Cục Lãnh sự nói về chi phí, hành trình đưa 471 công dân Việt Nam từ Myanmar về nước
- 21:34 17-05-2025
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngày 14-5, nhóm công dân thứ ba rời thị trấn Myawaddy (Myanmar), qua Thái Lan và về đến Việt Nam an toàn, nâng tổng số công dân được bảo hộ và đưa về nước lên 471 người. Đây là kết quả của đợt triển khai quy mô lớn do Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành và cơ quan đại diện Việt Nam ở Myanmar và Thái Lan.
![]() |
Ông Lương Thanh Quảng, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao |
Ông Lương Thanh Quảng, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, cho biết thị trấn Myawaddy, bang Karren, phía Đông Nam Myanmar, là khu vực nổi tiếng với các tụ điểm cờ bạc, cá độ và hoạt động phi pháp. Tháng 3-2025, lực lượng chức năng Myanmar phối hợp cảnh sát Thái Lan và các nước liên quan mở nhiều đợt truy quét các cơ sở cờ bạc trực tuyến, phát hiện hàng chục ngàn người nước ngoài cư trú bất hợp pháp. Trong số đó có hàng trăm công dân Việt Nam bị đưa ra khỏi các cơ sở này và buộc phải rời Myanmar.
"Phía Myanmar khẳng định đây là các trường hợp vi phạm pháp luật như nhập cư trái phép, cư trú quá hạn, thậm chí có người từng bị trục xuất nhưng quay lại làm việc tại các cơ sở cờ bạc" - ông Quảng cho biết. Sau khi tiếp nhận thông tin, Bộ Ngoại giao phối hợp Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các địa phương xác minh nhân thân, thống kê sơ bộ 681 công dân đến từ 56 tỉnh, thành trong cả nước.
Do tình hình an ninh phức tạp, việc di chuyển từ Đại sứ quán Việt Nam tại Yangon đến Myawaddy không khả thi. Các cơ quan chức năng thống nhất triển khai phương án di chuyển qua biên giới sang Thái Lan, sau đó đi gần 500 km bằng xe buýt về Bangkok, rồi bay về Việt Nam. Mỗi hành trình kéo dài gần 20 giờ, có lực lượng an ninh tháp tùng để đảm bảo trật tự, an toàn.
Theo ông Quảng, đa số công dân không có giấy tờ hợp pháp, vào Myanmar qua đường mòn, vượt sông hoặc trốn truy nã trong nước, khiến việc đưa họ về gặp nhiều khó khăn. Phía Thái Lan cũng yêu cầu giới hạn số lượng người qua lãnh thổ mỗi ngày và giám sát chặt chẽ quá trình di chuyển.
Về chi phí, đại diện Bộ Ngoại giao cho biết theo quy định, chỉ công dân là nạn nhân của mua bán người được Nhà nước chi trả chi phí về nước. Trường hợp bị trục xuất do vi phạm pháp luật sẽ phải tự chi trả. Tổng chi phí dự kiến để đưa một công dân từ Myawaddy về Việt Nam khoảng 12,2 triệu đồng, bao gồm thuê xe, ăn uống, vé máy bay và lệ phí giấy tờ.
Các địa phương đã được thông báo để phối hợp thu tiền tạm ứng từ gia đình công dân. Sau khi hoàn tất, các Cơ quan đại diện dùng nguồn quỹ tạm ứng để chi trả, lập hóa đơn quyết toán, hoàn trả phần dư hoặc yêu cầu bổ sung nếu chi phí thực tế cao hơn.
"Đây là quy trình công khai, minh bạch và có sự tham gia, giám sát của các địa phương nơi công dân cư trú ở trong nước. Chúng tôi cũng khuyến cáo công dân tại Myanmar, cảnh giác với các thông tin giả mạo nhằm lợi dụng, trục lợi việc đưa công dân về nước"- ông Quảng lưu ý.
Để bắt đầu hành trình hơn 20 tiếng đưa công dân Việt Nam từ Myawaddy về đến Hà Nội, các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương, trong và ngoài nước đã phải liên tục vận động, trao đổi, phối hợp, xây dựng và hoàn thiện phương án chi tiết, bám sát các nguyên tắc đề ra…
"Chúng tôi khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác trước các lời mời gọi đi làm việc ở nước ngoài thiếu thông tin rõ ràng, không hợp đồng, không thông qua công ty phái cử hợp pháp. Những trường hợp như vậy rất dễ trở thành nạn nhân của lừa đảo, cưỡng bức lao động hoặc mua bán người"- ông Quảng nói.
Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, tiếp tục phối hợp chặt chẽ để hoàn tất việc đưa toàn bộ công dân còn lại tại Myawaddy về nước trong tháng 5. Người dân cần hỗ trợ có thể liên hệ Tổng đài bảo hộ công dân theo số +84 91 84 84 84 hoặc Cơ quan đại diện Việt Nam gần nhất.
Tác giả: Dương Ngọc
Nguồn tin: Báo Người Lao Động