Lời sám hối của kẻ giết người vì 100 ngàn đồng
- 07:17 24-11-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Do bị đòi nợ ráo riết, Phạm Thanh Long đã dùng dao đâm chủ nợ của mình tử vong. Sau khi gây án, Long thay tên đổi họ rồi "cao chạy xa bay". Dù ẩn thân kín đáo nhưng lương tâm Long luôn day dứt và Long đã chấp nhận ra đầu thú sau hơn một thập kỷ trốn chạy.
►Hổ phụ sinh hổ tử
Tội ác bắt nguồn từ cờ bạc
Vào khoảng năm 1999, Phạm Thanh Long (sinh năm 1966, trú xã Nghi Đức, TP Vinh, Nghệ An) làm công nhân cho Công ty Cầu đường Nghệ An. Thời điểm đó, công ty của Long trúng thầu một công trình xây dựng tại huyện miền núi Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Tại đây, Long và các công nhân khác được Cty thuê nhà của anh Phạm Văn Tuấn, tại trung tâm xã Mường Nọc (Quế Phong) để ở trong thời gian thi công công trình.
Là công nhân, làm quần quật cả ngày nên tối về là nhóm Long lại tập trung “chén chú chén anh” cho giãn gân cốt. Trước là ăn nhậu, sau là bài bạc nên phần lớn các công nhân đều là con nợ của nhau, thậm chí khi hết tiền còn mượn của cả chủ nhà và Long cũng không ngoại lệ.
Trong một đêm chơi bài, sau khi thua cháy túi, Long mượn của anh Phạm Văn Tuấn số tiền là 100 ngàn đồng để chơi tiếp hòng gỡ gạc, hẹn đến kỳ lĩnh lương sẽ trả. Nhưng hôm đó, Long tiếp tục thua đến đồng tiền cuối cùng.
Mấy ngày sau, anh Tuấn đã nhiều lần tìm đến Long để hỏi số tiền 100 ngàn đồng, nhưng Long không trả mà khất lần mãi làm anh Tuấn bực mình. Từ tin tưởng, rồi thất vọng và dẫn tới cáu gắt. Thế nên, từ đó cứ mỗi lần gặp Long là anh Tuấn lại nằng nặc đòi nợ cho kỳ được.
Tội ác bắt nguồn từ cờ bạc
Vào khoảng năm 1999, Phạm Thanh Long (sinh năm 1966, trú xã Nghi Đức, TP Vinh, Nghệ An) làm công nhân cho Công ty Cầu đường Nghệ An. Thời điểm đó, công ty của Long trúng thầu một công trình xây dựng tại huyện miền núi Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Tại đây, Long và các công nhân khác được Cty thuê nhà của anh Phạm Văn Tuấn, tại trung tâm xã Mường Nọc (Quế Phong) để ở trong thời gian thi công công trình.
Là công nhân, làm quần quật cả ngày nên tối về là nhóm Long lại tập trung “chén chú chén anh” cho giãn gân cốt. Trước là ăn nhậu, sau là bài bạc nên phần lớn các công nhân đều là con nợ của nhau, thậm chí khi hết tiền còn mượn của cả chủ nhà và Long cũng không ngoại lệ.
Trong một đêm chơi bài, sau khi thua cháy túi, Long mượn của anh Phạm Văn Tuấn số tiền là 100 ngàn đồng để chơi tiếp hòng gỡ gạc, hẹn đến kỳ lĩnh lương sẽ trả. Nhưng hôm đó, Long tiếp tục thua đến đồng tiền cuối cùng.
Mấy ngày sau, anh Tuấn đã nhiều lần tìm đến Long để hỏi số tiền 100 ngàn đồng, nhưng Long không trả mà khất lần mãi làm anh Tuấn bực mình. Từ tin tưởng, rồi thất vọng và dẫn tới cáu gắt. Thế nên, từ đó cứ mỗi lần gặp Long là anh Tuấn lại nằng nặc đòi nợ cho kỳ được.
Căn nhà nơi xảy ra án mạng
Đỉnh điểm là tối 15/10/1999, thấy Long đi “chè chén” với bạn bè về, vừa bước vào nhà trọ, anh Tuấn đã lên tiếng bảo Long phải trả nợ. Sẵn có hơi men trong người, Long nổi cáu, “phun” ra những lời lẽ không hay. Thấy mình bị xúc phạm, trong cơn nóng giận, Tuấn chạy vào nhà lấy con dao phay ra chém Long bị thương nhẹ ở đầu. Vụ xô xát nhanh chóng được mọi người can ngăn. Sau khi băng bó vết thương, mọi người đưa Long về phòng ngủ.
