Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


'Chúng tôi sẽ nấu cho đến khi bà con vào được nhà, đỏ được bếp'

Trong bùn đất ngập đến đầu gối, nơi những con đường vẫn còn chia cắt vì lũ, có những bếp ăn đỏ lửa. Không phải của ai xa lạ, mà là của chính người dân vùng lũ nấu cho nhau – những bữa cơm tình nghĩa giữa hoạn nạn.

Sau những ngày mưa lũ dữ dội, bùn đất vẫn phủ kín khắp đường làng, nhà cửa ở nhiều xã thuộc miền Tây Nghệ An chìm trong cảnh hoang tàn. Thế nhưng, giữa khung cảnh đổ nát ấy, những ngọn lửa ấm áp vẫn bừng lên: những bếp ăn nghĩa tình do chính người dân và cán bộ địa phương tự nguyện nhóm lửa, sẻ chia từng suất cơm nóng hổi.

Ngọn lửa tình người không bao giờ tắt

Sáng ngày 25/7, tại làng Nhùng, xã Tam Quang, huyện Tương Dương cũ, khung cảnh tiêu điều vẫn bao trùm. Quốc lộ 7, huyết mạch qua trung tâm xã, vẫn đang bị chia cắt từng giờ bởi lớp bùn đất dày hơn một mét tràn ra đường. Cán bộ xã, lực lượng dân quân, công an và người dân địa phương không quản ngại khó khăn, thay phiên nhau dùng xẻng xúc từng lớp bùn đặc quánh. Giữa lúc ấy, một tấm biển dựng tạm bên vệ đường, với dòng chữ giản dị nhưng lay động lòng người, bất chợt gây sự chú ý đặc biệt: “Bếp ăn hỗ trợ bà con bị ngập lụt. Rất mong sự sẻ chia của mọi người.”

 Bếp ăn hỗ trợ bà con bị ngập lụt” đặt bên Quốc lộ 7 khiến ai đi qua cũng ấm lòng

Người khởi xướng bếp ăn đặc biệt này là cô Trần Thị Giang – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tương Dương 2. Chứng kiến cảnh bà con vật lộn với bùn đất, kiệt sức vì đói mà không có nổi một bữa cơm trưa, cô Giang cùng một vài giáo viên đồng nghiệp đã bàn nhau nhóm bếp. Nguồn nguyên liệu ban đầu rất đỗi đơn sơ, chỉ từ gạo và thực phẩm xin được của người thân, bạn bè. Cô Giang tâm sự “Chúng tôi không làm từ thiện lớn lao gì, chỉ đơn giản là thấy bà con đói thì mình phải nấu ăn cho họ. Một bữa cơm nóng còn quý hơn cả ngàn lời động viên vào lúc này.”

Từ vài suất ăn ban đầu, chỉ sau một ngày, bếp ăn đã lan tỏa mạnh mẽ, trở thành nơi tụ họp của cả một cộng đồng. Người góp con gà, bó rau; người mang tới túi gạo; ai có sức khỏe thì xắn tay vào bếp, nấu nướng. Bếp phục vụ ba bữa mỗi ngày: sáng, trưa và tối, với hàng trăm suất cơm nghĩa tình. Điều đặc biệt là có những người chưa từng quen biết nhau, vậy mà vẫn cùng ngồi lại giữa bùn đất, cẩn thận gói ghém từng hộp cơm rồi chuyển cho các tổ hỗ trợ đi phát tại các khu vực bị cô lập. “Mình khổ, nhưng người khác còn khổ hơn. Giúp nhau mới sống được. Chúng tôi sẽ nấu cho đến khi bà con vào được nhà, đỏ được bếp thì mới dừng.”, cô Giang nói tiếp.

 Bếp ăn hỗ trợ đồng bào bị lũ lụt do cô giáo Trần Thị Giang khởi xướng

Bữa cơm chạy lũ…

Không chỉ có những tấm lòng người dân tự nguyện, nhiều chính quyền địa phương cũng chủ động đứng ra lo từng bữa cơm cho người dân sơ tán. Tại xã Yên Na, huyện Tương Dương, bữa cơm đầu tiên cho các hộ dân bản Vẽ – nơi bị ngập sâu và thiệt hại nặng nề – đã được tổ chức ngay tại khuôn viên điểm trường tiểu học. Đây không phải là một bữa ăn sang trọng, chỉ đơn giản là xôi trắng, thịt kho và canh rau. Nhưng đó là những suất cơm được nấu bằng kinh phí dự phòng của xã, và đặc biệt hơn, bằng chính đôi tay của các cán bộ xã. Không có nhà bếp đúng nghĩa, họ dựng tạm mấy chiếc bạt, bắc bếp củi giữa sân trường, vừa nấu vừa che mưa che gió.

Bà Vy Thị Thẩm (66 tuổi), một người dân được sơ tán, xúc động kể lại trong dòng nước mắt: “Đêm đó nước lên nhanh quá, không kịp mang theo bất cứ thứ gì. Đến nơi sơ tán thì trời mưa lạnh, bụng đói meo. Sáng ra thấy xã mang đến từng suất cơm nóng hổi, không ai nói gì nhưng ai cũng rưng rưng nước mắt vì xúc động.

 Bí thư Đảng ủy xã Yên Na, bà Vy Thị Bích Thủy ân cần hỏi thăm người dân

Bí thư Đảng ủy xã – bà Vy Thị Bích Thủy chia sẻ: “Sau bữa cơm đầu tiên, bà con tự động quay lại giúp nhau dọn bùn, dọn dẹp trường học, rồi sau đó về bản dọn nhà cho hàng xóm. Không ai bảo ai, không cần đợi đến cứu trợ từ bên ngoài. Họ hành động vì một điều rất thật: đồng bào không để nhau cô đơn trong gian khó.”

Thậm chí có những thanh niên, sau khi đã sơ tán gia đình mình đến nơi an toàn, đã quay trở lại các bản sâu như Huồi Cọ, Huồi Tụ – những nơi bị cô lập hoàn toàn – để giúp đỡ những hộ dân không có người thân, hoặc những gia đình gặp khó khăn đặc biệt. Đó là những hành động nhỏ bé, giản dị nhưng đang âm thầm gắn kết cả một cộng đồng, tạo nên một sức mạnh nội tại giúp họ cùng nhau vượt qua thử thách.

 Người dân vùng lũ quay quần bên bữa ăn tại một trường học

Hôm nay, lũ đã rút. Bùn đất vẫn còn đó, ngổn ngang khắp nơi. Nhà cửa vẫn tan hoang, nhiều mái nhà còn hở toang sau trận lũ. Nhưng giữa những cảnh tượng đau lòng ấy, người ta vẫn thấy khói bếp lên đều mỗi sáng từ các căn nhà. Không phải vì cuộc sống đã hoàn toàn ổn định, mà bởi ai cũng đang nỗ lực dựng lại cuộc sống, và quan trọng hơn, họ đang nỗ lực cùng nhau.

Tác giả: Phan Huy

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn