Bộ Công an thông tin về vụ sữa giả HIUP và dầu giả OFood
- 21:14 03-07-2025
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chiều 3-7, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6-2025, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an, đã trả lời báo chí về tiến độ điều tra vụ sản xuất, buôn bán sữa giả HIUP và việc nhãn hiệu thực phẩm OFood của Công ty TNHH Sản xuất và XNK Nhật Minh Food đã biến dầu dùng cho thức ăn chăn nuôi thành dầu ăn cho người.
![]() |
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an |
Trả lời vấn đề này, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết đây là các vụ việc được phát hiện, triệt phá trong cao điểm đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Sau thời gian triển khai cao điểm, lực lượng công an tiếp tục triển khai công tác này và coi đây là nhiệm vụ, công tác thường xuyên, liên tục.
Trong tháng cao điểm, lực lượng công an đã khởi tố 124 vụ và 297 bị can liên quan sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Quá trình này, cơ quan công an nhận thấy các đối tượng có thủ đoạn phức tạp, tinh vi. Đồng thời, các đối tượng chuẩn bị rất bài bản từ thành lập công ty, nhập nguyên phụ liệu, sản xuất hàng giả và tổ chức quảng cáo để tiêu thụ sản phẩm.
Đối với vụ án sản xuất, buôn bán sữa giả HIUP, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản cho biết đến nay, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can với 10 đối tượng về 2 nhóm hành vi. Hành vi thứ nhất là vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; hành vi thứ hai là sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm.
Đối với vụ án sản phẩm OFood là vụ án buôn lậu, sản xuất dầu thực vật giả quy mô lớn, biến dầu ăn chăn nuôi thành dầu ăn cho người, rất nguy hiểm mà chưa đánh giá hết những hệ lụy liên quan sức khỏe người dùng, ông Toản cho biết cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 3 đối tượng: Đặng Thị Phương, Công ty Nhật Minh Food, về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả theo Điều 103 Bộ luật Hình sự; Nguyễn Trọng Năng, Công ty Minh Phú và Công ty An Dương về tội Buôn lậu theo Điều 188; Đỗ Thị Ngọc Mai, liên quan hoạt động của Công ty An Hưng Phước và Công ty Phước Thành, cũng về tội Buôn lậu.
Về trách nhiệm cơ quan quản lý cũng như người tham gia quảng cáo các sản phẩm như thế nào, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản cho biết, hiện 2 vụ án đang trong quá trình điều tra, trên tinh thần tập trung, khẩn trương nhưng hết sức chặt chẽ, khách quan, đúng bản chất. Cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ những sơ hở, lỗ hổng trong quy định pháp luật để có kiến nghị liên quan.
Trước đó, vào ngày 19-6, Bộ Công an cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01) đã khởi tố Hoàng Quang Thịnh, Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Z Holding; cùng La Khắc Minh, Nguyễn Văn Minh, cùng là Phó tổng giám đốc Z Holding, để điều tra tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng và Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm. C01 cũng khởi tố Trần Hải Bình, Phó tổng Giám đốc tài chính Z Holding; Hoàng Thị Hiền, Trưởng ban kế toán Z Holding và Nguyễn Quốc Vương, trưởng ban tài chính Z Holding, để điều tra tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng. Lê Văn Duyên, kinh doanh tự do; Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại và sản xuất Nature Made và Phạm Duy Tân, nguyên Giám đốc Công ty Nature Made, bị khởi tố với cáo buộc Sản xuất hàng giả là thực phẩm. Bị can Trần Xuân Chiến, Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh và Công nghệ Alama, bị khởi tố tội Buôn bán hàng giả là thực phẩm.
Cơ quan điều tra xác định các sản phẩm đều không đảm bảo thành phần và hàm lượng chất dinh dưỡng như bản đăng ký công bố sản phẩm. Như vậy, theo quy định hiện hành, các sản phẩm trên là hàng giả. |
Tác giả: Minh Chiến
Nguồn tin: Báo Người lao động