Kiến nghị quy định HĐND giới thiệu chứ không bầu chủ tịch UBND
- 14:01 14-05-2025
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đề nghị sửa thêm nội dung ở Điều 114 Hiến pháp 2013
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) nhấn mạnh, việc hoàn thiện thể chế không phải chỉ phục vụ quản lý mà còn phải kiến tạo, do đó cần trao quyền nhiều hơn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và địa phương trên tinh thần điều hành linh hoạt, thống nhất nền hành chính quốc gia.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Quang Huân |
Đề cập quy trình bầu, miễn nhiệm, điều động đối với chủ tịch HĐND tỉnh, ông cho rằng biết dự thảo đang quy định HĐND bầu chủ tịch UBND, phó chủ tịch HĐND và ủy viên UBND và bãi nhiệm các chức vụ do mình bầu ra. Tuy nhiên, khi Thủ tướng Chính phủ cách chức, điều động chủ tịch UBND tỉnh thì lại không cần HĐND bãi nhiệm.
“Quy định trên không sai tinh thần Hiến pháp nhưng thiếu logic, còn nếu tiến hành bãi nhiệm, xin ý kiến HĐND lại thành phức tạp khi điều hành”, ông Nguyễn Quang Huân nói.
Từ thực tế trên, ông đề nghị sửa thêm nội dung ở Điều 114 của Hiến pháp năm 2013, đồng thời sửa Điều 36 của dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) theo hướng HĐND không bầu chức danh Chủ tịch UBND tỉnh nữa mà giới thiệu chức danh này để Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn bổ nhiệm.
Còn Chủ tịch UBND sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn sẽ giới thiệu Phó Chủ tịch và các thành viên khác của UBND để HĐND phê chuẩn một lần đầu nhiệm kỳ. Những lần sau thay đổi, điều động thì Chủ tịch UBND chỉ cần báo cáo HĐND là được, như thế đảm bảo logic và quyền điều động linh hoạt.
“Hiện theo Nghị quyết của Quốc hội sửa 8 điều của Hiến pháp năm 2013 thì Điều 114 cũng thuộc phạm vi sửa nhưng phần HĐND bầu UBND cùng cấp thì chưa sửa. Để thống nhất với Điều 36 và Điều 41 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương cần sửa thêm Điều 114 của Hiến pháp để cho HĐND giới thiệu chủ tịch UBND chứ không bầu”, ông Nguyễn Quang Huân nêu kiến nghị.
Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo trong trường hợp cần thiết
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) thì nhấn mạnh, khi không tổ chức cấp huyện thì nhiều nhiệm vụ, quyền hạn giao cấp xã, cùng với mở rộng địa giới đơn vị hành chính cấp xã dẫn đến khối lượng công việc tăng lên rất nhiều, là một thay đổi lớn trong khi năng lực chưa thực sự đồng đều, cần thời gian kiện toàn.
Chính vì vậy, bà đồng thuận với quy định trong phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương các cấp thì trường hợp cần thiết, UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình, UBND, Chủ tịch UBND cấp xã.
![]() |
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương |
Nữ đại biểu cho biết, theo giải trình của Chính phủ thì điều này cũng thống nhất với Điều 5 của Luật Tổ chức Chính phủ. Do đó, bà Thanh Hương đề nghị tiếp tục nghiên cứu bổ sung hoặc giao Chính phủ quy định rõ hơn, chặt chẽ hơn trường hợp cần thiết là thế nào để thuận lợi cho chủ tịch UBND, UBND; rõ nhiệm vụ quyền hạn của cấp xã trước mắt cũng như lâu dài.
Về cơ cấu tổ chức của UBND, Đại biểu Trần Thị Thanh Hương cho rằng dự thảo quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính hoặc bố trí các chức danh công chức chuyên môn là cần thiết, phù hợp với chỉ đạo cũng như thực tiễn. Tuy nhiên, bà đề nghị giao Chính phủ quy định rõ hơn về thành lập cơ quan chuyên môn cấp xã phù hợp tình hình mới với số biên chế được giao. Cùng với đó cấp có thẩm quyền sớm ban hành chức năng, nhiệm vụ của chính quyền cấp xã mới –được xác định là cấp thực thi gần dân hơn, phục vụ dân tốt hơn, hiệu quả hơn.
Tác giả: Ngọc Thành
Nguồn tin: Báo VOV