Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


‘Vợ ơi, mình về với mẹ thôi em!’

Sau những mất mát, bầu trời ấy vẫn xanh, từ câu nói của chàng rể với vợ: “Mình về với mẹ thôi em!”.

Buổi sáng, ông Tài lùa bầy dê ra rẫy chăn. Chúng nó đi đâu ông theo đó, sợ nó vào phá tiêu, phá đậu nguời khác. Nửa buổi ông lùa bầy dê về vườn điều gần nhà, nhờ ai đó trông giùm vài phút rồi về nhà… chuyển kênh tivi cho vợ vì đang có chương trình bà thích. Vợ ông hỏi: “Anh về rồi bầy dê ai coi?”. Ông Tài trả lời: “Về mở phim cho em coi rồi anh ra rẫy chăn bọn hắn”.

1. Ông pha nước ấm, dấp khăn lau mặt cho vợ, bắc nồi cơm, rồi lại ra với bầy dê. Chừng gần 11 giờ, ông về nấu cơm, trải chiếu dọn cơm rồi dìu vợ xuống ngồi, gỡ cho bà khúc cá, gắp thức ăn cho vợ rồi hỏi thăm bà về bộ phim vừa… nghe. Bà nói: “Hay lắm anh, cô nớ yêu anh nớ răng tội rứa hè”. Rồi bà kể chuyện trên tivi có người này cực khổ, người kia tật nguyền, “răng khổ rứa anh hè”. Bà cẩn thận dặn ông coi dê nhớ đừng để nó phá rẫy người ta, ông dặn bà: “Sau nhà có chỗ đọng nước, em đừng lần mò ra đó, để mai anh lấp đất cho nó phẳng”.

Cả xã Trà Tân (huyện Đức Linh, Bình Thuận) ai cũng biết ông Lê Minh Tài về cái sự thương vợ, yêu vợ và… mê vợ. Nhà chỉ có một rẻo đất nhỏ không đủ làm, con cái còn nhỏ, vợ ông bị mù đã mấy chục năm và đau ốm liên miên. Ông Tài vừa làm thuê, vừa đi chăn bầy dê hơn 10 con của gia đình. Mãi sau mới vay được tiền nuôi thêm một con bò. Quần quật từ sáng đến tối một mình bởi con cái đều đi học. Có bốn đứa con thì một đứa lấy chồng xa, một người xuất gia đi tu, cô con gái và cậu út đang học ở TP.HCM.

Rời bầy dê, ông lại chăm sóc vợ. Ông không ngại cực, mà muốn bù đắp cho người vợ thiệt thòi, mù lòa… Ông nấu nướng, giặt giũ, chăn dê rồi lại cùng xem phim và nói chuyện với bà. Chiều mát, ông dìu vợ đi dọc đường làng, ghé thăm nhà này nhà kia. Ông vừa là cái tay, cái chân, vừa là đôi mắt, là bầu trời của vợ. Ông xem phim, còn bà chỉ nghe phim nhưng khi nào cũng bàn tán, tỉ tê.

Tôi đã đọc, đã nghe, đã gặp rất nhiều người vợ chăm chồng, nhiều người chồng chăm vợ bệnh tật nhưng chăm vợ được như ông Tài thì rất khó. Đó là người ta có thể nấu ăn, chăm sóc, tắm giặt cho vợ, cho chồng, có thể hy sinh bản thân nhưng ông Tài làm được điều lớn hơn. Thương vợ không học hành, lại mù lòa ngồi một chỗ, ông kéo nhận thức của mình xuống một chút cho bình đẳng với vợ; ông cung cấp thông tin và nhận thức cho bà một cách khéo léo để bà cao lên một chút, cho bằng mình; ông hỏi ý kiến, nhận những thương yêu và nhận luôn cả sự… dạy dỗ và trách cứ của vợ khi nhỡ suy nghĩ bồng bột hay hành xử hậu đậu. Vợ ông Tài bị mù, vợ không làm ra tiền, mấy chục năm để một tay ông lo lắng nhà cửa, con cái học hành nhưng vợ ông tham gia và quyết định tất cả việc nhà. Làm người chồng ngoan, làm người chồng tôn trọng, nâng niu, làm người tri kỷ của một người vợ nông dân mù lòa đâu dễ…

Những điều đó, không có tình yêu lớn, không làm được.

 


2. Vợ ông biết và quyết tất cả, chỉ có một điều bà không biết và không được quyết. Đó là sau này khi bà bệnh nặng, cộng với khoản nợ vay để mua con bò, sửa căn phòng cho bà, tiền cho con cái học hành, ông nợ đến 75 triệu đồng. Sợ bà lo nên ông không nói ra. Mấy cha con cùng nhau làm, nghĩ trả hết nợ sẽ có con bò và bầy dê làm vốn. Mới trả được 20 triệu đồng, còn món nợ 55 triệu đồng chưa trả thì ông chết.

Ông già chăn dê ấy chết khi đang cứu người, sau một đời quá thừa khổ cực nhưng đầy ắp thương yêu!

Buổi sáng, ông đang đi chăn dê thì nghe tiếng kêu cứu từ phía giếng rẫy nhà anh Tâm ở cùng thôn 5. Khi đó anh Tâm xuống giếng sửa máy bơm, hụt hơi thiếu dưỡng khí nên bị ngạt, bất tỉnh. Ông Tài nghe kêu cứu, bỏ bầy dê chạy tới leo xuống giếng cứu anh Tâm. Anh Nguyễn Việt Hùng làm rẫy ở gần đó cũng chạy qua cứu và bị ngạt khí. Khi đưa lên khỏi giếng, anh Hùng được cứu sống nhưng ông Tài và anh Tâm đều tử vong.

Ông Tài chết, xóm giềng lo người vợ mù của ông từ nay không còn ai chăm sóc và cũng không còn khoản thu nhập nào để sống. Hai đứa con đang học ở TP.HCM, tương lai cũng tối thui. Cô con gái lấy chồng ở một xã nghèo của huyện Bình Chánh (TP.HCM) thì xa quá… Nhà chồng cũng nghèo, hai vợ chồng làm công nhân. Lấy chồng thì gánh giang sơn nhà chồng, cho dù giang sơn ấy cũng nhọc nhằn, vất vả chứ phải giang sơn gấm vóc gì đâu.

Giỗ tuần thứ hai cho cha vợ xong, anh chồng nói: “Em, mình về với mẹ thôi em!”.

Về với mẹ vợ, anh lại mỗi ngày vừa lúi húi sửa cái hàng rào, chuyển kênh tivi, ủ cho bà bát chè xanh và tiếp quản mấy chục triệu đồng tiền nợ mà cha vợ anh để lại. Hôm tôi đến, anh và vợ đang lo dựng lại cái chuồng dê và lợp mái cái chuồng bò. Trời đổ mưa, anh tính mai làm cái mái chìa ra để ngăn mưa và làm cái liếp chắn gió lùa phía sau bếp vì sợ mẹ vợ anh bị ốm.

Bầu trời của bà không mất, anh con rể sẽ làm những gì cha vợ đã làm cho gia đình ấy. Sau những mất mát, bầu trời ấy vẫn xanh, từ câu nói của chàng rể với vợ: “Mình về với mẹ thôi em!”.

Là rể, thấy cha vợ chăm mẹ vợ như thế, giờ cha mất, thương vợ và yêu vợ, anh coi gia đình vợ như gia đình mình. Để lại cha mẹ cho anh em trong nhà phụng dưỡng, chàng rể về quê vợ, tiếp tục sứ mệnh đem lại bầu trời cho bà, điều mà trước kia cha vợ anh đã làm.