Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bộ Tài chính lên tiếng việc trụ sở dôi dư, ‘bỏ hoang’ của tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Nghệ An

Trước phản ánh của báo giới về loạt trụ sở cấp xã, huyện bỏ hoang, liên quan đến trụ sở dôi dư tại tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, ngày 20/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã ký Công văn số 567/BTC-QLCS báo cáo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cụ thể vấn đề này.

 Khắc phục tình trạng trụ sở bỏ hoang sau khi sáp nhập. Ảnh minh họa: Thế Đoàn

Bộ Tài chính đã có Văn bản đề nghị Sở Tài chính tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với các cơ quan có liên quan báo cáo Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh khẩn trương xử lý các cơ sở nhà, đất dôi dư theo quy định quản lý, sử dụng tài sản công, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 125/CĐ-TTg ngày 01/12/2024, Công văn số 91/VPCP-KHTH ngày 4/1/2025 và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính; đồng thời đề nghị Sở Tài chính báo cáo cụ thể những vướng mắc về Bộ Tài chính để phối hợp xử lý.

Bộ Tài chính đã giao lãnh đạo Cục Quản lý công sản trao đổi trực tiếp với lãnh đạo Sở Tài chính các địa phương và được biết, các nội dung đang gây xôn xao dư luận vừa qua là vấn đề thực tế phát sinh, vướng mắc trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 1(giai đoạn 2019 - 2021).

Sau giai đoạn này, trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế của các địa phương, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật đã được điều chỉnh, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cũng đã có các văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn để giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn.

“Theo báo cáo của 3 địa phương trên khi thực hiện Công điện số 125 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đến nay không còn các vấn đề vướng mắc liên quan đến pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công để sắp xếp, xử lý nhà, đất khi sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy. Các vấn đề còn vướng mắc hiện nay dẫn đến việc xử lý nhà, đất dôi dư còn chậm tập trung vào: Việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và các quy hoạch có liên quan còn chậm; công tác rà soát, cập nhật quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và các quy hoạch có liên quan khác phải điều chỉnh theo từng thời kỳ quy định của pháp luật chuyên ngành; số lượng cơ sở dôi dư phát sinh lớn; các cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa quyết liệt trong tổ chức triển khai…”, đại diện Bộ Tài chính giải trình.

Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh xây dựng, ban hành Kế hoạch xử lý đối với tài sản công là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý để quyết định xử lý và tổ chức xử lý, không để lãng phí, thất thoát tài sản công.

Theo đó, xác định cụ thể tiến độ (thời gian) thực hiện từng khâu và trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, cá nhân có liên quan; thường xuyên cập nhật các cơ sở nhà, đất không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích phát sinh mới để bổ sung vào Kế hoạch; giao các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch, kịp thời xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm trong việc xử lý nhà, đất không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích….

“Đến nay đã có đầy đủ các văn bản hướng dẫn triển khai việc sắp xếp, bố trí, xử lý nhà, đất tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo quy định. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công để thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; đồng thời, theo dõi sát sao tình hình để đôn đốc, hướng dẫn theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền hướng dẫn bổ sung để giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.

Theo Bộ Tài chính, về việc hoàn thiện các quy định của pháp luật, Quốc hội Khóa XV đã ban hành Luật Đất đai năm 2024, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ Quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật số 56/2024/QH15); Chính phủ đã ban hành Nghị định số 114/2024/NĐ-CP ngày 15/9/2024, Nghị định số 03/2025/NĐ-CP ngày 1/1/2025, Nghị định số 50/2025/NĐ-CP ngày 28/2/2025.

Trong đó quy định, trường hợp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là tài sản công thuộc các trường hợp thu hồi đất theo quy định về đất đai thì không phải thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo quy định về quản lý, sử dụng tài sản công. Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và xử lý đất, tài sản gắn liền với đất được thực hiện theo pháp luật về đất đai; không áp dụng hình thức bán đối với tài sản công là nhà, đất theo quy định về quản lý, sử dụng tài sản công mà thống nhất thực hiện giao đất, cho thuê đất theo pháp luật về đất đai; người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất có trách nhiệm hoàn trả giá trị (nếu còn) của tài sản gắn liền với đất được giao, được thuê.

Giao tổ chức phát triển quỹ đất quản lý, khai thác đối với đất chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý, thu hồi do sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định về quản lý, sử dụng tài sản công, trừ trường hợp nhà, đất đó được xử lý theo hình thức điều chuyển hoặc bố trí sử dụng vào mục đích của Nhà nước theo quy định về quản lý, sử dụng tài sản công; giao tổ chức quản lý kinh doanh nhà địa phương bảo vệ, bảo quản, quản lý, khai thác quỹ nhà, đất là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở (quỹ nhà chuyên dùng) tại địa phương; đa dạng hóa hình thức xử lý nhà, đất là tài sản công; tăng cường phân cấp thẩm quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong xử lý tài sản công.

Với những sự điều chỉnh nêu trên, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật về đất đai hiện hành đã phân định cụ thể việc áp dụng pháp luật trong sắp xếp lại, xử lý nhà, đất; thống nhất chủ thể chịu trách nhiệm tổ chức xử lý nhà, đất; phân định thẩm quyền, trách nhiệm trong xử lý tài sản công…

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, bên cạnh việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật như trên, thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ, Đảng ủy Bộ Tài chính, Bộ Tài chính đã có nhiều giải pháp tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo, điều hành liên quan đến vấn đề này.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 40/CT-TTg ngày 24/10/2024 về tăng cường quản lý tài sản công tại các tổ chức hội, Chỉ thị số 47 về việc quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng, xử lý nhà, đất tại doanh nghiệp Nhà nước, Công điện số 125 về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…

Tác giả: Minh Phương

Nguồn tin: Báo Tin tức