Bão số 3 áp sát đất liền, nhiều nơi trời hửng nắng: Hiện tượng có bất thường?
- 13:51 22-07-2025
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bão số 3 đang tiến sát đát liền tuy nhiên nhiều nơi trời hửng nắng khiến cho nhiều người nghĩ bão đã tan. Tuy nhiên, hiện tượng hửng nắng được lý giải là do cấu trúc mây dạng CDO. Bão không tan mà thậm chí có thể mạnh lên.
Sáng nay (22/7), tâm bão số 3 đã áp sát vùng biển ven bờ các tỉnh Hưng Yên và Ninh Bình, với sức gió mạnh cấp 9, giật cấp 11. So với rạng sáng cùng ngày, bão đã suy yếu khoảng một cấp. Dự báo từ 10 giờ đến 13 giờ trưa nay, bão sẽ chính thức đổ bộ đất liền, giữ cường độ cấp 8-9, tiếp tục tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt tại các địa phương ven biển.
Tuy nhiên, một hiện tượng thời tiết gây bất ngờ đã xảy ra: dù bão đang tiến sát, nhiều khu vực như Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh – nơi từng hứng mưa to, gió mạnh vào ngày hôm qua – lại có lúc ngớt mưa, thậm chí trời hửng nắng vào sáng nay.
![]() |
Tại khu đô thị Thanh Hà xã Bình Minh (Hà Nội) thời tiết mưa ngắt quãng nhiều lúc hửng nắng (ảnh: Ngọc Minh). |
Theo các chuyên gia khí tượng, hiện tượng này không bất thường nếu xét đến cấu trúc đặc biệt của bão số 3. Cơn bão này có cấu trúc mây dạng CDO (Central Dense Overcast) – tức vùng mây đối lưu dày đặc bao quanh tâm bão. Đặc điểm của CDO là khối mây dày tập trung không đều, lần này chủ yếu dồn về phía nam hoàn lưu bão.
Cấu trúc mây dạng CDO là gì?
Trong lĩnh vực khí tượng, CDO – viết tắt của Central Dense Overcast – là thuật ngữ chỉ vùng mây đối lưu dày đặc và sáng nằm gần trung tâm của một xoáy thuận nhiệt đới mạnh, đặc biệt là bão nhiệt đới hoặc siêu bão. Đây được xem là "lõi mây" bao quanh tâm bão, thường xuất hiện trên ảnh vệ tinh dưới dạng một khối mây trắng dày đặc, đôi khi che khuất cả mắt bão.
Cấu trúc mây CDO gồm các khối mây đối lưu phát triển mạnh theo chiều thẳng đứng, hình thành chủ yếu từ mây vũ tích (cumulonimbus). Sự phân bố có thể đối xứng hoặc bất đối xứng tùy thuộc vào mức độ tổ chức và cường độ của cơn bão. Khi bão đạt đến sức mạnh nhất định, mắt bão sẽ hiện rõ ở trung tâm vùng mây này.
Sự hiện diện của CDO là dấu hiệu cho thấy bão đang tổ chức tốt và có xu hướng mạnh lên. Các nhà khí tượng học thường theo dõi hình dạng, độ đối xứng và nhiệt độ đỉnh mây trong khu vực CDO để ước tính cường độ của bão qua ảnh vệ tinh – một trong những công cụ quan trọng khi dự báo trong điều kiện không có số liệu quan trắc tại chỗ.
Trong thực tế, cấu trúc CDO có thể tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau. Loại tròn đối xứng thường liên quan đến những cơn bão mạnh với mắt bão rõ nét. Trong khi đó, dạng hình dải (banded) xuất hiện khi bão chưa hoàn chỉnh về cấu trúc, còn dạng lệch tâm thường hình thành khi bão chịu tác động từ các yếu tố ngoại lực như gió tầng cao.
Theo chuyên gia khí tượng khi bão số 3 di chuyển vào Vịnh Bắc Bộ ngày 21/7, vùng mây dày đã gây mưa lớn diện rộng tại Đông Bắc Bộ và đồng bằng Bắc Bộ. Nhưng đến sáng 22/7, khi tâm bão dịch chuyển xuống khu vực ven biển từ Hưng Yên đến Ninh Bình, khối mây đối lưu mạnh cũng theo đó lệch về phía nam. Do đó, mưa lớn hiện tập trung chủ yếu tại Thanh Hóa, Nghệ An và một phần Hà Tĩnh. Trong khi đó, các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng chỉ còn mưa gián đoạn, lượng không lớn và có thời điểm trời quang mây.
Dù vậy, theo cảnh báo từ cơ quan khí tượng, người dân không nên chủ quan. Trong ngày và đêm nay, mưa gián đoạn vẫn có thể xảy ra tại nhiều địa phương phía Bắc. Đặc biệt, các đợt mưa cục bộ có thể xuất hiện bất ngờ do hoàn lưu bão còn tiếp diễn, tiềm ẩn nguy cơ ngập úng hoặc lốc, sét cục bộ.
Tác giả: Ngọc Minh
Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn