Nghệ An làm theo lời Bác dặn trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
- 14:06 18-05-2025
- In ra
- Đóng cửa sổ này
![]() |
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh phát biểu tại hội thảo Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí. Ảnh: TTXVN phát |
Nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí minh, phóng viên TTXVN phỏng vấn Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh về thực hành tiết kiệm chống lãng phí từ công cuộc sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Thực tiễn hơn 7 năm triển khai Nghị quyết số 18 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tỉnh Nghệ An đã đạt được những kết quả nào, thưa ông?
Nghệ An là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước, dân số đứng thứ tư. Số lượng đơn vị hành chính lớn. Trước đây, tỉnh có 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 480 đơn vị hành chính cấp xã. Đảng bộ, Chính quyền tỉnh Nghệ An đã chủ động và đặt mục tiêu chấn chỉnh, tổ chức nâng cao hiệu suất công tác, năng suất lao động phù hợp với từng thời kỳ, từng giai đoạn của đất nước. Giai đoạn 2017-2024, toàn tỉnh đã giảm 46 đầu mối hành chính cấp tỉnh, cấp huyện; 234 đơn vị sự nghiệp công lập; 7 cấp phó tại sở, ban, ngành và 69 phó phòng. Tổng số biên chế tinh giản khối chính quyền là 10.842 người, đạt tỷ lệ 16,43% so với năm 2017.
Sau tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW, công cuộc tinh giản tiếp tục đẩy mạnh. Cấp tỉnh giảm 1 ban Đảng, 2 phòng chuyên môn, 1 Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ. Kết thúc hoạt động 2 đảng bộ, các đảng đoàn, ban cán sự đảng. Khối đoàn thể giảm 1 ban, 4 công đoàn ngành, 1 đơn vị sự nghiệp. Khối chính quyền giảm 6 sở, 1 đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh, 31 phòng, ban, chi cục và 10 đơn vị sự nghiệp cấp sở. Cấp huyện giảm 49 phòng chuyên môn và 48 đơn vị sự nghiệp. Dự kiến, toàn tỉnh tiếp tục tinh giản thêm 76 cán bộ, công chức, viên chức. Ngoài chỉ đạo của Trung ương, tỉnh chủ động hợp nhất Sở Văn hóa và Thể thao với Sở Du lịch; kết thúc hoạt động Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch (đang xin ý kiến Chính phủ).
Thưa ông, hiệu quả của việc tinh gọn bộ máy đã giúp Nghệ An có nguồn lực để đầu tư phát triển như thế nào?
Đến thời điểm này, Nghệ An đã tinh giản hàng nghìn biên chế, sáp nhập hàng trăm đơn vị hành chính. Thông qua sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Nghệ An đã tiết kiệm gần 500 tỷ đồng từ việc tăng mức tự đảm bảo chi thường xuyên trong lĩnh vực sự nghiệp y tế; giảm gần 100 tỷ đồng chi thường xuyên mỗi năm; 100% cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện cơ chế tự chủ tài chính. Qua đó, Nghệ An không chỉ giảm bớt gánh nặng ngân sách mà còn góp phần nâng cao hiệu quả, tránh lãng phí trong việc sử dụng nguồn lực của nhà nước.
Tuy nhiên, thành tựu lớn hơn, sâu sắc hơn, chính là sự thay đổi trong tư duy quản lý và vận hành hệ thống. Từ chỗ coi biên chế như “chỉ tiêu được giữ” thành ý thức “biên chế là nguồn lực quý báu” phải được phân bổ đúng người, đúng việc; đẩy mạnh mua sắm tập trung, số hóa quản lý tài sản công; siết chặt kiểm soát đầu tư công; rà soát gần 350 cơ sở nhà đất công; thu hồi, tái sử dụng hiệu quả hơn 90% trụ sở dôi dư sau sáp nhập xã, khối, xóm và đơn vị sự nghiệp.
Từ thực tế trên cho thấy việc tinh gọn bộ máy đã phát huy được hiệu quả, tăng năng suất làm việc của 1 người bằng 2-3 người. Đồng thời, Nghệ An cũng rút ngắn tối thiểu 40% thời gian giải quyết các thủ tục liên quan đến người dân, doanh nghiệp.
Ông có thể chia sẻ những bài học gì của Nghệ An từ việc tinh gọn bộ máy gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí?
Hơn 7 năm triển khai tinh gọn bộ máy gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tỉnh Nghệ An nhận thấy, quá trình tổ chức triển khai, thực hiện phải bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cấp ủy; đặc biệt là phải phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Tinh gọn bộ máy không phải là cắt giảm máy móc, cơ học mà là tổ chức lại để phục vụ nhân dân hiệu quả hơn. Thực hành tiết kiệm phải có mục tiêu rõ ràng và cơ chế khuyến khích cụ thể. Ở Nghệ An, đã từng bước xây dựng hệ thống đánh giá “giá trị trên đầu chi ngân sách” đối với từng chương trình, từng đơn vị.
Cải cách bộ máy phải đi đôi với cải cách thủ tục hành chính và đổi mới phương thức lãnh đạo. Và một bài học sâu sắc nhất là tiết kiệm không phải là bớt chi tiêu một cách cực đoan, mà là tập trung chi cho đúng chỗ, đúng việc, đúng mục tiêu, đúng chiến lược. Thực tiễn ở Nghệ An cho thấy, những dự án, công trình không thật sự cần thiết đều mạnh dạn cắt bỏ để tập trung nguồn lực đầu tư công cho những lĩnh vực thiết yếu, tập trung phục vụ đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể trong năm 2024, toàn tỉnh đã thẩm định 1.832 dự án; sau thẩm định cắt giảm 364,43 tỷ đồng.
Trong thời gian tới để thực hiện hiệu quả các chủ trương lớn về tinh gọn bộ máy, bỏ cấp huyện, thị, thành phố, sáp nhập các đơn vị xã, phường theo mô hình hai cấp… Nghệ An cần thực hiện những nhiệm vụ nào để phát huy hơn nữa công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị thưa ông?
Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An luôn xác định thực hành tiết kiệm, chống lãng phí không chỉ là chuẩn mực đạo đức cách mạng mà còn là nhiệm vụ chính trị. Từ đó, chủ động triển khai thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Nghệ An sẽ nghiên cứu xây dựng Bộ Chỉ số Quốc gia về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cấp địa phương. Tỉnh cũng đề nghị Trung ương cho phép địa phương giữ lại một phần nguồn tiết kiệm để tái đầu tư cho cải cách hành chính, chuyển đổi số và nâng cao năng lực cán bộ và đề nghị ban hành cơ chế, chính sách riêng để giải quyết đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dôi dư sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính. Khuyến khích thí điểm mô hình quản trị công khai, minh bạch gắn với dữ liệu mở. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đề nghị trung ương chuyển dần thước đo quản trị địa phương từ tiêu chí “chi bao nhiêu” sang tiêu chí “sinh ra bao nhiêu giá trị” và cần đánh giá kết quả phát triển địa phương dựa trên hiệu quả chi tiêu công, tác động thực tế của chính sách, mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Qua đó, góp phần giúp Nghệ An thuận lợi hơn trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, giảm từ 412 xuống 130 đơn vị (tỷ lệ 68,45%). Với quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao nhất, Nghệ An cam kết tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp cải cách bộ máy Nhà nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, góp phần sớm đưa “Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc” như sinh thời Bác Hồ từng căn dặn.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn tin: baotintuc.vn