Dự kiến bỏ hình thức khiển trách, cảnh cáo, đình chỉ học với học sinh
- 08:05 08-05-2025
- In ra
- Đóng cửa sổ này
![]() |
Ảnh minh họa. |
Ngày 7/5, Bộ GD&ĐT đăng mạng lấy ý kiến Dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh. Thời gian góp ý đến hết ngày 6/7/2025. (Góp ý tại đây >>)
Thông tư mới sẽ thay thế cho Thông tư 08/TT của Bộ Giáo dục hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông có từ năm 1988, cách đây gần 40 năm.
Dự thảo Thông tư có nhiều điểm mới so với Thông tư 08/TT cùng các dự thảo Thông tư đã có trước đó theo hướng: Khen thưởng, kỷ luật học sinh bảo đảm tính giáo dục, nhân văn, vì sự tiến bộ của học sinh.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của hội đồng trường, Hiệu trưởng, giáo viên; bảo đảm sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong công tác khen thưởng, kỷ luật học sinh.
Thực hiện đúng, đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của trường trong công tác khen thưởng, kỷ luật học sinh.
Dự thảo Thông tư quy định các hình thức khen thưởng gồm: Tuyên dương trước lớp; tuyên dương trước toàn trường; giấy khen của hiệu trưởng; thư khen. Ngoài các hình thức tuyên dương, khen thưởng, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể thực hiện hình thức tuyên dương, khen thưởng khác phù hợp nhằm động viên, nêu gương kịp thời đối với học sinh trong học tập, rèn luyện.
Về các hình thức kỷ luật, Dự thảo Thông tư quy định 2 biện pháp kỷ luật đối với học sinh tiểu học là nhắc nhở và yêu cầu xin lỗi. Các biện pháp kỷ luật đối với học sinh tiểu học không lưu hồ sơ và học bạ của học sinh.
Đối với học sinh ngoài đối tượng học sinh tiểu học, có 3 hình thức gồm: Nhắc nhở; phê bình; yêu cầu viết bản tự kiểm điểm. So với Thông tư 08/TT và các quy định trước đó, việc tạm dừng học và đình chỉ học đối với học sinh sẽ bị bãi bỏ.
Theo đại diện Vụ Học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT), các hình thức kỷ luật nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm của học sinh. Kỷ luật nhằm giáo dục, giúp đỡ học sinh tự nhận thức được hành vi vi phạm; tự giác điều chỉnh hành vi, khắc phục hậu quả, tự giác tu dưỡng, rèn luyện để tiến bộ và hình thành thói quen, lối sống kỷ luật.
Nguyên tắc của việc kỷ luật nhằm bảo đảm tính chủ động, tích cực trong thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của học sinh; giữ vững kỷ cương, nền nếp trong trường. Tôn trọng, bao dung, khách quan, không định kiến, bảo đảm quyền được tham gia và lợi ích của học sinh đối với các vấn đề liên quan.
Bảo đảm phù hợp đặc điểm tâm sinh lý, giới tính, thể chất, hoàn cảnh gia đình, đặc điểm văn hóa vùng miền của từng học sinh. Không sử dụng biện pháp kỷ luật mang tính bạo lực, xúc phạm nhân phẩm, ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần của học sinh.
![]() |
|
Tác giả: Lan Anh
Nguồn tin: giaoducthoidai.vn