Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Cụ ông hơn 40 năm bị kết tội oan có quyền đòi bồi thường 12 tỷ đồng

Luật sư nhận uỷ quyền cho ông Trần Văn Thêm tính số tiền dự kiến đòi toà án bồi thường oan sai cho thân chủ khoảng 12 tỷ đồng.
Oan khuất thấu trời, nửa đời ai trả?
Cụ ông được giải oan: 'Vậy ai giết bố tôi?'
Người mang án tử oan hơn 40 năm được xin lỗi công khai
Cụ ông hơn 40 năm kêu oan từng xăm hình chim để giữ hy vọng
Cụ ông 80 tuổi mang án giết người hơn 40 năm được minh oan



Ông Nguyễn Văn Hòa (Phó giám đốc Công ty Luật Hòa Lợi) cho biết, theo uỷ quyền của ông Trần Văn Thêm, người vừa được các cơ quan tố tụng trung ương xin lỗi sau hơn 40 năm mang án tử hình, luật sư đã ước tính số tiền sẽ đòi bồi thường oan sai.

Theo đó, tiền bồi thường giam giữ trong 5 năm 6 tháng 7 ngày (2.010 ngày) khoảng 1,1 tỷ đồng, gồm thiệt hại do mất thu nhập thực tế, tổn thất tinh thần. Trong 41 năm (14.530 ngày) mang thân phận tử tù dù đã được tại ngoại, theo tính toán của luật sự, số tiền ông Thêm cần đòi bồi thường là hơn 10 tỷ đồng gồm: mất thu nhập thực tế, tổn thất tinh thần… Ngoài ra còn các khoản bồi thường khác như chi phí đi kêu oan, chữa bệnh..., khoảng 800 triệu đồng. Tổng cộng số tiền ông Thêm được luật sư tư vấn đòi bồi thường oan sai là hơn 12 tỷ đồng.

Đại diện gia đình ông Thêm cho biết nếu kết quả tính toán của luật sư có căn cứ, họ sẽ làm theo khi yêu cầu bồi thường oan sai.

Ông Nguyễn Minh Long, Đoàn luật sư Hà Nội, cho rằng áp dụng Điều 46 và 47 Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước sẽ có hai hình thức giải quyết bồi thường với ông Thêm. Một là, hai bên sẽ tự thoả thuận để thống nhất số tiền trên cơ sở xét những khoản đề nghị hợp lý, đúng pháp luật. Hai là, ông Thêm đâm đơn kiện nhờ toà phân xử.

Nếu thu nhập không ổn định và không có cơ sở xác định thể hoặc thu nhập có tính chất thời vụ, luật cho phép áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương để tính thu nhập ông Thêm bị mất trong thời gian mang án oan. Trường hợp không xác định được thu nhập trung bình thì tiền bồi thường được xác định theo mức lương tối thiểu chung đối với cơ quan nhà nước tại thời điểm giải quyết bồi thường.

Cũng theo luật sư Long, theo khoản 2 Điều 47 Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước, ông Thêm được toà án bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần vì bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù với mức xác định là ba ngày lương tối thiểu cho một ngày bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù.

Trước đó ngày 11/8, tại Hội trường trung tâm huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, đại diện Bộ Công an đã công bố quyết định đình chỉ bị can với ông Trần Văn Thêm và xác định ông bị oan. TAND Cấp cao tại Hà Nội cam kết sớm khẩn trương thực hiện Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước như công khai xin lỗi trên các phương tiện truyền thông; giải quyết bồi thường oan sai.

 
- Ngày 23/6/1970, ông Nguyễn Khắc Văn trong lúc cùng ông Trần Văn Thêm đi mua hàng đã bị đánh khiến tử vong. Ông Thêm bị quy kết là thủ phạm.

- Năm 1973, TAND tỉnh Vĩnh Phú xử sơ thẩm, tuyên ông Thêm án tử hình về tội Giết người, Cướp tài sản.

- Năm 1974, cấp phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm.

- Năm 1976, ông Thêm được ra tù khi một người nhận là thủ phạm thực sự.

- Năm 1984, nghi can này tử vong khi vụ án chưa xét xử.

- Năm 1997, ông Thêm có đơn đề nghị TAND Tối cao xem xét lại vụ án.

- Ngày 6/12/2004, ông Thêm tiếp tục có đơn đề nghị bồi thường thiệt hại, nhưng không còn giữ giấy tờ liên quan vụ án ngoài chứng nhận bị thương mất sức lao động.

- Năm 2015, cơ quan chức năng thu thập được một số tài liệu cơ bản liên quan.

- Ngày 13/4, các cơ quan tố tụng họp bàn về vụ án.

- Ngày 8/8, TAND Tối cao xác định ông Thêm không thực hiện hành vi phạm tội. Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra bị can.

- 11/8, tòa án công khai xin lỗi ông Thêm.

Tác giả bài viết: Việt Dũng