Nằm trên giường một mình với vết thương đau nhức làm Long uất ức lắm. Nghĩ rằng chỉ vì món nợ 100 ngàn đồng mà Tuấn dám vác dao chém mình như thế là không được. Để lấy lại công bằng, Long bật dậy, thủ con dao nhọn rồi đi vào nhà trong gặp anh Tuấn để nói chuyện phải trái. Thấy mặt “con nợ”, chưa hả cơn giận, anh Tuấn tiếp tục lao vào để đánh.
Bị tấn công, cả giận mất khôn, Long rút dao đâm một nhát trúng ngực khiến anh Tuấn gục tại chỗ. Gây án xong, Long vứt dao, bỏ trốn khỏi hiện trường ngay trong đêm. Còn anh Tuấn, dù được mọi người kịp thời chở đi cấp cứu, nhưng do vết đâm quá nặng nên đã tử vong.
Vụ việc nhanh chóng được cơ quan chức năng tiến hành vào cuộc xác minh làm rõ, tuy nhiên, hung thủ gây án Phạm Thanh Long đã cao chạy xa bay. Ngày 18/11/1999, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An đã ra quyết định truy nã đối với Phạm Thanh Long về hành vi giết người.
Trốn chạy suốt 14 năm ròng
Sau khi gây án, Long đi mượn bạn bè được một ít tiền rồi bắt xe khách chạy trốn vào Tây Nguyên. Sau mấy ngày lang thang, núp dưới cái tên giả, Long xin vào làm công nhân cho các chủ đồn điền cà phê, cao su ở Đắc Lắc. Mỗi khi bị chủ hỏi về giấy tờ tùy thân, Long đều nói dối rằng đã bị mất cắp trên tàu. Đồng thời, Long cũng kịp dựng lên một câu chuyện đầy nước mắt về cuộc đời mình. Nào là hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh chị em ly tán mỗi đứa một phương, riêng gã, vì không kiếm được việc làm nơi quê nhà nên mới phải bôn ba. Nghe xong câu chuyện cảm động đó, nhiều ông chủ đồng ý tiếp nhận Long với niềm thương cảm không giấu giếm. Gã bắt đầu có nơi nương tựa.
Nhờ cái vỏ bọc đáng thương và dáng vẻ lam làm chịu khó, Long đã lấy được cảm tình của nhiều người. Thế nhưng, do bị ám ảnh bởi tội lỗi mà mình đã gây ra, nên gần như ngày nào Long cũng phải sống trong tâm trạng thấp thỏm, lo âu. Cộng với nỗi ám ảnh bị săn đuổi, không đêm nào gã có được giấc ngủ trọn vẹn. Chỉ cần tiếng gió đập ngoài phên cửa hay tiếng động cơ xe máy nổ gần cũng khiến gã giật mình. Thậm chí có thời gian gã vác chăn màn, dao rựa, đèn pin lên rẫy cà phê ở riết cả tuần không dám ló mặt ra ngoài. Nhiều lúc bi quẫn, gã đã định ra đầu thú để thoát khỏi cảnh lo sợ, hoảng hốt mỗi đêm, nhưng chỉ cần nghĩ sẽ phải giam đời mình sau song sắt, gã lại từ bỏ toan tính đó.
Chính vì luôn mang theo tâm trạng bất an trong suốt quá trình chạy trốn nên Long thay đổi chỗ ở và công việc liên tục. Lúc thì gã cầy thuê, cuốc mướn ở Tây Nguyên, khi dạt xuống tận TP Hồ Chí Minh làm cửu vạn ở các bến tàu, bến xe. Bất cứ ai thuê việc gì, gã đều làm, miễn là ngày kiếm đủ miếng ăn và có vài đồng tiền công dằn túi. Cũng có đôi lúc Long hy vọng thời gian sẽ khiến người ta quên đi tội lỗi mà gã đã gây ra. Nhưng Long đã nhầm. Bởi, với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực truy bắt tội phạm, cộng với lòng quyết tâm không để cho cái ác nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, các điều tra viên vẫn quyết tâm lùng bắt bằng được gã về quy án.
Phạm Thanh Long: Từ khi gây án đến giờ, bị cáo không lúc nào thôi ân hận”
Đầu năm 2013, qua công tác nghiệp vụ cơ bản, cũng như sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ khác, các điều tra viên của Công an tỉnh Nghệ An đã xác định được tung tích của Phạm Thanh Long đang lẩn trốn ở Tây Nguyên. Quá trình điều tra, thu thập thông tin, các trinh sát biết được từ trước tới nay Long luôn sống trong sợ hãi, lo sợ mỗi khi có người lạ xuất hiện hay tới gần. Thậm chí, lương tâm đối tượng hết sức day dứt với tội ác mà mình đã gây ra trong quá khứ. Nắm được điểm yếu của đối tượng, rất kỳ công, trinh sát đã nhiều lần đến nhà đưa thư kêu gọi đầu thú cũng như vận động gia đình thuyết phục Long về đầu thú để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Trước sự chân thành của các cán bộ Công an, người thân trong gia đình Long đã nhận thức được vấn đề, nhận lời sẽ thuyết phục Long về quê quy án trong thời gian sớm nhất. Một ngày đầu tháng 8/2013, trong một lần trốn về thăm quê, được mọi người khuyên bảo, đặc biệt nhìn cảnh bố mẹ già đã ở tuổi 90 vẫn khóc vì con nên Long quyết định đi đầu thú.
