Mưa lớn kỷ lục, cảnh báo thiên tai ra sao với tỉnh thành mới?
- 14:29 14-07-2025
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thời tiết ngày càng cực đoan, khó đoán, công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn cần chuẩn bị thế nào để thích ứng kịp thời và hiệu quả, nhất là trong bối cảnh các địa bàn mở rộng sau sáp nhập?
Phú Cường (nay là Phú Thịnh) là một xã miền núi ở Thái Nguyên. Cuối tháng 6 vừa qua, Phú Thịnh không ngập sâu như dưới thành phố, nhưng những trận mưa như trút nước cũng khiến gia đình chị Dương Thị Hường không kịp trở tay:
"Thời tiết bất thường, ảnh hưởng đến lúa, chè bị ngập. Giao thông ách tắc, sông suối không đi được. Chỉ mong các cấp chính quyền để ý đến người dân. Lúc ách tắc giao thông làm sao giải thoát nhanh, rồi có những cái cứu hộ, ví dụ ở vùng bị nước ngập tràn vào nhà".
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong tháng 5 và tháng 6, tổng lượng mưa ở các tỉnh miền Bắc cao hơn trung bình nhiều năm. Tổng lượng mưa tháng 6 tại Thái Nguyên là 994mm, vượt kỷ lục năm 1979 khoảng 6mm; Lạng Sơn 442mm, vượt kỷ lục năm 1978 hơn 100mm; Bắc Giang 562mm, vượt kỷ lục năm 1986 hơn 50mm;…
![]() |
Miền Bắc và miền Trung đang trải qua một mùa hè mưa nhiều hiếm thấy. Như tại Thái Nguyên, tổng lượng mưa tháng 6 là 994mm, vượt kỷ lục năm 1979 khoảng 6mm |
Trước đó, Hà Tĩnh cũng trải qua một đợt mưa lũ lịch sử và bất thường. Đêm 24 và rạng sáng 25/5, một “bom nước” đã trút xuống dữ dội. Chỉ trong 1 giờ đồng hồ, xã Kỳ Hoa, huyện Kỳ Anh (cũ) có lượng mưa tới 172,8mm, là lượng mưa/giờ lớn nhất trong lịch sử khu vực này, vượt qua cả những đợt mưa bão.
Dù không ở tâm lũ nhưng gia đình ông Biện Văn Bình, xã Cẩm Duệ, cũng bị ngập mất 3 tấn lúa: "Thời tiết dự báo mưa vừa mưa to, chẳng ai ngờ mùa khô nắng nóng lại có một trận mưa lớn như vậy. Trên 60 tuổi rồi, giờ tôi mới thấy một đợt mưa thời gian rất ngắn nhưng lượng mưa rất lớn. Với việc sáp nhập 3 xã Cẩm Mỹ, Cẩm Duệ, Cẩm Thạch, địa bàn rộng, riêng Cẩm Mỹ ở ngay dưới đê Kẻ Gỗ, nên dự báo thời tiết sát sao hơn".
GS. TS. Đinh Đức Trường, Trưởng Khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu và Đô thị, Đại học Kinh tế quốc dân phân tích, thiên tai tại Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp dưới tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu. Các hình thái thiên tai như: mưa lớn, lũ quét, sạt lở hay nước biển dâng đang xuất hiện ngoài quy luật, khiến công tác dự báo và cảnh báo trở nên rất khó khăn.
"Thứ nhất là đặc tính thiên tai. Thời tiết hiện nay đang trở nên cực đoan hơn, khó đoán hơn và mang tính cục bộ cao, nơi các quy luật cũ đang bị phá vỡ dễ dàng và thời gian chuẩn bị, ứng phó càng ngày càng bị rút ngắn.
Thứ hai là thách thức về quy mô quản lý hành chính sau khi sáp nhập: địa bàn quản lý mở rộng, đa dạng hơn về địa lý, địa hình, dân cư và điều kiện tiếp cận thông tin. Nếu không có các cơ chế cảnh báo linh hoạt và phân quyền rõ ràng thì người dân ở các khu vực vùng xa trung tâm rất dễ bị bỏ lọt thông tin và hỗ trợ.
