Mỗi năm có tới hơn 700 triệu côn trùng di cư bay qua bầu trời Israel
- 07:18 01-07-2025
- In ra
- Đóng cửa sổ này
![]() |
(Ảnh: The Jerusalem Post) |
Trong một nghiên cứu mang tính đột phá, các nhà khoa học tại Đại học Haifa (Israel) đã phát hiện rằng hơn mỗi năm có tới hơn 700 triệu côn trùng di cư bay qua bầu trời phía Bắc nước này.
Chúng bay theo những lộ trình có chủ đích qua một hành lang sinh thái hẹp kết nối châu Phi, châu Á và châu Âu.
Kết quả nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí khoa học Proceedings of the Royal Society B cho thấy cái nhìn hiếm hoi về hiện tượng di cư khổng lồ nhưng ít được biết đến của các loài côn trùng ở tầng không khí cao.
Nghiên cứu tập trung vào hành lang Levantine - một dải đất hẹp giữa Địa Trung Hải và sa mạc Syria, vốn được giới sinh học xem là tuyến đường di cư quan trọng của các loài chim.
Trước đây chưa có nghiên cứu nào xác nhận vai trò của khu vực này đối với các loài côn trùng nhưng qua nghiên cứu lần này, các nhà khoa học đã chứng minh rằng hành lang này cũng là "cao tốc trên không" của côn trùng, với lưu lượng lên tới hàng trăm triệu cá thể mỗi năm.
Tiến sỹ Yuval Werber, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết mỗi năm lại có một "dòng chảy khổng lồ và vô hình" của côn trùng di chuyển qua bầu trời Israel, kết nối các hệ sinh thái xuyên lục địa. Những loài côn trùng này không đơn thuần "trôi theo gió" mà chúng lựa chọn thời điểm và cách thức bay giống như chim di cư.
Trong suốt 8 năm, nhóm nghiên cứu đã sử dụng 7 radar sinh học được gắn dọc theo hành lang Levantine để theo dõi chuyển động của côn trùng. Họ ghi nhận hơn 6,3 triệu lượt bay của các loài côn trùng lớn như bướm, ngài, chuồn chuồn và bọ cánh cứng. Các radar này có khả năng phân biệt côn trùng với chim và dơi, đồng thời thu thập dữ liệu về độ cao, tần số vỗ cánh, hướng bay và nhiều thông số khác.
Kết quả cho thấy côn trùng không bay ngẫu nhiên mà có khả năng điều hướng chủ động: nhiều loài được ghi nhận bay ngược chiều gió, chọn hướng và thời điểm có điều kiện thời tiết thuận lợi như nhiệt độ ấm áp và gió xuôi.
Các nhà khoa học ước tính hơn 700 triệu côn trùng có kích thước lớn hơn ruồi nhà đã di cư qua hành lang Levantine mỗi năm. Quá trình này có tính mùa vụ rõ rệt: vào mùa Xuân (tháng 3 đến tháng 6), côn trùng chủ yếu bay về phía Bắc, có khả năng đến các khu sinh sản ở châu Âu và châu Á. Vào mùa Thu (tháng 8 đến tháng 11), chúng quay lại phương Nam để tránh rét.
Điểm đặc biệt là số lượng côn trùng di cư vào mùa Xuân cao hơn đáng kể so với mùa Thu, đi ngược lại xu hướng phổ biến ở nhiều nơi khác trên thế giới nơi côn trùng thường di cư số lượng lớn về phía Nam khi mùa Đông đến. Hiện tượng này gợi mở vai trò sinh thái đặc biệt của hành lang Levantine, đồng thời đặt ra nhiều câu hỏi mới về các tín hiệu môi trường mà côn trùng sử dụng để xác định thời gian di cư.
Các cuộc di cư của côn trùng phần lớn diễn ra ở độ cao mà con người không thể quan sát được, nhưng lại đóng vai trò quan trọng đối với hệ sinh thái toàn cầu: từ thụ phấn cho cây trồng đến phân phối chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, hiện tượng này cũng có thể góp phần lây lan sâu bệnh và dịch hại, khiến việc nghiên cứu trở nên cấp thiết trong bối cảnh quản lý môi trường và y tế cộng đồng.
Bằng cách hé lộ “cuộc sống vô hình” đang diễn ra ngay trên bầu trời, nghiên cứu này mở ra hướng đi mới trong khoa học, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc theo dõi các hệ sinh thái trên không xuyên biên giới và lục địa./.
Tác giả: Thanh Bình
Nguồn tin: vietnamplus.vn