Cây pác lừ hỗ trợ điều trị bệnh khớp
- 08:21 05-07-2025
- In ra
- Đóng cửa sổ này
![]() |
Cây pác lừ chứa hoạt chất điều trị bệnh về khớp. |
Từ đây mở ra hướng phát triển dược liệu điều trị các bệnh viêm mạn tính như viêm khớp, gout, thoái hóa khớp.
Giảm đau ngoại vi rõ rệt
Pác lừ, hay còn gọi là cây râm Trung Quốc, thuộc họ Nhài, là loài cây mọc hoang phổ biến ở các tỉnh miền núi phía Bắc và một số vùng Trung - Nam Bộ. Trong dân gian, cây thường được dùng làm tăm xỉa răng, trị nhiệt miệng, loét miệng, thậm chí có nơi dùng để hỗ trợ điều trị ung thư.
Tuy nhiên, việc sử dụng cây chủ yếu dựa trên kinh nghiệm truyền miệng. Để làm rõ cơ sở khoa học và kiểm chứng hiệu quả dược lý, nhóm nghiên cứu từ các trường đại học Y Dược Hà Nội, Thái Nguyên, Dược Hà Nội, Phenikaa và Viện Dược liệu đã tiến hành loạt thử nghiệm thực nghiệm nhằm đánh giá tác dụng giảm đau và chống viêm của cao chiết từ phần trên mặt đất cây pác lừ.
TS Nông Thị Anh Thư - Trường Đại học Y Dược, Đại học Thái Nguyên cho biết, nguyên liệu nghiên cứu là lá pác lừ được thu hái tại Thái Nguyên, sau đó rửa sạch, sấy khô, xay nhỏ và chiết bằng ethanol 70%. Dịch chiết được cô đặc thu hồi dung môi, sấy khô ở nhiệt độ 60°C dưới chân không để thu được cao thô. Hiệu suất chiết đạt khoảng 10%.
Cao chiết sau đó được pha loãng thành các nồng độ khác nhau để tiến hành thử nghiệm trên chuột nhắt và chuột cống, với liều lượng tính toán dựa trên liều dùng theo dân gian (15 g/người/ngày) và công thức ngoại suy phù hợp.
Ở mô hình gây đau quặn bằng acid acetic - mô hình phản ánh đau ngoại vi, nhóm nghiên cứu nhận thấy cao pác lừ ở liều 10,8 g/kg giúp làm giảm đáng kể số cơn đau quặn so với nhóm không điều trị. Hiệu quả này tương đương với thuốc giảm đau kinh điển aspirin liều 150 mg/kg.
Kết quả cho thấy, vào các thời điểm từ 15 - 30 phút sau khi gây đau, số cơn đau ở nhóm uống cao pác lừ giảm mạnh, đặc biệt rõ ở 25 - 30 phút (giảm từ 6,2 cơn xuống còn 4,7 cơn, p<0,05). Điều này khẳng định cao pác lừ có tác dụng giảm đau ngoại vi đáng kể.
Nhóm nghiên cứu tiếp tục đánh giá tác dụng giảm đau kiểu trung ương trên mô hình mâm nóng (hot plate) - mô hình thường dùng để kiểm tra thuốc giảm đau giống morphin. Kết quả cho thấy, mặc dù thời gian phản ứng đau (thời gian chịu nhiệt) có xu hướng kéo dài ở nhóm uống cao pác lừ, nhưng sự khác biệt không đạt mức ý nghĩa thống kê so với nhóm chứng.
Trong khi đó, nhóm dùng codein phosphat 20 mg/kg (thuốc giảm đau trung ương điển hình) cho kết quả cao hơn rõ rệt (thời gian chịu nhiệt trung bình tăng từ 15,9 lên 23,2 giây). Như vậy, cao pác lừ chủ yếu phát huy tác dụng giảm đau theo cơ chế ngoại vi.
Chống viêm cấp và mạn tính
TS Hoàng Thị Diệu Hằng - Viện Dược liệu cho biết, hai mô hình viêm được sử dụng để đánh giá tác dụng chống viêm của cao pác lừ gồm: Mô hình phù chân chuột do carrageenan (viêm cấp) và mô hình u hạt do sợi bông (viêm mạn).
Ở mô hình viêm cấp, cả hai liều 1,8 g/kg và 5,4 g/kg cao pác lừ đều giúp giảm rõ rệt mức độ phù nề bàn chân chuột tại các thời điểm 2 giờ, 4 giờ và 6 giờ sau tiêm. Mức ức chế phù đạt trên 43%, chỉ thấp hơn khoảng 5 - 10% so với nhóm dùng aspirin liều 200 mg/kg.
Ở mô hình viêm mạn, cao pác lừ giúp giảm khối lượng u hạt ướt và khô lần lượt từ 17% đến hơn 30% so với nhóm không điều trị. Hiệu quả này tương đương hoặc cao hơn cả nhóm dùng methyl prednisolon liều 10mg/kg - một loại corticoid chống viêm mạnh.
Các kết quả này cho thấy cao pác lừ không chỉ có tác dụng trong giai đoạn đầu của phản ứng viêm (giai đoạn phù), mà còn can thiệp hiệu quả vào giai đoạn tăng sinh - đặc trưng của các bệnh viêm mạn tính.
Theo TS Nông Thị Anh Thư, các nghiên cứu trước đây đã phân lập được từ lá pác lừ các hợp chất nhóm neolignan glycoside - hoạt chất có khả năng ức chế giải phóng các chất trung gian gây viêm như NO và TNF-α từ đại thực bào. Ngoài ra, cây còn chứa các glycoside có khả năng bảo vệ tế bào khỏi tổn thương oxy hóa.
Trong phản ứng viêm cấp, việc giải phóng histamin, serotonin và prostaglandin từ mô tổn thương làm giãn mạch, tăng tính thấm và gây phù nề. Trong viêm mạn, các yếu tố như collagen, nguyên bào sợi và các protein rò rỉ từ mạch máu góp phần hình thành mô hạt và u hạt. Nhờ cơ chế chống viêm kép (ức chế cả giai đoạn phù và tăng sinh), cao pác lừ thể hiện hiệu quả toàn diện trong cả viêm cấp lẫn mạn.
Dựa trên kết quả thực nghiệm, nhóm nghiên cứu nhận định rằng cao chiết từ cây pác lừ có thể trở thành dược liệu hỗ trợ điều trị các bệnh liên quan đến viêm mạn tính, đặc biệt là viêm khớp, gout, thoái hóa khớp - những bệnh phổ biến ở người cao tuổi.
Ngoài ra, hiệu quả giảm đau ngoại vi có thể giúp giảm triệu chứng trong các bệnh như đau cơ, đau khớp mà không cần dùng đến các thuốc chống viêm non-steroid (NSAIDs), vốn có nguy cơ gây loét dạ dày và tổn thương gan thận nếu dùng kéo dài.
Mặc dù kết quả ban đầu rất khả quan, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh cần tiếp tục các thử nghiệm bổ sung để xác định chính xác cơ chế tác dụng, độc tính cấp và mạn, cũng như đánh giá hiệu quả trên từng bệnh lý cụ thể.
Tác giả: Nhật Phong
Nguồn tin: giaoducthoidai.vn