Long đã lên nhà đưa cho chị Vũ Thị Huệ (vợ nạn nhân) số tiền 15 triệu đồng và xin được gia đình tha thứ. Đến ngày 19/8/2013, Phạm Thanh Long được anh trai là Phạm Văn Thao đưa đến Cơ quan điều tra, Công an tỉnh Nghệ An đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.
“Bây giờ mức án mà pháp luật tuyên sẽ không còn quan trọng nữa, bởi tôi về trở về để đền tội và đó cũng là cách duy nhất để tôi có thể cảm thấy thanh thản” - Long nói với các điều tra viên và cũng như tâm sự với chính mình.
Thanh thản đoạn cuối đời
Ngày bị TAND tỉnh Nghệ An đưa ra xét xử, khi đứng trước vành móng ngựa, Phạm Thanh Long đã trải lòng về quãng thời gian chui lủi của mình: “Mười mấy năm qua, chưa một đêm nào tôi ngủ yên, cứ nhắm mắt lại thấy việc đã xảy ra. Đã có những lúc lương tâm dằn vặt, tôi quyết định đi đầu thú, nhưng nỗi sợ hãi lại ập đến. Lại trốn. Thời gian chạy trốn, khi sức khỏe bắt đầu kiệt, ngoảnh lại thấy mình không có gì cả. Không gia đình, không vợ con. Tôi đã nghĩ tới cái cảnh mình chết cô độc nơi đất khách quê người mà không có lấy một người thân bên cạnh. Tôi quyết định trở về, để trả món nợ sinh mạng, để nếu có chết cũng được nhìn thấy bố mẹ, anh em. Trở về, cha mẹ già 90 tuổi cứ ôm lấy tôi mà khóc rồi khuyên tôi đi đầu thú để hưởng lượng khoan hồng của pháp luật. Giờ tôi thấy lòng mình nhẹ nhõm đi nhiều. Không phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ, không còn bị ám ảnh...”.
“Vậy sao trong suốt quãng thời gian ấy, bị cáo không chịu ra đầu thú để được hưởng lượng khoan hồng?”, chủ tọa phiên tòa chất vấn, Long im lặng cúi đầu. Phải mất một hồi lâu, gã mới chịu “giải thích” lý do về việc mình “lặn” liền tù tì một hơi suốt mười mấy năm kể từ khi gây án. Đó là bởi gã chắc mẩm rằng, thời gian sẽ xóa nhòa tội ác. Và cũng bởi lúc đó gã quá sợ cái chuyện phải “nhập kho” và đối mặt với ngày dài tháng rộng “ăn cơm tù, mặc áo số”.
Ngày gây án, Long mới vừa 33 tuổi, độ tuổi sung sức nhất đời người. Giờ gã vịn vành móng ngựa ở tuổi 50, thân hình gầy còm, héo úa. Những năm tháng trốn chạy đã bòn rút của gã mọi thứ từ sức khỏe đến cả cái dáng vóc vâm vam thời trai trẻ. Long bảo, “nếu biết pháp luật chưa quên đi tội ác của mình thì bị cáo đã chẳng trốn chạy làm gì cho khổ. Suốt quãng thời gian ấy, bị cáo phải sống chui lủi chả khác gì loài chồn cáo trên rừng. Bố mẹ già cả, đau ốm triền miên mà bị cáo không một giờ nâng giấc. Bị cáo ân hận lắm rồi…”.
Khi được nói lời sau cuối, Long khẽ khàng: “Bị cáo biết tội mình rất nặng, không chỉ tước đi một mạng người vô tội, mà bị cáo còn đẩy cả gia đình anh Tuấn vào thảm cảnh: Con mất cha, vợ mất chồng. Từ khi gây án đến giờ, bị cáo không lúc nào thôi ân hận và day dứt. Nhưng, chỉ vì lo sợ phải đi tù nên bị cáo mới trốn chạy ngần ấy năm. Giờ chỉ mong tòa xét đến hoàn cảnh của bị cáo tuổi cũng đã cao, sức khỏe yếu mà khoan hồng cho một con đường sống…”. Sau khi xem xét, HĐXX đã tuyên phạt Phạm Thanh Long mức án 8 năm tù về tội giết người.
Tác giả bài viết: Huyền Thương
Nguồn tin: Báo Công Lý
Nguồn tin: Báo Công Lý