Không chỉ xem ảnh năm xưa như Google Maps, bản đồ số còn cá nhân hóa
- 08:51 04-07-2025
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Những ngày gần đây, giới trẻ đang nhiệt tình hưởng ứng trào lưu “Google Maps năm xưa”: xem lại những tấm ảnh vệ tinh cũ trên ứng dụng này. Tư liệu ảnh dù không sắc nét nhưng khiến nhiều người xúc động vì chứa kỷ niệm cũ.
Một công cụ bản đồ đột nhiên trở thành “cánh cửa thời gian” để người dùng tìm lại quá khứ, thậm chí là thêm cơ hội để nhìn lại những người thân yêu trong tấm hình.
![]() |
Trào lưu "Google Maps năm xưa". Ảnh: BáoTiền Phong. |
Trước “cơn sốt” này, bà Đào Thị Hậu - Trưởng phòng Quản lý xuất bản, Nhà xuất bản Tài nguyên - Môi trường và Bản đồ Việt Nam, cho biết Nhà xuất bản có chiến lược phát triển các sản phẩm bản đồ có thể cá nhân hóa. Người dùng khi đó tương tác trực tiếp trên nền cơ sở dữ liệu bản đồ có định vị vệ tinh.
Sản phẩm này giúp người dùng không chỉ khai thác hình ảnh vệ tinh cũ mà còn thêm dữ liệu cá nhân trên nền dữ liệu gốc, thông qua một số tính năng như: thêm/xóa dữ liệu, vẽ, chú thích theo ý mình. Các dữ liệu cá nhân được thêm vào này sẽ không được công bố, chỉ phục vụ mục đích của riêng người dùng.
![]() |
Xem lại khung cảnh cũ bằng công cụ của Google Maps. Ảnh: Hùng Phi. |
Bà Phạm Lan Hương - Giám đốc Trung tâm Phát hành, Nhà xuất bản Tài nguyên - Môi trường và Bản đồ - cũng chia sẻ nhiều kế hoạch ấp ủ cho chiến lược này. Theo bà, trong tương lai, các sản phẩm bản đồ có thể kết hợp thực tế ảo và các công nghệ AI để phát triển tới mức trở thành “người dẫn tour du lịch” cho từng cá nhân.
“Sản phẩm này có thể trở thành hướng dẫn viên ảo, dẫn du khách đi theo hệ thống du lịch ảo bằng bản đồ, chứ họ chưa cần phải đến thực tế”, bà Hương nhận định.
Không chỉ vậy, người dùng cũng có thể đóng góp dữ liệu thêm cho bản đồ, tạo ra giá trị cộng đồng. Trong sản phẩm bản đồ cá nhân hóa, khi tới một điểm du lịch, người dùng có thể quay hình ảnh để gửi vào ứng dụng. “Giống Google Maps, việc này có thể tạo ra một ứng dụng cộng đồng để mỗi người đóng góp những dữ liệu của mình, làm dày thêm dữ liệu cho Việt Nam”, bà Phạm Lan Hương cho biết.
Tuy nhiên, đại diện Nhà xuất bản Tài nguyên - Môi trường và Bản đồ cho rằng để làm được điều này cần một lượng dữ liệu rất lớn, thậm chí phải phối hợp với đa bên để có dữ liệu. Hiện tại, Nhà xuất bản đang triển khai từng bước, trước hết là chuẩn bị ra mắt ứng dụng bản đồ giúp bổ sung thông tin cho bản đồ giấy. Theo bà Phạm Lan Hương, ứng dụng này có thể cài đặt trên điện thoại, người dùng mở ứng dụng và quét trên bản đồ giấy, các thông tin bổ sung sẽ hiện ngay trên màn hình điện thoại.
Ứng dụng này sẽ ra mắt trong vòng nửa tháng tới. Trong giai đoạn đầu, ứng dụng có các dữ liệu cơ bản, tuy nhiên thông tin sẽ được làm dày lên dần. Ứng dụng này có thể trở thành tiền đề để nhà xuất bản phát triển các sản phẩm bản đồ ứng dụng AR, AI trong tương lai.
Tác giả: Thụy An
Nguồn tin: znews.vn