Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


“Nhiều người khuyên tôi thà mang tiếng ế, còn hơn đi làm dâu mà khổ vậy ”

“Nghe tin tôi đồng ý lấy anh Hiền, nhiều người gàn dữ lắm. Người ta còn bảo tôi hâm, đã mang tiếng ế rồi thì ở vậy nuôi thân cho béo, việc chi về nhà đó cho khổ. Nhưng tôi nghĩ ai cũng chọn người lành lặn khỏe mạnh lấy thì người tàn tật ai lo.
(Thực hiện: Nguyễn Duy)
 
Đó là tâm sự của chị An, người đàn bà đã hy sinh cả cuộc đời của mình để chăm lo cho cả gia đình chồng toàn những người ngây dại và bệnh tật.

Gia đình ngớ ngẩn

Tựa như hơi nước từ sông Lam không đủ mạnh để thổi vào nhà nằm sát ngay cánh đồng nên ngôi nhà nóng hực. Giữa trưa hè nắng như đổ lửa, trong căn nhà hai gian 7 con người mỗi người một góc. Đến giờ cơm, 7 con người quây quần. 3 bát lớn, 4 chén bé xếp vòng quanh mâm.

Mâm cơm được ngả ra trên cái chậu, chỉ độc nhất nồi cơm, chén vừng lạc với bát canh đu đủ hoặc canh rau vặt đi hái được trong vườn hoặc hàng xóm cho. Thế mà họ vẫn ăn một cách ngon lành. Những ánh mắt vô hồn, những nụ cười nụ cười ngô nghê lâu lâu lại liếc mắt nhìn chúng tôi.
“Nhiều người khuyên tôi thà mang tiếng ế, còn hơn đi làm dâu mà khổ vậy ”
Thấy khách đến chị An và người anh chồng đứng đợi trước cửa. Người đàn ông này chỉ nói được ít câu rồi lườm chừng chúng tôi.

“Đây là anh Hiền chồng tôi, còn kia bác Đức, bác Thực, chú Hậu, kia nữa là chị chồng và con thằng con trai 17 tuổi của tôi”. Chị đưa tay chỉ vào từng người để giới thiệu. Khi nghe chị An nhắc đến tên mình những những con người này bẽn lẽn cười rồi lại tiếp tục ăn. Đó không ai khác đó là gia cảnh của chị Nguyễn Thị An (trú xóm Bình Sơn, xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn, Nghệ An) - người phụ nữ được ví như nàng Thoại Khanh trong câu chuyện cổ tích thời xa xưa.

Chị An cho biết, bố mẹ chồng chị sinh được 8 người con nhưng 4 người bị dị tật bẩm sinh gồm: ông Nguyễn Công Đức (SN 1953), bà Nguyễn Thị Thực (SN 1955), ông Nguyễn Công Hiền (SN 1959) và ông Nguyễn Văn Hậu (SN 1961).
Phía trong thềm, hai người đàn ông bị tật ngổi ngây dại khi thấy khách lạ vào.
Phía trong thềm, hai người đàn ông bị tật ngổi ngây dại khi thấy khách lạ vào.

4 trong 8 người không bị dị tật thì hai người mất sớm vì bệnh tật nên đến thời điểm hiện tại chỉ có bác Vân (chị chồng) và đứa em út là khỏe mạnh. Bác Vân cũng không lập gia đình, đang sống cùng với các anh em ruột với cô em dâu của mình. Còn người em út kể từ khi lấy chồng xa cũng biệt tích không có thông tin.

Nói về gia đình chị An đang sống, ai trong xóm cũng phải lắc đầu ngán ngẩm. Có người còn tặc lưỡi rằng: “Sức đâu mà chịu được cả gia đình chồng ngớ ngẩn vậy chứ. Người ta một người bệnh đã khổ nay hắn (chị An) còn lo đến 4 người. Đến vệ sinh cá nhân hắn cũng phải làm cho từng người một. Trăm người thì đến cả trăm bỏ đi, không biết răng (sao) hắn vẫn ở lại nhà đó để chịu khổ”, một người dân chia sẻ cùng PV.

Duyên phận ý trời

Chị Nguyễn Thị An sinh năm 1965, tại xóm 3, xã Hưng Yên Bắc, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Chị An cũng sinh ra trong một gia đình đông anh chị em. Tuổi thơ của chị lớn lên êm đềm bên dòng sông và cánh đồng lúa xanh ngắt.

