Mở đường xuyên rừng, “phá vùng biệt lập” cho người Đan Lai ở Nghệ An
- 10:05 24-05-2025
- In ra
- Đóng cửa sổ này
![]() |
|
Dự án thay đổi cuộc sống cho người Đan Lai trong rừng sâu
Đan Lai là dân tộc ít người, sinh sống chủ yếu ở trong vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát (huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An), giáp biên giới Việt – Lào. Trước đây, do tách biệt với bên ngoài, sống bám vào rừng, đói nghèo bủa vây, hôn nhân cận huyết thống kéo dài nhiều năm,… khiến tộc người Đan Lai đứng trước nguy cơ suy vong giống nòi.
![]() |
Người Đan Lai sống biệt lập trong rừng sâu, đói nghèo bủa vây. |
Ðể người Ðan Lai hòa nhập với cộng đồng, tỉnh Nghệ An đã thực hiện đề án "giải cứu" nhằm đưa họ ra khỏi rừng sâu. Cuộc di cư lịch sử bắt đầu từ năm 2001, khi chính quyền, cùng hệ thống chính trị các cấp huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An đã vào rừng tuyên truyền, vận động để đưa 36 hộ dân đầu tiên ra định cư tại hai bản Tân Sơn và Cửa Rào, thuộc xã Môn Sơn, huyện Con Cuông.
Đặc biệt, vào năm 2006, Chính phủ phê duyệt Ðề án bảo tồn, phát triển bền vững tộc người Ðan Lai tại vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát. Thời điểm này, chính quyền cùng các lực lượng chức năng đã tiếp tục vận động, nỗ lực di dời thêm 42 hộ dân trong rừng sâu ra khu tái định cư.
Hiện nay vẫn còn rất nhiều người Đan Lai tiếp tục bám trụ ở trong rừng, đặc biệt là hai bản Cò Phạt và bản Búng, thuộc xã Môn Sơn. Những hộ dân còn lại chưa ra khỏi rừng đã được Nhà nước tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng để ổn định cuộc sống, như: điện lưới quốc gia và hệ thống thủy lợi, nước sinh hoạt, phủ sóng điện thoại, làm cầu, mở đường từ trung tâm xã Môn Sơn vào bản Cò Phạt và bản Búng,… nhằm mục đích "phá thế cô lập" của dân tộc này với thế giới bên ngoài.
![]() |
Để đi vào các bản của người Đan Lai, ngoài đường sông chỉ có con đường mòn nhỏ. Tuy nhiên, nếu thời tiết xấu thì rất khó để di chuyển. |
Trong đó, dự án Nâng cấp tuyến đường từ trung tâm xã Môn Sơn đi bản Khe Búng được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt tại Quyết định số 1324/QĐ-UBND ngày 15/05/2023 cũng nhằm mục đích trên.
Dự án có chiều dài tuyến thiết kế 18,743km và tổng mức đầu tư hơn 62 tỷ đồng. Quy mô đường giao thông nông thôn cấp B miền núi, nền đường rộng 4,0m, mặt đường bê tông xi măng rộng 3,0m. Dự án được chia thành 2 gói thầu xây lắp cho các đoạn tuyến như sau: Gói thầu xây lắp số 01 cho đoạn tuyến từ KM0+00- Km12+600; Gói thầu số 02 cho đoạn tuyến từ Km12+600 – Km18+743.
![]() |
Dự án được kỳ vọng sẽ kết nối người dân với bên ngoài, tạo tiền đề phát triển kinh tế. |
Theo ông Lô Văn Thao, Chủ tịch UBND huyện Con Cuông, hai bản thuần người Đan Lai là Cò Phạt và bản Búng có gần 250 hộ dân, với trên 1.000 nhân khẩu. Trước đây, có một con đường nhỏ từ trung tâm xã xuyên rừng vào hai bản này. Tuy nhiên, sau nhiều đợt mưa lũ, đường đi đã bị gãy, lở nên việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là những ngày mưa thì chỉ có đi thuyền là tối ưu nhất.
Vì vậy, dự án nâng cấp đường được kỳ vọng sẽ tăng cường phát triển kết cấu hạ tầng giao thông miền núi, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội cho người Đan Lai tại huyện Con Cuông và đặc biệt là đảm bảo an ninh - quốc phòng trong khu vực. Ngoài ra, mục đích nâng cấp tuyến đường từ trung tâm xã Môn Sơn đi bản Khe Búng nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, giáo viên, học sinh... được lưu thông thông suốt, quan trọng nhất là công tác cứu hộ, cứu nạn trong mùa mưa bão.
Nhiều khó khăn, vướng mắc khi triển khai dự án
Theo báo cáo của UBND huyện Con Cuông, toàn bộ dự án đã được bố trí 100% kế hoạch vốn từ nguồn Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đến nay, dự án đã giải ngân gần 30 tỷ đồng, đạt 47,74%.
Hiện nay nhà thầu đang thi công gói thầu số 02, đoạn tuyến từ Km12+600 đến Km18+743,51 với chiều dài hơn 6,1km. Đến nay, đoạn tuyến này đã hoàn thành khoảng 98% khối lượng.
![]() |
Hiện nay chỉ mới có 1 gói thầu triển khai thi công, gói còn lại chủ đầu tư đang xin điều chỉnh. |
Tuy nhiên, đối với gói thầu số 01, đoạn tuyến còn lại từ Km0+00 đến Km12+600 chưa triển khai thực hiện, do UBND huyện Con Cuông xin chủ trương điều chỉnh dự án cho phù hợp với thực tế, bởi tuyến này có nhiều điểm phải hạ độ cao, ảnh hưởng đến đất rừng.
Cụ thể, huyện Con Cuông đề xuất cho phép cắt giảm đoạn tuyến từ Km0+00–Km12+600, với chiều dài 3,6km và các công trình trên tuyến thuộc đoạn tuyến này.
Hiện trạng đoạn tuyến đề xuất cắt giảm vẫn bảo đảm đi lại cho người dân, UBND huyện sẽ lập dự án mới thực hiện đoạn tuyến này khi huy động được nguồn lực khác. Dự án sau khi điều chỉnh không làm thay đổi địa điểm, mục tiêu, hiệu quả và tổng mức đầu tư của dự án đã được phê duyệt.
Để dự án tiếp tục được triển khai, UBND huyện Con Cuông đề nghị các Sở: Xây dựng, Tài chính xem xét, cho ý kiến về chủ trương điều chỉnh dự án Nâng cấp tuyến đường từ trung tâm xã Môn Sơn đi bản Khe Búng để UBND huyện Con Cuông có cơ sở triển khai thực hiện các bước tiếp theo.
![]() |
Có mặt tại dự án, ông Phùng Thành Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - đề nghị chủ đầu tư giữ nguyên kế hoạch ban đầu. Ảnh Kim Oanh. |
Về việc này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Phùng Thành Vinh cho rằng, đề xuất điều chỉnh dự án đoạn từ Km0+00 đến Km12+600 của huyện Con Cuông là không phù hợp.
Đưa ra giải pháp tập trung nguồn lực để thông tuyến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị huyện Con Cuông cần giữ nguyên dự án như ban đầu và triển khai ngay việc đào đắp hạ độ cao ở những đoạn cần thiết, đảm bảo thông suốt tuyến đường; khẩn trương lập phương án trình tỉnh phê duyệt triển khai ngay đoạn tuyến còn lại, để tiến hành thi công sớm phần dự án chưa hoàn thành.
Tác giả: Nguyễn Anh Ngọc
Nguồn tin: nguoiduatin.vn