Thứ ba, sau sáp nhập, nhiều địa phương chưa kịp kiện toàn đủ nhân lực chuyên môn, cơ sở vật chất, tín hiệu mạng vẫn còn rất yếu ở nhiều nơi. Điều này có thể làm giảm hiệu quả của cả hệ thống, dù các cấp cũng đã có những chủ trương tốt".
Đồng tình quan điểm này, GS. TS. Phan Văn Tân, Trường đại học Khoa học Tự nhiên cho rằng, thời tiết tuy bất thường nhưng lại xuất hiện ngày càng thường xuyên trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Do đó, việc dự báo là rất quan trọng, cùng với trách nhiệm của chính quyền các địa phương mới.
"Các hiện tượng thời tiết xảy ra không phụ thuộc ranh giới của các tỉnh, các xã. Chúng thường xuất hiện trên một khu vực tương đối rộng, trừ một số tình huống đặc biệt như lốc xoáy, vòi rồng hoặc những đợt gió giật mạnh đột ngột".
Vì vậy, chính quyền xã cần chú trọng vấn đề là trước đây, mình chỉ tập trung vào một vùng nhỏ, nhưng bây giờ mình phải quan tâm vùng rộng hơn. Cần chú trọng xem xét bản tin dự báo thời tiết trong phạm vi địa phương mình quản lý để chủ động hơn trong phòng tránh thiên tai, cũng như phục vụ hoạt động sản xuất".
![]() |
Ứng dụng công nghệ, đặc biệt là nền tảng bản đồ số, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn cần được đẩy mạnh trong công tác dự báo và cảnh báo thiên tai |
Trong bối cảnh thời tiết ngày càng cực đoan và khó lường, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch dự báo, cảnh báo thiên tai theo hướng giám sát chặt chẽ, từng bước nâng cao độ phân giải trong không gian, tiến tới cảnh báo cấp cụm xã theo các điểm dân cư có nguy cơ cao thay vì cảnh báo cấp tỉnh, cấp huyện như trước.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng Phòng Dự báo thời tiết cho biết: "Chúng tôi đã tăng cường sử dụng các mô hình dự báo hiện đại kết hợp dữ liệu vệ tinh, ra-đa và hệ thống quan trắc nâng cao để tăng độ chính xác.
Ngoài ra, Trung tâm chuyển dần sang cách tiếp cận dự báo theo tác động, tức là không chỉ dự báo mưa lũ, dông lốc sẽ xảy ra ở đâu, khi nào, mà còn cung cấp thông tin về mức độ rủi ro ở khu vực cần chú ý theo thời gian thực và truyền tải qua nhiều kênh thông tin khác nhau, từ truyền hình, phát thanh đến mạng xã hội, như Zalo…
Các bản tin cảnh báo thiên tai theo hướng cập nhật đơn vị hành chính mới, chi tiết, giúp người dễ tiếp nhận, địa bàn hành chính mới nắm rõ thông tin và có ứng phó phù hợp".
Về công tác cứu nạn trong tình hình mới, Chính phủ đã ban hành Nghị định 131, 136 quy định phân quyền, phân cấp của chính quyền địa phương 2 cấp trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, cùng với đó là Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống, khắc phục thiệt hại do thiên tai trước mùa mưa bão năm 2025. Trong đó, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp xã sẽ được thành lập tại các địa phương khi cấp huyện dừng hoạt động.
Tại Hà Tĩnh, trao đổi với phóng viên, đại diện Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, cơ quan này đã tham mưu UBND tỉnh phương án rà soát, kiện toàn ban chỉ huy các cấp, thực hiện xong trước ngày 20/7. Đồng thời đôn đốc, chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan chuẩn bị phương án, vật tư phương tiện, nâng cao trách nhiệm trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thời gian tới.
