“Tâm bão H” ở Nghệ An: Một xã có đến 412 người nhiễm HIV
- 12:15 31-08-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Xã miền núi có 412 người đang điều trị H
Những ngày qua dư luận cả nước đang nóng khi hay thông tin một xã tại tỉnh Phú Thọ có đến 42 người nhiễm HIV, nếu tính trên bình quân dân số của cả xã con số này khiến nhiều người giật mình.
Xã Tiền Phong, huyện Quế Phong được xem là “tâm bão H” với hơn 412 người được phát hiện và điều trị, con số ấy sẽ còn cao hơn nếu tính cả số người đã tử vong vì H. |
Nhưng địa phương này cũng chỉ bằng 1/10 so với nơi được mệnh danh là “tâm bão H”. Tại xã ở miền tây xứ Nghệ này hiện tại đã có 412 người được phát hiện nhiễm vi rút HIV và đang phải sống chung với H. Vậy nguyên nhân nào khiến một xã vùng cao xứ Nghệ lại trở thành nơi có số người nhiễm H cao đến như vậy?
Ông Mạc Văn Lâm (Trưởng phòng khám OPC, Trung tâm y tế huyện Quế Phong, Nghệ An) cho biết: Theo số liệu thống kê của phòng khám, từ khi thành lập vào năm 2016 đến nay đã có 1.123 trường hợp người nhiễm HIV trên địa bàn huyện được phát hiện và điều trị tại đây.
Hiện tại có 987 trường hợp đang điều trị ở phòng khám. Tuy nhiên, phòng khám chỉ thống kê, quản lý được số người đang uống thuốc điều trị tại đây còn nếu họ đi làm ăn xa hoặc điều trị ở nơi khác sẽ nằm ngoài danh sách.
Và trên thực tế số người nhiễm HIV được ghi nhận từ trước đến nay sẽ còn cao hơn. Một số địa phương có số người nhiễm HIV rất cao như xã Tiền Phong, Đồng Văn, Mường Nọc... với hàng trăm người được phát hiện. Dẫn đầu danh sách này là xã Tiền Phong, theo thống kê của trạm y tế xã có đến 412 người có H trên địa bàn, đó là chưa tính đến số người đã tử vong vì HIV.
Bản làng nghèo xơ xác vì HIV, có những bản số người nhiễm HIV lên đến 58 người. |
Do đó, địa phương này được xem như là “tâm bão H” nơi huyện miền núi xứ Nghệ. Tâm bão ấy nằm bên quốc lộ 48 với những bản làng bình yên, phần đa dân số xã Tiền Phong là người dân tộc Thái, Khơ Mú... Đời sống người dân cũng chỉ dựa vào nương rẫy và lâm sản phụ từ núi rừng. Cái nghèo, cái khổ còn bám riết lấy từng bữa cơm, từng nếp nhà sàn đơn sơ. Vừa trải qua những thiệt hại nặng nề từ do mưa lớn và lũ lụt khiến những bản làng nghèo càng thêm xác xơ. Những đứa trẻ đến dự ngày tựu trường đầu năm với quần áo, khuôn mặt còn lấm lem bùn đất sau chặng đường dài.
Đặc biệt tại các bản làng xa xôi đời sống của người dân còn khó khăn hơn bội phần. Nhưng cái nghèo cái khổ, sự tàn phá khốc liệt của thiên tai không bằng những “di chứng” mà cơn bão HIV để lại.
Ông Mạc Văn Lâm – Trường phòng khám OPC Trung tâm Y tế huyện Quế Phong cho biết hiện tại phòng khám đang điều trị cho 1.123 bệnh nhân có H tập trung tại các xã như Tiền Phong, Mường Nọc, Đồng Văn... |
Nỗi lòng người quản lý “cuốn sổ tử”
Người nắm rõ nhất, đi sâu sát tới từng trường hợp bệnh nhân đang điều trị HIV tại xã có lẽ là y sĩ Lương Thị Kiều - Trạm trưởng trạm y tế xã Tiền Phong. Chính bà cũng là người quản lý “cuốn sổ tử” mà mỗi lần lật giở từng trang, lướt qua mỗi cái tên quen thuộc khiến bà không cầm nổi nước mắt.
Chị H.T.T và hai con trai mới 16 tháng tuổi cùng có H, chị là một trong những trường hợp xót xa nhất tại “tâm bão H”. |
Nỗi đau ấy không chỉ của riêng bà bởi danh sách ngày một dài thêm, thậm chí có những lần bà phải làm công việc như một “Nam Tào” khi chính tay gạch tên những người đã tử vong vì HIV.
