Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Cảnh giác với bệnh truyền nhiễm sau mưa lũ

Người dân hết sức cảnh giác với các dịch bệnh sau bão lũ, nhất là dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương.

 Cán bộ y tế tuyên truyền phòng bệnh sau mưa lũ. Ảnh: TTXVN

Trước tình hình cơn bão số 3 đang di chuyển vào đất liền, nguy cơ ngập lụt sau mưa bão lớn, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân, BS. Nguyễn Nguyên Huyền, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cảnh báo: "Trong mùa mưa bão, ngoài phải đối mặt với nguy cơ thiên tai, ngập lụt, người dân cần hết sức cảnh giác với các bệnh truyền nhiễm dễ lây lan thành dịch trong và sau mưa lũ, có thể gây gánh nặng y tế lớn".

Theo BS. Nguyễn Nguyên Huyền, nước lũ mang theo vi khuẩn, virus, rác thải, xác động vật và nhiều nguồn lây nhiễm khác tràn lan ra môi trường sống, khiến điều kiện vệ sinh bị xáo trộn nghiêm trọng. Đây là cơ hội để một loạt bệnh truyền nhiễm phát sinh và lây lan nhanh chóng, đặc biệt ở những khu vực bị chia cắt, thiếu nước sạch, thiếu thực phẩm đảm bảo vệ sinh.

Các bệnh thường gặp nhất sau mưa bão bao gồm: Tiêu chảy cấp, tả, lỵ, viêm gan A, bệnh đường hô hấp, đau mắt đỏ, các bệnh ngoài da và sốt xuất huyết. Một số bệnh có thể lây lan nhanh thành ổ dịch nếu không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời. Đáng lo ngại, nhiều triệu chứng ban đầu thường bị người dân bỏ qua hoặc tự điều trị tại nhà, dễ dẫn đến biến chứng nặng.

Để phòng bệnh hiệu quả trong mùa mưa lũ, BS. Nguyễn Nguyên Huyền khuyến cáo: “Trong mùa mưa bão, nhất là trong các khu vực ngập lục, người dân cần giữ gìn vệ sinh ăn uống như: Ăn chín, uống sôi, tuyệt đối không sử dụng thực phẩm ôi thiu, không ăn gia súc, gia cầm chết. Khi khu vực bị ngập, chia cắt, hãy ưu tiên thực phẩm chế biến sẵn, đóng gói an toàn như mì gói, lương khô, nước đóng chai”.

Bên cạnh đó, cần bảo vệ nguồn nước sinh hoạt. Nếu giếng khoan, giếng khơi bị ngập, cần thau rửa, lọc và khử trùng theo hướng dẫn của cán bộ y tế; không nên dùng nước bẩn để rửa mặt, tắm, giặt quần áo hay để trẻ em chơi đùa ở những khu vực nước bẩn.

Đặc biệt, hiện dịch sốt xuất huyết bắt đầu diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, người dân cần tích cực vệ sinh phòng bệnh, nhất là điều kiện dễ phát sinh muỗi sau mưa lũ. Người dân cần tích cực diệt lăng quăng, bọ gậy, đậy kín các dụng cụ chứa nước, loại bỏ vật dụng có thể đọng nước và ngủ màn (kể cả ban ngày)… là những biện pháp đơn giản nhưng rất hiệu quả để phòng muỗi đốt, ngăn dịch sốt xuất huyết lây lan.

Bên cạnh đó, bệnh ngoài da và đau mắt đỏ cũng dễ phát sinh thành dịch sau mưa lũ. Để phòng bệnh, người dân tuyệt đối tránh để cơ thể tiếp xúc lâu với nước ngập. Sau khi đi qua vùng nước lũ, nên rửa sạch tay chân bằng nước sạch, lau khô kẽ tay, kẽ chân; không dùng chung khăn mặt, chậu rửa với người khác.

Bác sĩ cũng lưu ý, khi có biểu hiện nghi ngờ như: Sốt, tiêu chảy, nổi ban, đau mắt, ho sốt kéo dài… người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn; không tự ý dùng thuốc hay điều trị tại nhà vì có thể khiến bệnh diễn tiến nặng và gây lây lan trong cộng đồng.

Tác giả: Tạ Nguyên

Nguồn tin: baotintuc.vn