Bỏ thanh tra bộ, sở và huyện, không còn thanh tra chuyên ngành
- 13:57 26-04-2025
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trình bày tờ trình tại phiên họp, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết dự thảo luật kế thừa các quy định của Luật Thanh tra năm 2022, gồm phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc hoạt động, trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra, nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra...
![]() |
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng |
Dự thảo lược bỏ hoàn toàn quy định về thanh tra bộ, thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, thanh tra sở, thanh tra huyện, tổ chức và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành... nhằm triển khai thực hiện Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra.
Đồng thời, đưa ra các quy định kết thúc hoạt động của thanh tra bộ, thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ, thanh tra sở, thanh tra huyện; không tổ chức thanh tra chuyên ngành ở các bộ, các sở và các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành chuyển sang thực hiện kiểm tra chuyên ngành.
Thay vào đó, dự thảo luật quy định các cơ quan thanh tra gồm: Thanh tra Chính phủ; thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cơ quan thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; thanh tra Cơ yếu; cơ quan thanh tra được thành lập theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Về phía cơ quan thẩm tra, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, cho biết Ủy ban tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Thanh tra năm 2022. Ủy ban cũng tán thành việc giao Chính phủ quy định về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra giữa các cơ quan thanh tra.
Tham gia thảo luận, bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội, đề nghị bổ sung nguyên tắc về xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa các hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và giám sát để tạo thuận lợi trong tổ chức thực hiện.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị làm rõ khái niệm "thanh tra" nói chung khi không quy định khái niệm về thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành để tăng tính thuyết phục khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 sắp tới.
Tác giả: Minh Chiến
Nguồn tin: Báo Người lao động