Thương bố mẹ vất vả, đến tuổi cập kê chị không màng tới chuyện trai gái sớm tối cặm cụi ngoài đồng ruộng. Lo con quá lứa lỡ thì mọi người trong gia đình tìm cách mai mối mong chị tìm được tấm chồng ưng ý. Duyên số run rủi thế nào lại đưa chị đến với anh Nguyễn Công Hiền, người đàn ông 30 (30 tuổi) ở xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn (Nghệ An).
Cả gia đình nhà chồng ai cũng ốm đau, bệnh tật cứ ngẩn ngẩn, ngơ ngơ...
Cả gia đình nhà chồng ai cũng ốm đau, bệnh tật cứ ngẩn ngẩn, ngơ ngơ...

Khi chị Vân đưa anh Hiền sang dạm hỏi, chị An cũng đã gần 30, cái tuổi được xếp vào diện ế của làng. Cảm thương số phận của gia đình bất hạnh, mong bớt được phần nào khổ cực cho họ, chị gật đầu đồng ý làm vợ anh Hiền.

Biết những người thân trong gia đình và chính người yêu của con mình bị tàn tật bẩm sinh, không mấy tỉnh táo thì người thân trong gia đình chị đã can ngăn hết sức. Vượt qua điều tiếng, định kiến của nhiều người chị một mực theo anh về làm dâu.
Người bác, người chồng của chị An đã già, không giúp đỡ được gì.
Người bác, người chồng của chị An đã già, không giúp đỡ được gì.

Năm 1992, một đám cưới đặc biệt được diễn ra tại xóm nghèo. Đám cưới không có xe hoa lộng lẫy cũng chẳng có pháo nổ rầm vang. Cô dâu được rước về nhà chồng bằng chuyến đi bộ hơn 15km vì chú rể không biết đi xe đạp, tiếng vỗ tay chúc mừng của quan viên hai họ, vài ba mâm cỗ đơn sơ. Hàng xóm tới xem đám cưới của anh Hiền “ngớ ngẩn” đông nghẹt cả vườn. Người thì mừng cho các cụ, cho anh Hiền, cho cả những người anh, người em không bình thường của anh.

Cũng có người dè bỉu buông tiếng thở dài: “Không biết có được ba bảy hai mốt ngày không nữa...”. Chị An cũng chẳng lấy đó làm tủi thân, với chị có được tấm chồng rồi thì việc gì cũng có thể vượt qua được. Thế nhưng, về làm vợ, làm dâu rồi mới biết, sự đời không dễ dàng như chị tưởng, nhất là gia đình chồng người ngớ ngẩn nhiều hơn người bình thường.
7 người trong gia đình, thì có tới 4 người ngớ ngẩn.
7 người trong gia đình, thì có tới 4 người ngớ ngẩn.

“Nghe tin tôi đồng ý lấy anh Hiền, nhiều người gàn dữ lắm. Người ta còn bảo tôi hâm, đã mang tiếng ế rồi thì ở vậy nuôi thân cho béo, việc chi về nhà đó cho khổ, có phải mỗi mình chồng tôi ngớ ngẩn mô (đâu) còn 3 người nữa cũng bị rứa (như thế). Nhưng tôi nghĩ ai cũng chọn người lành lặn khỏe mạnh lấy thì người tàn tật ai lo. Biết sẽ khổ sẽ cực nhưng tôi chấp nhận”, chị An tâm sự.

Ngày về làm dâu, chị đã đứng hình khi thấy khung cảnh gia đình chồng. Trong căn nhà đó không có gì đáng giá, có dăm ba chén cơm cũng chiếc sứt chiếc mẻ. Dù hơi hụt hẫng nhưng khi nhìn bố mẹ chồng ốm liệt giường, những người anh em của chồng không mấy tỉnh táo, đến tự chăm sóc cho bản thân cũng không làm nổi chị lại động lòng.
Sống lâu rồi, chị An lại càng thương chồng, thương anh em nhà chồng hơn.
Sống lâu rồi, chị An lại càng thương chồng, thương anh em nhà chồng hơn.

Chị An nói: “Đã chấp nhận về làm dâu thì bố mẹ chồng cũng coi như bố mẹ mình. Anh em của chồng dù ngớ ngẩn cũng phải chăm sóc như anh em ruột thịt của mình”.

Kể từ đó chị quyết tâm ở lại lo lắng cho những người khốn khổ trong gia đình chồng mà không một lời oán than.

Gia đình có 7 người thì có tới 4 anh em mắc bệnh bẩm sinh, còn chị gái chồng không lập gia đình năm nay cũng đã 74 tuổi sống cùng các em. Sống trong gia đình có 7 miệng ăn nhưng lại chỉ mình chị vật lộn. Vào mùa vụ, chị quần quật ngoài đồng, làm đủ thứ việc từ cày bừa, gieo cấy cho đến thu hoạch.
Sống lâu rồi, chị An lại càng thương chồng, thương anh em nhà chồng hơn.
Sống lâu rồi, chị An lại càng thương chồng, thương anh em nhà chồng hơn.
Chị An đưa chúng tôi vào thăm gian bếp, qua quan sát thì nồi nấu ăn cơm trắng thì đầy, còn lại các loại xoong khác chỉ để trống vì không có cái gì để nấu.

