Phát hiện, bồi dưỡng học sinh tài năng còn nhiều khoảng trống
- 08:25 22-04-2025
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cần có chiến lược giáo dục dài hạn nhằm phát hiện, nuôi dưỡng, hỗ trợ học sinh, giúp các em từ năng khiếu trở thành nhân tài, đóng góp cho sự phát triển đất nước là ý kiến của nhiều chuyên gia tại buổi tham vấn về mô hình giáo dục tài năng Việt Nam diễn ra chiều nay (21/4).
Tại buổi trao đổi, GS.TS Lê Anh Vinh – Viện trưởng Viện khoa học Giáo dục Việt Nam đánh giá học sinh tài năng không chỉ là nguồn nhân lực chất lượng cao, mà còn một trong những chiến lược quan trọng của quốc gia.
"Mặc dù thời gian qua, việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh tài năng rất được Chính phủ quan tâm, nhưng vẫn còn nhiều khoảng trống", ông Lê Anh Vinh bày tỏ.
Theo Viện trưởng Viện khoa học Giáo dục Việt Nam hiện chưa có trung tâm, viện nghiên cứu, chương trình đào tạo sâu về giáo dục tài năng. Mặc dù, chúng ta có hệ thống trường chuyên, mang lại nhiều kết quả cao nhưng không có đội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản để dạy học sinh tài năng.
![]() |
GS.TS Lê Anh Vinh – Viện trưởng Viện khoa học Giáo dục Việt Nam. |
Cùng với đó, việc tuyển chọn học sinh giỏi, năng khiếu hiện nay mới chỉ dừng lại ở những bài thi chuyên, còn nặng về học thuật như Toán, Lý, Hoá, Sinh,…vì vậy, không đánh giá được tổng thể các năng lực khác của học sinh. Các trường chuyên được giao trọng trách phát hiện và bồi dưỡng nhân tài, hướng tới việc giành giải thưởng trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, mục tiêu dài hạn là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, vẫn chưa được thể hiện một cách rõ ràng.
"Chúng ta mong muốn thế hệ trẻ tương lai không chỉ xuất sắc về học thuật, mà còn toàn diện ở nhiều khía cạnh như thể thao, nghệ thuật. Trường chuyên không chỉ là nơi dạy học sinh giỏi ở một lĩnh vực, giải một bài toán nhanh, mà giúp các em tiếp cận những bài toán phức tạp và thực tiễn", GS.TS Lê Anh Vinh chia sẻ.
Qua quá trình nghiên cứu, TS. Trần Thị Bích Ngân - Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu mô hình giáo dục tài năng đã đưa ra khái niệm về học sinh tài năng và cách xác định thế nào là học sinh tài năng.
Cụ thể, tài năng là sự kết hợp giữa năng lực bẩm sinh, quá trình rèn luyện và tác động của môi trường, giúp cá nhân đạt được thành tích vượt trội trong hoặc nhiều lĩnh vực. Tài năng không phải là một thuộc tính cố định mà có thể phát triển theo thời gian thông qua giáo dục, trải nghiệm và sự hỗ trợ từ xã hội.
![]() |
Học sinh tài năng không chỉ giỏi về một môn học, lĩnh vực (Ảnh: Hữu Thắng). |
Như vậy, nhóm nghiên cứu nhận thấy để giáo dục học sinh tài năng cần quá trình tổ chức và triển khai các hoạt động giáo dục nhằm phát hiện, bồi dưỡng và phát triển tối đa năng lực của học sinh có khả năng vượt trội trong một hoặc nhiều lĩnh vực.
Trước thực trạng việc nhận diện học sinh tài năng chủ yếu là dựa vào thi tuyển, chuyên gia đề xuất cần xây dựng bộ chỉ số đánh giá, thử nghiệm IQ/EQ/AQ tại các địa phương có điều kiện. Đồng thời, đối với chương trình học mặc dù có sự đầu tư về độ khó, nhưng cần có hoạt động mang tính trải, sáng tạo, mang tính định hướng nghề nghiệp.
Ở đây, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra mô hình giáo dục cho học sinh tài năng gồm hệ sinh thái 3 tầng gồm: Trường năng khiếu dành cho học sinh xuất sắc vượt trội; Lớp phát triển tài năng cho học sinh có năng lực nổi trội trong trường phổ thông và Câu lạc bộ ươm mầm tài năng bồi dưỡng theo sở thích và năng lực cá nhân.
![]() |
TS. Tạ Ngọc Trí – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông, Bộ GD&ĐT. |
Góp ý cho mô hình, TS. Tạ Ngọc Trí – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông, Bộ GD&ĐT cho rằng nhóm nghiên cứu cần tính toán đến văn hóa phương Đông, tránh việc học sinh bị áp lực, sức ép học hành để trở thành tài năng.
Cùng với đó, ông Trí nhận thấy việc ươm mầm tài năng hiện nay không chỉ là theo một nhóm, mà phải mang tính cá nhân hóa của từng học sinh. Phát triển học sinh năng khiếu không chỉ chú trọng ở một lớp, một trường cụ thể mà phải tìm kiếm các em ngay cả ở khu vực vùng sâu, vùng xa.
Theo khoản 1 Điều 62 luật Giáo dục 2019, trường chuyên là trường được thành lập ở cấp THPT dành cho học sinh đạt kết quả xuất sắc trong học tập nhằm phát triển năng khiếu về một số môn học trên cơ sở bảo đảm giáo dục phổ thông toàn diện, tạo nguồn đào tạo nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Trường chuyên thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc TW, do Sở GD&ĐT quản lý; Trường chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học do cơ sở giáo dục đại học quản lý theo quy định về công tác tổ chức, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, cơ sở vật chất, tài chính, tuyển sinh và được quy định cụ thể trong quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học. |
Tác giả: Nguyễn Hoa Trà
Nguồn tin: nguoiduatin.vn