí nhớ cùng các triệu chứng không thuộc nhận thức như: trầm cảm, loạn thần, kích động, rối loạn giấc ngủ… cần theo chỉ định của bác sĩ và có sự giám sát, theo dõi.

Do đó, để không trở thành gánh nặng của mỗi gia đình, các bác sĩ khuyến cáo, nên đưa người cao tuổi đến viện trong giai đoạn “vàng” khi mới ở mức suy giảm trí nhớ ngắn hạn… để được khám và hỗ trợ điều trị kịp thời.