Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Thung lũng mận giữa đỉnh trời Mường Lống

Ở độ cao gần 1.500m, xã Mường Lống (Nghệ An) gắn liền với cái tên “cổng trời xứ Nghệ”. Ít ai biết, vùng đất này từng là “thủ phủ hoa anh túc”. Giờ đây, thay vào đó là màu đỏ chín mọng của những vườn mận tam hoa, giúp người dân đổi đời.

 Cây mận giúp đồng bào Mường Lống thay đổi cuộc sống.

Mùa mận chín, cả thung lũng xã biên giới Mường Lống bừng lên sắc đỏ rực rỡ, quyện trong làn sương bảng lảng và tiếng nói cười của đồng bào Mông. Nhờ cây mận, nhiều hộ dân thoát nghèo, xây nhà mới, con trẻ được đến trường. Mường Lống đang từng bước chuyển mình, trở thành điểm sáng phát triển kinh tế nông nghiệp ở vùng biên xứ Nghệ.

 Về Mường Lống mùa mận chín.

Ông Vừ Tồng Pó, 55 tuổi, ở bản Mường Lống 1 cho biết: Mỗi mùa mận chín, vườn nhà ông lại đón hàng trăm lượt khách lên thăm, hái mận, chụp ảnh. “Có năm mận sai quả, tôi thu về vài chục triệu đồng”- ông Pó kể. Mùa mận chín, từng thửa đồi mận kết trái đỏ au, lấp ló giữa làn sương mỏng. Người dân tranh thủ dọn dẹp vườn tược, làm hàng rào, trang trí góc chụp ảnh, dựng vài cái lán làm chỗ nghỉ chân, tất cả để đón khách đến trải nghiệm.

 Du khách được thỏa thích trải nghiệm hái và ăn mận tại vườn.

Nói về loài cây “kinh tế - du lịch” này, ông Và Chá Xà - Chủ tịch UBND xã Mường Lống cho biết: Cây mận tam hoa rất hợp với khí hậu mát mẻ, đất đai của vùng cao nơi đây. Không chỉ là cây kinh tế, mận tam hoa đang dần trở thành “cây du lịch” của Mường Lống. Hằng năm, xã còn tổ chức “Ngày hội hái mận” kết hợp với các chương trình văn hóa dân tộc, biểu diễn khèn, múa xòe, tạo điểm nhấn cho du lịch cộng đồng. “Một số hộ còn mạnh dạn làm homestay, kết hợp bán nông sản, tổ chức trải nghiệm hái mận tại vườn. Mô hình nhỏ nhưng hiệu quả rõ rệt. Mường Lống hiện có khoảng hơn 100ha trồng mận, chủ yếu là giống tam hoa, phân bố rải rác khắp các bản” - ông Xà nói.

Tác giả: Điền Bắc

Nguồn tin: daidoanket.vn