Gần một mẫu ruộng một tay chị cáng đáng. Ngoài ra chị cặm cụi đêm ngày bên dòng sông, cánh đồng kiếm con cua, con ốc phục vụ cho bữa ăn. Chứng kiến cảnh mâm cơm vừa dọn ra đã sạch bách, con chị chưa kịp ngồi vào bàn, chồng thì tranh giành phần ăn với anh chị em khác khiến chị rơi nước mắt.

Do vậy, dù có bận việc tới đâu, chị cũng phải tranh thủ về nấu ăn cho cả gia đình, rồi chia phần cho từng người một. Lắm lúc trái gió trở trời họ không ăn chị lại bón từng thìa cơm cho họ. Gần 22 năm qua, chị dành thời gian nghỉ trưa của mình tắm rửa cho từng người, giặt dũ cả đống quần áo, thế nhưng tới chiều tối ai nấy lại lấm lem, đất bụi bám đầy.
Những con người ngớ ngẩn chân trân ngồi ở góc sân, trên thềm chỉ biết ú ớ, không làm được việc gì.
Những con người ngớ ngẩn chân trân ngồi ở góc sân, trên thềm chỉ biết ú ớ, không làm được việc gì.

“Mới về thấy họ kéo nhau đi chơi cả ngày, thỉnh thoảng cười ré lên khiến tôi khiếp sợ. Nhưng rồi cũng quen dần. Nhất là khi trái gió trở trời, những người ốm lên cơn động kinh. Thấy họ đau, tôi hỏi nhưng họ chẳng biết mình đau ở đâu để nói. Bởi vậy, cách duy nhất họ có thể làm là vật lộn trên giường, giãy đành đạch rồi rống lên thảm thiết. Ngày đầu tôi hoảng sợ thực sự. Nhưng càng sợ, tôi càng thấy thương mọi người hơn”, chị An nói.

Bất kể đêm hôm, khi tiếng vật vã, kêu khóc vang lên, chị lao vào, dùng muối rang, ngải cứu chườm bóp khắp người cho từng người. Trời mưa, chị lọ mọ khoác tấm ni lông mỏng, vượt đêm tối tới nhà thầy lang đầu xóm xin thuốc cho họ. Chị chẳng quản điều gì cả, miễn sao để người thân của chồng thoát khỏi cơn đau, dù đội mưa đội nắng, đêm đông gió bão chị cũng đi.
Hoặc chỉ biết cười khi thấy khách.
Hoặc chỉ biết cười khi thấy khách.
 
Những lúc trái gió trở trời, thì họ nằm la liệt trên giường.
Những lúc trái gió trở trời, thì họ nằm la liệt trên giường.

Nuôi 4 con người ngớ ngẩn trong gia đình mỗi tháng chị được trợ cấp 720 ngàn đồng. Thế nhưng số tiền đó chẳng thấm vào đâu khi ai đó lên cơn đau phải mua thuốc, chưa kể mua thêm con cá, miếng thịt thì tháng đó đói.

Với chị, đêm đêm đặt lưng xuống giường, chị vẫn chưa hết trằn trọc bởi tiếng ho của chồng, tiếng khóc ti tỉ khi trời trở gió của bác Đức, bác Thực, chú Hậu.

Thỉnh thoảng khi chưa kịp chợp mắt chị đã phải bật dậy bởi tiếng la hét thất thanh. Sáng sớm chị lại quay cuồng với một núi công việc, vô vàn điều phải lo lắng. Hiện sức khỏe chị An đang ngày một yếu kém, nhưng để duy trì cuộc sống gia đình, chị An vẫn không thể một ngày nghỉ ngơi.
Những lúc trái gió trở trời, thì họ nằm la liệt trên giường.
Cả gia đình quay quần bên mâm cơn chỉ mỗi bát canh được xem giá trị nhất, nhưng mọi người trong chốc lát đã ăn hết. Với gia đình chị An, thì mỗi bữa cơm có cá, hay miếng thịt rất khó khăn, còn lại họ ăn bằng vừng lạc mỗi ngày.

Điều an ủi lớn nhất của chị An có lẽ là thằng Thanh - kết quả của ngọn lửa tình yêu đã được bù đắp. Hiện Thanh đang học năm 1 trường trung cấp nghề ở thành phố Vinh. Một thằng bé trắng xanh, gầy gò và có phần ốm yếu.

