Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bác sĩ cứu cô gái bị tai nạn giao thông: "Hành động của tôi quá đỗi bình thường"

Thấy cô gái gặp tai nạn giao thông có dấu hiệu co giật, bác sĩ Phạm Tiến Mạnh đã tiến đến tiến hành sơ cấp cứu giúp nạn nhân qua cơn nguy kịch. Chia sẻ về hành động của mình, bác sĩ Mạnh cho biết đây là hành động quá đỗi bình thường.

[presscloud]https://media.nghean24h.vn/video/2025/05/13/B__c_s___c___u_c___g__i_b____tai_n___n_giao_th__ng__H__nh______ng_c___a_t__i_qu________i_b__nh_th_____ng.mp4[/presscloud]

Clip bác sĩ cứu người gặp tai nạn giao thông trên đường

Mới đây trên mạng xã hội chia sẻ đoạn video một người đàn ông cấp cứu cho người phụ nữ bị tai nạn giao thông trên đường qua cơn nguy kịch. Qua tìm hiểu, người đàn ông trong bộ quần áo thể thao đang tập trung cứu chữa cho nạn nhân là thạc sỹ, bác sĩ Phạm Tiến Mạnh, hiện đang công tác tại một bệnh viện ở Hà Nội.

 Bác sĩ Phạm Tiến Mạnh cấp cứu cho cô gái bị tai nạn giao thông (ảnh cắt từ clip)

Nhớ lại buổi tối 7/5, bác sĩ Mạnh cho biết, hôm đó anh cùng gia đình từ phòng tập trở về. Lúc qua ngã tư Mỗ Lao (Hà Đông), lúc dừng đèn đỏ, anh thấy một vụ tai nạn đối diện bên đường.

“Hai bạn thanh niên đầu không đội mũ lao vào một bạn nữ khiến bạn bạn ấy ngã lăn ra đường, nằm ngay dưới gầm xe ô tô. Tôi và vợ nhìn thấy và thốt lên ôi, tai nạn kìa. Vợ tôi bảo tôi qua bên đó xem bạn ấy có vấn đề gì không”, bác sĩ Mạnh kể lại.

Khi đèn đỏ chuyển sang xanh, bác sĩ Mạnh nhanh chóng “phóng” xe tiến đến gần vụ tai nạn. Anh mở cửa xe ô tô xuống và thấy nạn nhân nằm bất động không có phản xạ gì. Người dân thì đứng vây xung quanh.

“Tôi tiến lại gần và bảo tôi là bác sĩ, để tôi kiểm tra. Tôi thấy nạn nhân đang xuất hiện tình trạng co giật toàn bộ tay chân, chân duỗi thẳng, tay thì co quắp lại. Mắt không mở được, hai hàm cắt chặt vào lưỡi. Theo phản xạ của một người bác sĩ sơ cứu, tôi tiến hành kiểm tra về đường thở, thông khí và dấu hiệu sinh tồn. Tiến hành bắt mạch, tôi thấy mạch vẫn còn, huyết áp ổn nhưng có dấu hiệu co giật và đang có nguy cơ cắn vào lưỡi”, bác sĩ Mạnh kể.

 Thạc sỹ, bác sĩ Phạm Tiến Mạnh

Dù không thường xuyên xử lý các ca cấp cứu, bác sĩ Tiến Mạnh vẫn nắm vững kỹ năng sơ cứu cơ bản. Anh tiến hành nâng cao xương góc hàm và cố gắng mở miệng của nạn nhân ra để có thể hít thở. Tiếp theo, anh ấn mạnh vào nhân trung để nạn nhân cảm thấy đau và tỉnh lại. Tuy nhiên nạn nhân có phản xạ co giật, hai hàm răng cắt chặt.

Sau đó bác sĩ Mạnh đã bảo vợ mở cốp xe để lấy bộ sơ cứu. “Tìm nhanh trong bộ sơ cứu, tôi thấy có 2 cuộn gạc. Tôi dùng 2 cuộn này nhét vào góc hàm, để bạn ý cắn vào tránh lưỡi bị chảy máu, và khai thông đường thở. Kết hợp với 2 tay giữ chặt xương hàm, kê cao cổ để nạn nhân hít thở không khí. Cứ 5 phút 1 lần tôi lại kiểm tra mạch, huyết áp. Tôi ấn vào nhân trung của nạn nhân, khoảng 10 phút sau bạn ấy tỉnh”, bác sĩ Mạnh cho biết.

Bên cạnh việc sơ cứu, bác sĩ Mạnh cũng nhanh chóng nhờ người dân gọi cấp cứu 115. Sau khoảng 10 phút xe đến, lúc đó nạn nhân cũng đã tỉnh. Nhân viên cấp cứu kiểm tra tình trạng sức khỏe của nạn nhân, sau đó họ cho bệnh nhân lên cáng và vận chuyển đến viện.

“Khi bạn ấy được xe cấp cứu chở đi, tôi cũng đóng bộ cấp cứu lại và lên xe đi về. Hôm sau tôi vẫn bắt đầu công việc như thường lệ. Với tôi đây là hành động quá đỗi bình thường và ai nằm trong hoàn cảnh mình cũng sẽ xử lý như vậy. Ngày bạn nữ kia gặp nạn, tôi thấy người dân cũng tập trung rất đông để giúp đỡ nạn nhân, chỉ khác là tôi có chuyên môn, nên việc sơ cứu trở nên mau chóng và dễ dàng hơn. Tôi không cho rằng đây là việc cao siêu gì cả”, bác sĩ Mạnh chia sẻ.

Ngay ngày hôm sau, bác sĩ Mạnh đã nhận được nhiều tin nhắn cảm ơn từ gia đình nạn nhân. Khi biết được tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã ổn hơn, anh đã dành lời chúc sớm bình phục tới người nhà nạn nhân và an tâm làm việc.

 Dòng chữ trên xe của bác sĩ Mạnh

Năm 2024, bác sĩ Phạm Tiến Mạnh từng được biết đến với chiếc xe in dòng chữ "Tôi là bác sĩ, nếu bạn cần giúp đỡ, xin hãy dừng xe tôi lại". Anh cho biết từng chứng kiến người anh họ bị tai nạn giao thông và để lại di chứng vì không được sơ cứu kịp thời. Anh trăn trở rằng nếu có ai đó biết cách sơ cứu ngay khi tai nạn xảy ra, có thể mọi chuyện đã khác. Từ đó, anh quyết định dán dòng chữ phía sau xe và luôn mang sẵn bộ sơ cứu để có cơ hội giúp đỡ người gặp nạn.

Có người đi đường nhìn thấy dòng chữ cảm thấy rất thích thú, khi đi qua mọi người thả "tim", thả "like" khiến tôi cũng cảm thấy hạnh phúc", bác sĩ Mạnh kể.

Dù nhận được nhiều lời cảm ơn, cổ vũ từ cộng đồng, nhưng cũng không ít lần anh bị mỉa mai, cho rằng "làm màu".

"Có lúc chạnh lòng, nhưng tôi tin mình làm điều đúng đắn. Không ai mong phải viện đến sự giúp đỡ trên đường, nhưng nếu cần, tôi sẵn sàng.

Đặc biệt, trong những ngày qua, nhân viên y tế bị lên án vì không tiếp nhận cấp cứu, tôi mong rằng "con sâu không thể làm rầu nồi canh", nhưng hành động của mình sẽ giúp cộng đồng có niềm tin hơn vào ngành y", bác sĩ Mạnh chia sẻ.

Tác giả: Nguyễn Hà

Nguồn tin: vov.vn