Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Những chính sách mới nổi bật có hiệu lực trong tháng 5/2025

Trong tháng 5/2025, nhiều chính sách mới có hiệu lực, nổi bật là các chính sách liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính; chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp.

Chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

 Giờ học âm nhạc của học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Ảnh tư liệu: Trung Kiên/TTXVN

Chính phủ ban hành Nghị định số 66/2025/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2025 quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách.

Nghị định này quy định đối tượng áp dụng, điều kiện, nguyên tắc, mức hưởng chính sách, quy trình xét duyệt hưởng chính sách, cấp phát gạo và kinh phí thực hiện chính sách đối với trẻ em nhà trẻ, học sinh cơ sở giáo dục phổ thông, học sinh trường dự bị đại học, học viên cơ sở giáo dục thường xuyên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

Điểm mới đáng chú ý nhất của Nghị định số 66/2025/NĐ-CP là đã bổ sung trẻ em nhà trẻ bán trú (từ 3 tháng tuổi đến 3 tuổi) vào diện được thụ hưởng chính sách hỗ trợ học tập từ nguồn ngân sách nhà nước. Sự bổ sung này không chỉ góp phần phổ cập giáo dục mầm non ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, mà còn bảo đảm công bằng trong thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Thực tế, từ nhiều năm nay, các chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục dân tộc đã tiếp cận đến hầu hết học sinh các cấp học và sinh viên, nghiên cứu sinh người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, trẻ em nhà trẻ bán trú vẫn còn nằm ngoài diện thụ hưởng các chính sách hỗ trợ học tập được xây dựng, ban hành trong những năm qua.

Theo Nghị định 66/2025/NĐ-CP, trẻ em nhà trẻ bán trú sẽ được hỗ trợ 360.000 đồng tiền ăn trưa/tháng/trẻ (không quá 9 tháng/năm học). Ngoài ra, cơ sở giáo dục mầm non có trẻ em nhà trẻ bán trú được hưởng 700.000 đồng/tháng/nhóm trẻ em nhà trẻ (không quá 9 tháng/năm học) để quản lý buổi trưa đối với nhóm trẻ em này.

Như vậy, định mức hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em nhà trẻ tại Nghị định 66/2025/NĐ-CP tăng gấp đôi so với Nghị định số 105/2020/NĐ-CP (nhóm trẻ mầm non từ 3 - 6 tuổi được hỗ trợ 160.000 đồng/tháng/trẻ). Việc tăng định mức hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em nhà trẻ cho thấy tầm nhìn của việc hoạch định chính sách nhằm phát triển con người ngay từ những năm đầu đời.

Phạt hành chính kịch khung khi có từ 2 tình tiết tăng nặng trở lên

Chính phủ ban hành Nghị định số 68/2025/NĐ-CP, có hiệu lực ngày 2/5/2025, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Trong đó, Nghị định số 68/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 9 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP về áp dụng hình thức phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn; đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

Nghị định số 68/2025/NĐ-CP quy định nguyên tắc xử phạt khi có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ theo hướng linh hoạt, theo đúng tinh thần của khoản 4 Điều 23, khoản 3 Điều 25 Luật Xử lý vi phạm hành chính, đồng thời, quy định nếu nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực nhà nước có quy định nguyên tắc xác định tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính trong trường hợp có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ thì áp dụng theo quy định tại nghị định đó.

Cụ thể, Nghị định số 68/2025/NĐ-CP quy định như sau:

Mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung phạt tiền được quy định đối với hành vi đó;

Nếu có 1 tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt cụ thể được xác định trong khoảng từ trên mức tối thiểu đến dưới mức trung bình của khung tiền phạt; trong trường hợp có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trở lên, thì áp dụng mức tối thiểu của khung tiền phạt;

Nếu có 1 tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt cụ thể được xác định trong khoảng từ trên mức trung bình đến dưới mức tối đa của khung tiền phạt; trong trường hợp có từ 2 tình tiết tăng nặng trở lên, thì áp dụng mức tối đa của khung tiền phạt;

Nếu vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, thì giảm trừ một tình tiết tăng nặng với một tình tiết giảm nhẹ;

Nếu nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có quy định nguyên tắc xác định mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính trong trường hợp có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ thì áp dụng theo quy định tại nghị định đó.

Tăng mức bồi dưỡng giám định tư pháp

Ngày 4/4, Thủ tướng ban hành Quyết định số 08/2025 về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp, theo vụ việc và theo ngày.

Trong đó, chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp theo vụ việc được áp dụng đối với giám định trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần. So với Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg hiện nay thì mức bồi dưỡng đã tăng thêm.

Đơn cử, theo quy định mới, một người thực hiện giám định trên người sống theo yêu cầu của người giám định sẽ được hưởng mức 400.000 đồng/nội dung yêu cầu giám định hoặc 500.000 đồng/nội dung yêu cầu giám định đối với trường hợp hội chẩn chuyên môn sâu là chuyên gia ở các chuyên khoa thực hiện.

Trong khi đó hiện nay, mức bồi dưỡng là 160.000 đồng/nội dung yêu cầu giám định đối với khám chuyên khoa sâu ở các chuyên khoa; 200.000 đồng/nội dung yêu cầu giám định đối với khám tổng quát và 300.000 đồng/nội dung yêu cầu giám định đối với trường hợp hội chẩn chuyên môn sâu do người giám định tư pháp là chuyên gia ở các chuyên khoa thực hiện.

Quyết định số 08/2025 của Thủ tướng chính thức có hiệu lực từ ngày 20/5/2025.

Nguồn tin: Báo Tin tức