Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bỏ cấp huyện, mỗi xã sẽ có bao nhiêu cán bộ công an?

Chiều 27/5, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng hình sự, nhiều ĐBQH quan tâm và ủng hộ việc bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn cho Trưởng, Phó Trưởng Công an xã sau khi bỏ cấp huyện.

Đề xuất thành lập cơ quan điều tra cấp khu vực

Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đoàn Đồng Tháp) cho biết, sau khi bãi bỏ công an cấp huyện, các đội điều tra hình sự cấp huyện cũng không còn, theo đó, toàn bộ nhiệm vụ điều tra được giao về cho Phòng Cảnh sát hình sự cấp tỉnh.

Theo ông Hòa, tại cấp xã, một số nơi có phân công điều tra viên nhưng chủ yếu chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ hiện trường, sau đó chuyển hồ sơ lên cấp tỉnh. Lực lượng này không thực hiện đầy đủ chức năng của một điều tra viên theo quy định. Vì vậy, ông Hòa cho rằng, việc sửa luật lần này để bố trí Trưởng hoặc Phó Công an xã làm điều tra viên là rất cần thiết.

Tuy nhiên, ông Hòa cho rằng, việc chỉ bố trí một Trưởng hoặc một Phó làm Điều tra viên thì không đủ sức đảm đương nhiệm vụ. Bởi hoạt động điều tra hình sự rất phức tạp, khó lường, có khi xảy ra hàng loạt vụ việc cùng lúc. Do đó, đại biểu kiến nghị cần xem xét bố trí thêm ít nhất một Trưởng và một Phó làm điều tra viên ở mỗi xã.

 Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đoàn Đồng Tháp). Ảnh: Media Quốc hội


Đại biểu đoàn Đồng Tháp nêu thực tế, hiện nay, để khởi tố vụ án hay khởi tố bị can, hồ sơ phải được chuyển lên công an tỉnh để Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra ký duyệt, sau đó chuyển sang Viện Kiểm sát để phê chuẩn. Quy trình này rất mất thời gian và tốn công sức.

"Mỗi xã có sự việc xảy ra đem tới công an tỉnh, ví dụ Đồng Tháp nhập với Tiền Giang, thủ phủ ở Mỹ Tho, công an tỉnh sẽ đóng ở Mỹ Tho nên khi có vụ việc xảy ra, đi hàng trăm cây số mới đến công an tỉnh để phê duyệt hồ sơ. Sự việc xảy ra đã xong, hiện trường đã thay đổi, khi phê duyệt hồ sơ để bắt tạm giam tội phạm thì tội phạm nguy cơ bỏ trốn", ông Hoà nói.

Trước những yêu cầu thực tiễn, đại biểu đoàn Đồng Tháp cũng đề xuất, thay vì chỉ tăng cường điều tra viên ở cấp xã, nên thành lập cơ quan điều tra cấp khu vực. Mô hình này sẽ bảo đảm tính tương thích với các cơ quan truy tố, xét xử, vừa không cần nhiều biên chế, vừa thuận tiện cho hoạt động phối hợp giữa điều tra, kiểm sát và xét xử.

Do đó, ông Hoà nhấn mạnh đề xuất nên thành lập cơ quan điều tra cấp khu vực, biên chế tinh gọn, đảm nhiệm toàn bộ nhiệm vụ điều tra trong khu vực, vừa giúp giảm tải cho Công an xã, vừa bảo đảm sự phối hợp nhịp nhàng với Viện Kiểm sát và Tòa án.

"Thực tế hiện nay, giao nhiệm vụ điều tra cho Trưởng hoặc Phó Công an xã, đồng thời kiêm cả vai trò Thủ trưởng cơ quan điều tra, là một gánh nặng rất lớn. Trong khi trước đây, cấp huyện có 15 điều tra viên, có cả Thủ trưởng và Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra. Nay chỉ còn một người, dù có sự hỗ trợ của các công an viên, nhưng với khối lượng công việc và tính chất pháp lý nghiêm ngặt của tố tụng, thì việc này là rất khó khăn. Nếu không làm đúng quy trình, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của bị can và người bị hại", ông Hòa nhấn mạnh.

Giao thẩm quyền phải đi kèm với tiêu chuẩn năng lực

Cũng ủng hộ chủ trương tăng cường năng lực cho cấp cơ sở, đại biểu Nguyễn Thị Lệ (Đoàn TP.HCM) cho rằng, việc bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn cho Điều tra viên là Trưởng, Phó Trưởng Công an cấp xã là phù hợp với định hướng này, góp phần đảm bảo xử lý kịp thời các vụ việc.

Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả và tính pháp chế, đại biểu đề nghị cần rà soát kỹ và quy định cụ thể, chặt chẽ về thẩm quyền của lực lượng này, sao cho phù hợp với năng lực thực tế của Công an cấp xã, đồng thời đảm bảo hiệu quả thực chất trong công tác phòng, chống tội phạm.

Theo bà Lệ, việc giao thêm thẩm quyền phải đi kèm với yêu cầu rõ ràng về tiêu chuẩn năng lực, trình độ chuyên môn và pháp lý tối thiểu đối với điều tra viên. Không chỉ là việc bố trí cán bộ từ cấp tỉnh, mà cần có chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu, đặc biệt là các kỹ năng điều tra, thu thập và đánh giá chứng cứ.

 Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (Đoàn TP.HCM). Ảnh: Media Quốc hội


Bên cạnh đó, cần đặc biệt chú trọng đến cơ chế kiểm soát quyền lực. Bộ luật Tố tụng Hình sự cần quy định rõ trách nhiệm kiểm tra, giám sát trực tiếp, thường xuyên của Thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh và Viện trưởng Viện Kiểm sát có thẩm quyền đối với hoạt động khởi tố, điều tra ở cấp xã. Cần có cơ chế chỉ đạo nghiệp vụ và quy định trách nhiệm liên đới để phòng ngừa sai phạm.

"Việc đảm bảo đầy đủ nguồn lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dụng và kinh phí hoạt động cho công an cấp xã để họ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới là điều kiện tiên quyết. Có lẽ nên cân nhắc một lộ trình, triển khai thận trọng, có thể thí điểm ở một số địa bàn, sau đó có điều kiện trước khi áp dụng rộng rãi", đại biểu Lệ nêu ý kiến.

Mỗi xã sẽ có bao nhiêu cán bộ công an?

Giải trình, tiếp thu ý kiến các ĐBQH nêu, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu nghiêm túc 50 ý kiến tại thảo luận tổ và 5 ý kiến phát biểu tại hội trường.

Theo ông Tiến, dự thảo luật nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn cấp bách, đặc biệt là việc tổ chức lại chính quyền địa phương 2 cấp và khi không còn cơ quan điều tra công an cấp huyện; tổ chức lại Viện kiểm sát và Tòa án ở 3 cấp, kết thúc hoạt động của Tòa án, Viện kiểm sát cấp huyện; thành lập Tòa án, Viện kiểm sát cấp khu vực cũng như kết thúc hoạt động của Tòa án, Viện sát tối cao.

Về việc bổ sung thẩm quyền, nghĩa vụ, quyền hạn của điều tra viên trung cấp trở lên được bố trí là Trưởng hoặc Phó trưởng công an cấp xã, ông Tiến cho rằng, thực tiễn đang đặt ra những vấn đề hết sức vướng mắc và việc bổ sung này rất cần thiết, nhất là sau khi kết thúc hoạt động công an điều tra cấp huyện.

 Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) tối cao Nguyễn Huy Tiến giải trình ý kiến các đại biểu nêu. Ảnh: Media Quốc hội



"Các đại biểu bày tỏ ý kiến lo lắng, tôi cho là rất đúng vì lần đầu tiên chúng ta tổ chức lực lượng điều tra ở cấp xã. Trước đây giao cho công an cấp xã làm một số nhiệm vụ nhưng chưa phải thực hiện nhiệm vụ điều tra. Hiện nay đã bổ sung nhiệm vụ này nhưng phải trên tinh thần đảm bảo yêu cầu liên quan đến quyền con người. Việc xử lý hình sự là biện pháp cuối cùng nên các trình tự, thủ tục phải hết sức chặt chẽ", Viện trưởng VKSND tối cao nói.

Đồng tình với ý kiến đại biểu về việc phải tăng cường năng lực cho lực lượng công an xã khi giao thẩm quyền điều tra, khởi tố các vụ án, ông Tiến cho biết, lực lượng điều tra viên ở công an xã tới đây được tăng cường từ cấp tỉnh, cấp huyện.

"Theo báo cáo của Bộ Công an, mỗi xã sẽ có 30 - 40 cán bộ công an, thậm chí ở địa bàn đặc biệt Hà Nội, TP.HCM có thể có 50 - 60 cán bộ công an. Số lượng điều tra viên tương ứng từ 6 - 7 hoặc 8 - 10 điều tra viên", ông Tiến cho biết.

Theo Viện trưởng Viện KSND tối cao, dự thảo luật chỉ quy định điều tra viên trung cấp trở lên là phó, trưởng công an xã được thực hiện một số thẩm quyền do thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh ủy quyền trực tiếp thông qua luật.

"Trưởng hoặc Phó trưởng công an được chỉ huy điều tra viên ở công an xã, chứ không phải ở xã chỉ có 1 điều tra viên", ông Tiến nói.

 Tác giả: Lê Hoàng

Nguồn tin: VOV.VN