Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


'Sếp lớn' nhà nước sẽ không được đưa đón đi làm

Ngoài việc yêu cầu các Bộ, ngành địa phương giảm một nửa việc mua sắm, sử dụng xe công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chỉ thị tiếp tục mở rộng việc khoán xe công đối với các chức danh lãnh đạo DN nhà nước thuộc Bộ.
Cụ thể, đối với các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước mà Bộ Tài chính được giao thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu như Công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước - SCIC, Ngân hàng Phát triển Việt Nam - VDB, Bộ Tài chính yêu cầu nghiên cứu, ban hành cơ chế khoán kinh phí sử dụng ô tô đối với các chức danh được sử dụng xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc với các chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc.

Việc này được yêu cầu hoàn thành ngay trong tháng 12.

 
Xe công ở Bộ Tài chính. Ảnh: L.Bằng
 
Đối với DNNN nắm giữ cổ phần chi phối mà Bộ Tài chính được giao thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu, cụ thể là Tập đoàn Bảo Việt, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị người đại diện phần vốn nhà nước nghiên cứu, đề xuất với HĐQT triển khai việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đối với một số chức danh được sử dụng xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc.

Đó là các chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên HĐQT,... và đưa vào Quy chế chi tiêu nội bộ của DN.

Các DN thuộc Bộ Tài chính như Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam, Công ty xổ số điện toán Việt Nam,... Bộ trưởng Tài chính yêu cầu chấn chỉnh, thực hiện đúng quy định với các chức danh không có tiêu chuẩn đưa đón xe công từ nơi ở đến nơi làm việc.

Bộ trưởng Tài chính cũng giao Cục Kế hoạch tài chính và Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị khẩn trương xây dựng phương án, thực hiện điều chuyển xe ô tô và lái xe về quản lý tập trung tại đoàn xe thuộc Văn phòng Bộ, báo cáo lãnh đạo Bộ Tài chính trong tháng 12/2016.

Việc khoán xe công đã từng được Bộ Tài chính triển khai với các chức danh thứ trưởng, lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 (tổng cục trưởng và tương đương) thuộc Bộ Tài chính. Chủ trương này áp dụng từ 1/10/2016. 

Trước đó, Bộ Tài chính cũng có văn bản gửi các Bộ, ngành, địa phương yêu cầu kiểm soát chặt chẽ mua sắm và sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung và định hướng đến năm 2020 sẽ giảm 30-50% số xe diện này (trừ số xe đang có ở các đơn vị thuộc địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn).

Trong tổng số khoảng 40.000 xe công hiện nay, ô tô phục vụ công tác chung chiếm chủ yếu, còn xe phục vụ chức danh cho các cán bộ có tiêu chuẩn chỉ có hơn 900 chiếc.

Ngoài ra, khi các đơn vị trực thuộc bộ, ngành, UBND tỉnh, thành,... lập thiết kế đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo trụ sở làm việc phải lấy ý kiến của bộ Tài chính (đối với cơ quan cấp trung ương); còn cơ quan cấp tỉnh thì phải báo cáo Sở Tài chính trước khi báo cáo cấp thẩm quyền phê duyệt.

Tác giả bài viết: L.Bằng

Nguồn tin: