Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Chân dung vị tướng phát biểu tại lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước

Đó là Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, 79 tuổi, nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7, từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ là 1 trong tổng số 60 cá nhân tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển TP HCM (1975-2025), vừa được TP HCM tôn vinh.

Tại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025) diễn ra trong sáng nay, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ đã đại diện cho các lực lượng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi lễ. 

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ nói chiến thắng 30-4-1975 đến nay vừa tròn 50 năm, nhưng những ký ức của một thời đánh Mỹ vẫn luôn rạo rực, mãi không bao giờ phai nhạt trong trái tim người dân nước Việt Nam.

Cũng như nhiều thanh niên yêu nước căm thù quân xâm lược, năm 1966, khi mới 17 tuổi, ông theo tiếng gọi của Tổ quốc, tạm biệt quê hương lên đường nhập ngũ. Lúc này, ông được biên chế vào Tiểu đoàn 304, Trung đoàn 5, Sư đoàn 320, đóng quân ở huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. 

Sau ba tháng huấn luyện, đơn vị hành quân vào Nam chiến đấu, đến đầu năm 1967, ông được biên chế về Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 88, chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên. Tiếp đó, ông được điều động bổ sung cho chiến trường Đông Nam Bộ tham gia chiến đấu trong đội hình Sư đoàn 5, Quân Giải phóng miền Nam.

 Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ phát biểu tại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ trưởng thành từ một người lính. Ông đi qua hai cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước và Bảo vệ Tổ quốc. Ông đã trực tiếp tham gia chiến đấu trong tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 vô cùng ác liệt và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ đã từng trực tiếp chiến đấu và chỉ huy chiến đấu hàng trăm trận ở khắp các chiến trường miền Đông, miền Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, bên nước bạn Campuchia, biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc… Ông có 8 lần được tặng Danh hiệu Dũng sĩ diệt xe cơ giới, Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ Quyết thắng, Chiến sĩ thi đua của trung đoàn…

Với Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, ký ức hào hùng nhất của ông là được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trực tiếp chỉ huy chiến đấu trong đội hình Trung đoàn 88, đồng thời là Trưởng ban Tác chiến của cánh quân thứ 5, từ Tiền Giang vượt sông Vàm Cỏ. 

Được sự giúp đỡ, đùm bọc của đồng chí, đồng bào, đơn vị đã chiến đấu mưu trí, dũng cảm, diệt nhiều sinh lực địch, cơ động thần tốc theo Quốc lộ 50 tiến về giải phóng Sài Gòn và vỡ òa trong niềm vui chiến thắng ngày 30-4-1975.

 Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ và cuốn sách "Cuộc đời và Binh nghiệp" do ông viết. Ảnh do nhân vật cung cấp

Rời quân ngũ sau hơn 40 năm cống hiến với 11 vết thương, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ tiếp tục hăng say trên "mặt trận" mới - cuộc chiến vì quyền lợi của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Cảm nhận nỗi đau của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong cả nước, đặc biệt là TP HCM có hơn 20.000 người khuyết tật do di chứng chất độc này đang sống trong cảnh vất vả, vị Thiếu tướng đã nhiều đêm trăn trở để rồi có những hành động thiết thực.

Từ năm 2009, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ giữ vai trò Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP HCM trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (2009 - 2023).

Với phương châm "Hội phải là chỗ dựa tin cậy, là mái ấm nghĩa tình của các nạn nhân", ông luôn trực tiếp tìm hiểu hoàn cảnh của từng người để đưa ra các giải pháp hỗ trợ phù hợp và thiết thực.

Bên cạnh việc vận động chính sách, ông Tám Thổ (tên gọi thân mật) đặc biệt chú trọng huy động nguồn lực xã hội. Với ông, hiệu quả hoạt động không nằm ở những con số khô khan mà là sự thay đổi tích cực đời sống của nạn nhân.

Gần 10 năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP HCM đã vận động được hơn 55 tỉ đồng để xây mới, sửa chữa 46 căn nhà, cấp gần 2.000 suất học bổng, hỗ trợ vốn sản xuất, tặng sổ tiết kiệm, tổ chức khám chữa bệnh, cấp hàng chục ngàn suất quà vào dịp lễ, Tết và Ngày Vì Nạn nhân chất độc da cam (10-8)… 

Không chỉ hỗ trợ vật chất, hội còn chú trọng đào tạo nghề, tạo sinh kế cho các nạn nhân.

Tác giả: Nhóm phóng viên

 Nguồn tin: Báo Người lao động