Trên cuốn sổ ấy ghi rõ từng thôn bản, hầu như tất cả các bản làng đều có người nhiễm HIV. Đặc biệt tại các bản như bản Na Sành với số lượng người lên tới 58 trường hợp, bản Tạng cũng không kém cạnh với 52 người...
Con số 412 người được phát hiện nhiễm HIV tại đây mà nữ y sĩ báo cáo đến cấp trên chỉ là số liệu tổng hợp khi chưa cộng số người đã tử vong vì HIV. Trong những tháng ngày tiếp nhận quản lý “cuốn sổ tử” cá nhân vị nữ y sĩ cũng không nhớ nổi đã gạch tên bao nhiêu người tử vong vì HIV trên cái danh sách ấy.
“Cuốn sổ này tôi ghi rất rõ từng thôn bản, từng người nhiễm HIV đang điều trị trên địa bàn. Những ai đã tử vong thì tôi gạch đi, ai được phát hiện nhiễm HIV trên địa bàn đi làm ăn xã và đang điều trị ở nơi khác cũng được ghi lại. Nhưng năm nào danh sách cũng dài hơn, số người phát hiện mới lại được ghi vào đây. Bản thân tôi cũng mong sao một ngày được đóng cuốn sổ này lại và không có thêm trường hợp nào phải ghi danh”, y sĩ Lương Thị Kiều chia sẻ.
Trong các trường hợp đang điều trị HIV tại “tâm bão” có lẽ bi đát nhất là gia đình chị H.T.T (SN 1993) bản thân chị và hai con trai sinh đôi là Ng.Đ.Th và Ng.Đ.V (16 tháng tuổi) cùng đều có H.
Thời điểm chị phát hiện mình bị nhiễm HIV cũng chính là những tháng ngày mà bản thân chị hạnh phúc nhất khi đón hai con trai chào đời. Sau đó sức khỏe của các con chị cũng không được tốt, các cháu rất yếu thường xuyên đau ốm nhiều ngày liền dù uống thuốc nhiều nhưng không khỏi.
Vượt qua tất cả chị quyết định đưa các con đi xét nghiệm, nhưng trớ trêu thay những thiên thần của người mẹ nghèo có kết quả dương tính với HIV.
“Lúc ấy chỉ biết khóc thôi, khóc nhiều ngày liền, buồn quá mà không muốn ăn uống gì. May mà ông bà, người thân, bà con dân bản động viên mới sống được đến ngày hôm nay. Không ai nói gì, nhiều người còn cho các cháu sữa, rồi giúp đỡ hai mẹ con nhiều lắm. Bây giờ tháng nào cũng xuống thành phố lấy thuốc cho các cháu, xa lắm nhưng phải đi thôi...”, chị T tâm sự.
Cuốn sổ mà nữ trạm trưởng nơi “tâm bão H” không muốn lật dở nhưng mỗi ngày nó lại dài thêm với những cái tên mới được “ghi danh”. |
Hiện tại cuộc sống của hai vợ chồng chị chủ yếu giữa vào nương rẫy, may mắn người chồng của chị T lại không nhiễm H. Bản thân anh cũng rất quan tâm đến vợ và hai con trai.
Có lẽ bản thân chị T nhiễm phải căn bệnh này từ “mối tình đầu” của mình. Những ngày tháng khờ dại, bồng bột của tuổi trẻ đã khiến chị không may mắc phải căn bệnh và di truyền cho hai con.
Giờ đây khi được điều trị thường xuyên, sức khỏe của chị H và hai con rất tốt. Tuy nhiên hàng tháng chị phải vượt gần 200 km để xuống TP Vinh lấy thuốc điều trị cho các con, bởi các cháu không thuộc diện đang điều trị tại địa phương. Nhìn hai đứa trẻ thơ vui đùa, quấn lấy mẹ trên cái nhà sàn cũ khiến không ai có thể cầm nổi nước mắt.
Các em còn quá thơ dại để biết đến những nỗi đau mà mình phải gánh chịu. Nếp nhà ấy vẫn vang tiếng cười đùa của con trẻ, vẫn thường xuyên đón bà con dân bản đến quây quần trò chuyện. Ở nơi ấy người cha vẫn hàng ngày đồng hành cùng vợ và hai con trong cuộc chiến trường kỳ, dù bữa cơm chiều vẫn chứa đựng đầy ưu tư, trăn trở ...
Còn nữa.../.