Góp ý thêm về giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, ứng phó thiên tai trong bối cảnh mới, GS. TS. Đinh Đức Trường cho rằng, cần cập nhật phương án phòng, chống thiên tai phù hợp địa giới mới, với bản đồ rủi ro đến tận thôn bản.
Về công nghệ, cần đầu tư hệ thống cảnh báo hiện đại, sử dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, truyền thông đa kênh cả ở vùng không có Internet. Về tổ chức lực lượng, cần củng cố các đội xung kích cấp xã, có tập huấn, thiết bị, và cơ chế phối hợp giữa chính quyền - quân đội - y tế - viễn thông. Đồng thời phải nâng cao năng lực cộng đồng, biến người dân từ đối tượng nhận tin thành người chủ động tham gia, phản hồi và chia sẻ cảnh báo.
![]() |
Lực lượng ứng phó tại các xã mới, với sự hỗ trợ của quân đội, công an, y tế,… cần được tổ chức theo mô hình cơ động, phối hợp nhịp nhàng, nâng cao tinh thần trách nhiệm |
Mở rộng địa bàn, vươn xa cảnh báo và cứu nạn
Khí hậu đang bước vào một chu kỳ biến đổi khó lường. Cùng lúc, bộ máy chính quyền địa phương được tổ chức lại theo hướng tinh gọn, hiệu quả, phù hợp yêu cầu phát triển mới.
Những thay đổi lớn của tự nhiên và con người giao nhau cùng một thời điểm, đặt ra yêu cầu về cảnh báo thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phải được nâng lên tầm cao mới: đủ nhanh, đủ chính xác, đủ sức vươn tới từng địa bàn mở rộng sau sáp nhập.
Không còn những bản tin nắng nóng kỷ lục trên 40 độ tại các tỉnh Bắc Trung Bộ, tháng 5, tháng 6 năm nay dường như tối sầm trong những trận mưa không ngớt ở cả miền Trung và miền Bắc. Nhiều tỉnh thành ghi nhận lượng mưa vượt kỷ lục hàng chục năm qua. Sông dâng, núi lở giữa lúc người dân vẫn còn mải làm đồng, sản xuất, chưa kịp chuẩn bị cho một mùa lũ đến sớm.
Một xã trước đây giờ trở thành một phần trong xã mới rộng gấp đôi, gấp ba. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tái cấu trúc hệ thống cảnh báo thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cho tương xứng với thực tế mới. Ở đó, các cơ quan liên quan từ trung ương đến địa phương cần thống nhất chỉ huy, hiện đại công nghệ và chủ động đến từng cấp, từng vùng, từng cụm dân cư.
Trước hết là hệ thống dự báo và cảnh báo thiên tai. Việc ứng dụng công nghệ, đặc biệt là nền tảng bản đồ số, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn cần được đẩy mạnh. Bản đồ cảnh báo nguy cơ theo thời gian thực, tích hợp nhiều lớp dữ liệu như địa hình, dân cư, cơ sở hạ tầng, điểm có nguy cơ ngập lụt, sạt lở, khu vực dễ bị cô lập, tuyến đường sơ tán,… sẽ là nền tảng cho mọi hoạt động cảnh báo, cứu nạn.
Các trung tâm dự báo khí tượng thủy văn từ cấp quốc gia đến từng tỉnh, thành phố phải tăng độ phủ của cảnh báo đến tận cụm dân cư. Đó không chỉ là những bản tin truyền thống, mà cần được số hóa, tích hợp với hệ thống dữ liệu địa phương.
Mỗi xã, mỗi khu dân cư cần được đưa vào một hệ thống cảnh báo đa kênh: từ tin nhắn SMS, ứng dụng chính quyền số, mạng xã hội đến các hệ thống phát thanh tự động theo tín hiệu cảnh báo. Hệ thống càng hiện đại, thông tin càng kịp thời thì thiệt hại trong thiên tai sẽ càng được giảm thiểu.
