Lạnh người, cà phê rởm với thành phần bắp, đậu, hóa chất
- 08:08 30-07-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
►Trong vòng vây cà phê độc, bẩn: Trăm dâu đổ đầu… người uống (!)
►Sự thật về cà phê “nguyên chất” - Kỳ 1: Đủ chiêu độn cà phê
Ảnh minh họa. Nguồn Zing
Cà phê là một trong những loại đồ uống được ưa thích nhất của người Việt Nam. Uống cà phê không chỉ là thói quen hằng ngày mà đã trở thành một nét văn hóa. Ước tính, hằng năm, người Việt Nam tiêu thụ tới 165 tỷ ly cà phê. Chính vì vậy, đây cũng là thị trường hấp dẫn đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, cung cấp cà phê cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng sản xuất cà phê bẩn, cà phê trộn đang diễn biến khá phức tạp, lừa dối người tiêu dùng, gây tổn hại đến các thương hiệu cà phê chân chính, đặc biệt là cà phê Việt Nam. Không được cung cấp thông tin đầy đủ về thành phần, chất lượng cà phê khiến cho quyền được thông tin, quyền được lựa chọn của người tiêu dùng bị xâm hại.
Trung tuần tháng 7 vừa qua, đoàn thanh tra liên ngành TP Hồ Chí Minh cùng các cơ quan chức năng đã “đột kích” và phát hiện một số cơ sở rang xay cà phê tại quận Bình Tân và huyện Bình Chánh đã “độn” đậu nành và pha nước mắm, cùng nhiều loại hương liệu, phẩm màu phục vụ cho quá trình chế biến.
Ngoài ra, những cơ sở này còn nhận gia công các sản phẩm cà phê “độn” cho nhiều mối hàng với giá rẻ kinh ngạc: 1.500 đồng/kg.
Theo Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49, Bộ Công an), từ năm 2012 đến nay, đơn vị này đã tiến hành rất nhiều đợt thanh kiểm tra phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan, xử lý hơn 20 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cà phê các loại, thu hàng trăm tấn cà phê rởm trị giá hàng tỉ đồng.
Các cơ sở sản xuất vi phạm chủ yếu như pha trộn các loại ngũ cốc (đậu nành, bắp...) vào cà phê để giảm giá thành, tăng lợi nhuận nhưng các doanh nghiệp này lại không ghi các thành phần này trên bao bì.
Nhiều cơ sở sản xuất cà phê bằng... 100% đậu nành nhưng lại ghi trên nhãn mác “cà phê nguyên chất”, “cà phê Tây Nguyên” để đánh lừa người tiêu dùng. Có trường hợp C49 điều tra phát hiện doanh nghiệp sử dụng nhiều đường hóa học như sodium cyclamate, rồi tạo độ đắng bằng thuốc kí ninh (thuốc chữa sốt rét) và rất nhiều loại hóa chất, hương liệu không rõ nguồn gốc khác.
Để tránh “tai mắt” của cơ quan quản lý và người tiêu dùng, đa số các cơ sở sản xuất “đóng quân” tại những nơi vắng vẻ, ít người biết đến. Nhà xưởng của họ khá manh mún, đa phần sản xuất thủ công với các dụng cụ cuốc, xẻng, công cụ rang xay thô sơ kém vệ sinh, nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm rất cao.
Khi bị bắt, hầu hết nhà sản xuất khai những sản phẩm này đa phần tiêu thụ ở thị trường miền Tây, Campuchia, cà phê cóc, vỉa hè...
Đáng chú ý, ngay tại Đắk Lắk, nơi được xem là có năng suất cà phê trung bình cao nhất thế giới (2,5 tấn/ha), thực trạng cà phê giả thách thức cà phê thật cũng đã và đang diễn ra.
Theo thống kê từ Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Đắk Lắk, kết quả nghiên cứu mới đây trên 27 mẫu cà phê bột và cà phê hòa tan của 30 cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh cho thấy, ngoài nguyên liệu cà phê nhân thì có trên 70% số cơ sở dùng thêm đậu nành, bắp, đậu đỏ, caramel, hương liệu cà phê, bột va ni, rượu, bơ các loại, và có cả… nước mắm để sử dụng cho chế biến cà phê.
Hỗn hợp hóa chất tạo mùi cho cà phê (Ảnh: Tiền Phong)
Tuy nhiên, tỉ lệ cà phê nhiều hay ít, các thành phần còn lại gồm những chất độn gì thì gần như không được kiểm tra, bóc tách để phân biệt.
Nhiều cơ sở chế biến rang đậu nành cháy để lấy độ đậm đắng và vị chát được lấy từ nhân cau. Ngoài ra còn có chất CMC (Carboxymethyl Cellulose) làm keo, giúp cà phê khi pha sẽ có chất kết dính sền sệt; bột tạo bọt trắng chỉ cần khuấy nhẹ là ly cà phê tràn bọt ngay; caramen tạo mùi muốn đắng kiểu nào cũng được, mùi nào cũng có…
Thực trạng trên cho thấy, nhiều công ty, cơ sở sản xuất, kinh doanh cà phê đã và đang “bịt mắt” người tiêu dùng,cung cấp những sản phẩm cà phê mà không phải cà phê hòng móc túi người tiêu dùng một cách trắng trợn.
Theo các chuyên gia, hạt cà phê nguyên chất phải là hạt cà phê rang mộc, không cho bất cứ phụ gia nào với mùi thơm tự nhiên, dịu nhẹ. Khi xay thành bột, với cùng một khối lượng thì thể tích của bột cà phê nguyên chất bao giờ cũng lớn hơn thể tích của bột hạt đậu nành hoặc bắp rang. Tức bột cà phê nguyên chất “nở” hơn bột đậu nành, bắp rang. Bột cà phê nguyên chất rất nhẹ, có độ xốp, tơi và rời và màu của bột cà phê nguyên chất có màu nâu, đồng đều chứ không có màu đen thui như bột pha bắp rang, đậu nành rang cháy. Cà phê nguyên chất và sạch có màu nâu cánh gián, khi cho đá vào sẽ có màu nâu hổ phách. |
Tác giả bài viết: Thu Hồng – Quang Thành