Đối với chị, đó là niềm hạnh phúc lớn lao, một ân huệ lớn mà đời dành cho mình. Còn đối với anh Hiền và những người khác trong gia đình, thằng cu Thanh có tồn tại hay không cũng không ai hay biết, không ai ý thức được.

Có thêm con, nỗi vất vả của chị An cũng theo đó cũng tăng lên. Việc nhà, việc đồng áng, duy trì bữa ăn hàng ngày đều một tay chị lo liệu. Gia đình đã nghèo nay còn nghèo hơn, bởi các thành viên trong gia đình tuổi đã về già, lại hay đau yếu thường xuyên.
 
Những lúc trái gió trở trời, thì họ nằm la liệt trên giường.
Riêng ông Hiền (áo xanh) chồng chị An còn có một chút hiểu biết, nên khi nói ông hiểu được chút ít và đã rơi nước mắt.

Lại thêm tiền cấp cho thằng Thanh đi học mỗi tháng cũng mất hơn 2 triệu đồng. Vất vả, khó nhọc là thế, nhưng chị chẳng thể nhờ ai hỗ trợ, thôi thì làm được tới đâu chị cứ làm.

“Sinh ra vốn con thường dân, việc đồng ruộng có chi tôi không làm được mô. Gần mẫu ruộng mình tôi làm băng băng. Hết cày bừa, gieo cấy, phun thuốc cho tới làm cỏ gặt hái, phơi trở một tay tôi cả. Có khi chú Hậu cũng đi cho được hồi trâu nhưng trâu về chán rồi nhưng người chưa thấy mô, lúc đó tôi lại hớt hải đi tìm”, chị An tâm sự.

Đó là ngày chị đang còn trẻ. Nhưng nay, khi tuổi đã xế chiều, đầu đã ngả hai màu tóc chị không còn được như trước. Cơn đau đầu ngày đêm vẫn hành hạ chị. Lại thêm cái bệnh tăng huyết áp nhiều lúc khiến chị như kiệt sức.

“Mấy bữa trước nắng chang chang, 9h sáng ngoài đồng không có ai, thế nhưng đến hơn 10h hắn mới lọ mọ về. Chân chưa bước vô sân đã ngã nhào, tui phải kêu hàng xóm giúp đưa hắn đi viện. Mai tỉnh lại hắn đòi về liền, tui kêu hắn ở lại nghỉ ngơi cho khỏe thì hắn nói về đi cấy cho xong, cả đồng họ xong hết rồi. Thương hắn lắm mà không biết làm răng cả”, chị dâu chị An cho biết.
 
Đơn xác nhận hoàn cảnh nhân ái của UBND xã Hùng Tiến.
Đơn xác nhận hoàn cảnh nhân ái của UBND xã Hùng Tiến.

Nói về hoàn cảnh gia đình chị An, ông Nguyễn Văn Long - trưởng xóm cho biết: “Hoàn cảnh gia đình chị An đặc biệt khó khăn của xã. Một mình chị An phải chăm sóc, nuôi nấng chồng cùng những anh em khác không mấy tỉnh táo đang hết sức cam go, đau khổ. Hiện tại, 4 người mắc bệnh đang được hưởng chế độ trợ cấp xã hội nhưng nói thật, số tiền đó so với mức chi tiêu thuốc thang sinh hoạt của 7 con người thì chỉ như muối bỏ bể thôi. Với gia đình chị An mỗi dịp lễ, Tết hay các ngày lễ kỷ niệm đều được xã quan tâm, nhưng chỉ được một phần nhỏ, không thấm vào đâu cả”.

Nắng chói chang như rót lửa vào nhà, chúng tôi tạm biệt gia đình chị An với 4 con người ngớ ngẩn vẫn lảm nhảm với những câu chuyện của riêng mình, với người phụ nữ có tấm lòng trăm người có một. Sống giữa những người thân yêu chị An luôn làm tròn bổn phận của một người vợ, một người mẹ, người chị, em dâu trong gia đình.

Bao nhiêu năm nay, chị vẫn một mình chịu khổ cũng chưa một lần kêu ca. Tuy nhiên khi tuổi đã về già sức khỏe lại ngày một kém đi, rồi không biết chị còn đứng vững được đến bao giờ để lo cho người thân, lo cho thằng con học hành đến nơi đến chốn…

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Chị Trần Thị An, xóm Bình Sơn, xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn, Nghệ An. Điện thoại: 01689.945.957 - ông Trung – Phó chủ tịch xã Hùng Tiến


Tác giả bài viết: Hồng Thắm Ảnh: Nguyễn Duy