Trong đó, việc chuẩn hóa và đồng bộ tên gọi địa danh sau sáp nhập là rất quan trọng. Bởi khi xảy ra thiên tai, xác định đúng vị trí là yếu tố sống còn. Tên xã, thôn, tổ dân phố mới cần được cập nhật đầy đủ trên bản đồ số, hệ thống thông tin chỉ huy, dữ liệu tìm kiếm cứu nạn và cả trên biển báo ngoài thực địa. Trong giai đoạn đầu, địa danh mới có thể được chú thích kèm tên gọi cũ để dễ nhận diện cho cả lực lượng chức năng và người dân, tránh tình trạng cảnh báo phát đi nhưng địa bàn không biết.
![]() |
Chuẩn hóa và đồng bộ tên gọi địa danh sau sáp nhập là rất quan trọng. Trong giai đoạn đầu, địa danh mới có thể được chú thích kèm tên gọi cũ để dễ nhận diện (Ảnh: Gemini AI) |
Cùng với công tác dự báo, công tác tìm kiếm, cứu nạn và ứng phó khẩn cấp cũng phải được nâng tầm, từ “sẵn sàng” lên “chủ động - linh hoạt”. Khi cấp huyện không còn, cơ quan phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh cần rà soát lại lực lượng, trang thiết bị và phương án cứu hộ theo địa giới mới để có chỉ đạo xuyên suốt, thống nhất, không để trống - sót - chồng chéo trong điều phối khi địa bàn mở rộng, dân cư phân bố không đều.
Lực lượng ứng phó tại các xã mới, với sự hỗ trợ của quân đội, công an, y tế, dân quân tự vệ,… cần được tổ chức theo mô hình cơ động, phối hợp nhịp nhàng, phản ứng nhanh theo cụm: vùng có nguy cơ lũ quét, vùng dễ bị chia cắt giao thông, vùng trũng thấp dễ bị cô lập. Các cụm tác chiến gồm nhiều địa phương liền kề cũng cần được hình thành để sẵn sàng chi viện cho nhau, thay vì chỉ tập trung vào địa bàn của mình.
Trong mọi phương án hiện đại hóa, yếu tố con người vẫn là nền tảng. Từ trung ương tới xã, phường, mỗi “mắt xích” trong chuỗi ứng phó thiên tai cần chủ động, nhạy bén, được tập huấn thường xuyên về các kỹ năng xử lý tình huống, phối hợp liên ngành, biết sử dụng bản đồ số, đọc dữ liệu thời tiết, nâng cao tinh thần trách nhiệm,… để thích nghi nhanh với địa bàn mới.
Cuối cùng, truyền thông cộng đồng cũng phải được đổi mới cả về nội dung lẫn cách thức triển khai. Người dân không thể bị động chờ tin báo mà cần được trao công cụ để chủ động hành động: tìm thông tin từ đâu, cần làm gì, đi đâu, gặp ai khi có bão, lũ. Tờ rơi, loa truyền thanh, nhóm Zalo thôn bản, họp dân trực tiếp,… tất cả cần được kết hợp liên tục và hiệu quả, thường xuyên không chỉ khi có thiên tai.
Biến đổi khí hậu không còn là dự báo xa xôi mà nó đang diễn ra từng ngày. Khi thảm họa bất ngờ ập đến, không có phép màu nào ngoài sự chuẩn bị kỹ càng, không có “giờ vàng” nào nếu thiếu kịch bản hành động cụ thể.
Tuy nhiên, thiên tai dù khốc liệt đến đâu, nếu cảnh báo kịp thời, chính xác, phối hợp nhịp nhàng thì người dân và chính quyền các cấp vẫn có thể chủ động giảm thiểu thiệt hại. Nhanh một phút có thể cứu được cả vùng, đi trước một bước có thể giữ lại vẹn nguyên từng mái nhà và an toàn từng sinh mệnh.
Tác giả: Minh Hiếu
Nguồn tin: Báo VOV