Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nghệ An: Niềm vui và nỗi lo sạt lở tại dốc đường nối Quỳ Hợp – Tân Kỳ

Đoạn dốc Phi Lửa của tuyến đường nối 2 huyện Quỳ Hợp với Tân Hợp - Tân Kỳ (Nghệ An) vừa chính thức thông xe tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đá nghiêm trọng, đặc biệt trong mùa mưa bão đang cận kề.

Kỳ tích nối liền 2 huyện miền núi cách biệt

Dự án đường giao thông từ bản Choọng – bản Bồn, xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp đến xã Tân Hợp, huyện Tân Kỳ được khởi công từ tháng 3/2022. Với tổng chiều dài hơn 13km và tổng mức đầu tư trên 70 tỷ đồng, con đường này được xem là một công trình trọng điểm, rút ngắn quãng đường di chuyển giữa 2 huyện miền núi từ 35-40 km xuống chỉ còn hơn 10 km.

Công trình được kỳ vọng sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho giao thương, vận chuyển nông sản, mở rộng vùng keo nguyên liệu, và kết nối du lịch sinh thái, đặc biệt cho đồng bào dân tộc thiểu số và các xã vùng Tây Nam Quỳ Hợp như Châu Lý, Châu Cường, Châu Thái, Châu Quang.

 Tuyến đường kết nối huyện Quỳ Hợp và huyện Tân Kỳ giúp rút ngắn đáng kể quãng đường di chuyển, tạo thuận lợi cho người dân hai địa phương

Được biết, dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Quỳ Hợp làm chủ đầu tư và Công ty Cổ phần Xây dựng Hạ tầng Đại Phong đảm nhiệm toàn bộ phần thi công. Sau hơn hai năm triển khai, tuyến đường đã hoàn tất việc rải nhựa và chính thức thông tuyến để đưa vào sử dụng.

Ngày 20/5 vừa qua, chia sẻ với Đời sống và Pháp luật, anh Vũ Điện Quang, ký sư phụ trách công trình của đơn vị thi công thông tin: "Việc thi công đoạn dốc này gặp rất nhiều khó khăn do địa hình núi đá hiểm trở. Để xẻ núi, hạ độ cao hơn 12m qua đỉnh, đơn vị đã sử dụng đến 18 tấn mìn phá đá trong gần 2 năm thi công liên tục. Đến nay, tuyến đường đã được khai thông, các hạng mục phụ trợ như mái ta-luy, rải nhựa, hộ lan, mương thoát nước đang được hoàn thiện".

 Với địa hình hiểm trở, đơn vị thi công đã phải sử dụng 18 tấn mìn nổ để phá núi, tạo mặt bằng và mở tuyến đường

Sáng cùng ngày, tại đoạn đường xuyên núi nối hai huyện Quỳ Hợp và Tân Kỳ, phóng viên ghi nhận nhiều người dân đã di chuyển qua chân dốc Phi Lửa. Tuyến đường mới đi vào hoạt động không chỉ giúp việc đi lại thuận tiện hơn mà còn rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển.

Chủ tịch UBND xã Tân Hợp, huyện Tân Kỳ Nguyễn Thị Khuyên cũng xác nhận: "Trước đây, để di chuyển sang khu vực bên kia núi, người dân phải mất nhiều giờ trên những cung đường vòng vèo, khó đi. Tuy nhiên, giờ đây khi có tuyến đường kết nối, việc đi lại trở nên nhanh chóng và thuận tiện hơn. Điều này không chỉ hỗ trợ lao động, sản xuất mà còn thúc đẩy giao thương giữa hai huyện Tân Kỳ và Quỳ Hợp. Dự án được huyện Quỳ Hợp làm chủ đầu tư, trong khi huyện Tân Kỳ chỉ đóng vai trò hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Trong suốt quá trình xây dựng, người dân và chính quyền xã Tân Hợp luôn đồng tình, ủng hộ và háo hức chờ ngày tuyến đường chính thức thông xe".

Nguy cơ biến thành "điểm đen" mất an toàn cần gia cố

Mặc dù mang lại lợi ích to lớn, khu vực dốc Phi Lửa thuộc xã Châu Lý khi được thông xuyên xúi sẽ có nguy cơ gây mất an toàn. Địa hình đặc trưng là núi đá cao, độ dốc lớn buộc đơn vị thi công phải cắt sâu vào chân núi, tạo ra những vách đá dựng đứng. Ngay sau khi thông xe, hiện tượng đá lớn lăn xuống mặt đường đã được ghi nhận.

Tại đỉnh dốc Phi Lửa, PV ghi nhận có không ít những viên đá rơi từ độ cao hàng chục mét xuống lòng đường. Đáng lo ngại hơn, một số khối đá nằm cheo leo trên vách núi, tiềm ẩn nguy cơ trượt xuống bất cứ lúc nào chỉ với tác động nhỏ từ thời tiết, như mưa lớn hoặc rung chấn.

 Bên cạnh niềm vui là nỗi lo về sạt lở của người dân thường xuyên di chuyển qua tuyến đường mới này

Anh Vi Văn Thuận, người dân bản Bồn, xã Châu Lý, bày tỏ lo lắng: "Trước đây đường rừng hiểm trở, nay có đường mới ai cũng mừng, nhưng đi qua dốc Phi Lửa cũng mang tâm trạng bất an, lo sợ vì đá rơi xuống. Chúng tôi lo mùa mưa tới sẽ xảy ra sạt lở".

Điều đáng nói, tại khu vực nguy hiểm này, các hạng mục phòng hộ như rào chắn đá, lưới chắn hay biện pháp gia cố taluy dương vẫn chưa được triển khai. Đại diện đơn vị thi công cho biết, thiết kế ban đầu không bao gồm các hạng mục rào chắn đá hay phun vữa bảo vệ vách núi.

 Đơn vị thi công đang hoàn thiện hệ thống mương xây bên cạnh những viên đá rơi xuống do sạt lở

"Một công trình giao thông dù có ý nghĩa kinh tế – xã hội, nếu tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, vẫn là mối lo thường trực đối với người dân sinh sống và di chuyển qua đây. Để đảm bảo an toàn lâu dài, người dân mong muốn chủ đầu tư có kế hoạch bổ sung thêm các giải pháp bổ sung, giúp họ yên tâm hơn khi lưu thông trên tuyến đường này", bà Nguyễn Thị Khuyên, Chủ tịch UBND xã Tân Hợp, huyện Tân Kỳ nói thêm.

Tác giả: Phan Huy - Hà Thủy

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn