Nhỡ uống nhầm thuốc giả thì phải làm sao?
- 09:08 18-04-2025
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp, Bộ Quốc phòng, cho biết thuốc kê đơn là loại dược phẩm đòi hỏi chỉ định nghiêm ngặt của bác sĩ đang bị làm giả với mức độ ngày càng tinh vi tại Việt Nam. Đây không chỉ là hành vi gian lận thương mại, mà còn là mối đe dọa trực tiếp đến sinh mạng con người, tạo áp lực cho hệ thống y tế, bóp nghẹt ngành dược phẩm chân chính và làm xói mòn niềm tin vào hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe.
Theo Luật Dược 2016, thuốc giả là những sản phẩm không có hoạt chất, sai hoạt chất, sai liều lượng, hoặc giả mạo nhà sản xuất. Quan trọng, cần phân biệt thuốc giả với thuốc kém chất lượng - loại thuốc được cấp phép nhưng không đạt chuẩn do lỗi kỹ thuật, không mang yếu tố lừa đảo.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp thuốc giả là “vũ khí giết người thầm lặng” tại các quốc gia có hệ thống quản lý còn nhiều kẽ hở. Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó.
Thuốc giả gây ra hậu quả nghiêm trọng
Về mặt y học, thuốc giả mang đến nhiều hậu quả trực tiếp rất nghiêm trọng. Thất bại trong điều trị là một trong những hậu quả phổ biến nhất. Đối với những bệnh lý nguy hiểm như nhiễm khuẩn, tim mạch hay ung thư, việc sử dụng thuốc giả có thể khiến người bệnh bỏ lỡ thời điểm điều trị tối ưu, dẫn đến mất cơ hội sống. Ngoài ra, thuốc giả còn tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc, dị ứng do chứa tạp chất độc hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến gan, thận, tim mạch hoặc gây phản ứng phản vệ nguy hiểm tính mạng.
![]() |
Các loại thuốc giả vừa bị thu giữ. Ảnh: Công an tỉnh Thanh Hóa |
Đặc biệt, với các loại thuốc tiêm hoặc vaccine giả được sản xuất trong điều kiện mất vệ sinh, nguy cơ nhiễm khuẩn toàn thân là hoàn toàn có thể xảy ra. Thậm chí, đã ghi nhận những trường hợp tử vong sau khi sử dụng thuốc giả. Theo quy định pháp luật, hành vi sản xuất và buôn bán thuốc giả có thể bị xử lý hình sự với mức phạt cao nhất là tử hình.
Không chỉ gây hậu quả trực tiếp, thuốc giả còn để lại nhiều hệ lụy gián tiếp nguy hiểm. Một trong những vấn đề nổi bật là gia tăng tình trạng kháng kháng sinh, nguyên nhân hàng đầu gây ra khủng hoảng y tế toàn cầu hiện nay. Khi sử dụng thuốc kháng sinh giả, vi khuẩn không bị tiêu diệt triệt để, dẫn đến hiện tượng kháng thuốc và làm giảm hiệu quả điều trị về sau.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng phải đối mặt với chi phí điều trị tăng cao, thời gian chữa trị kéo dài, sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng do phải điều trị lại từ đầu sau khi dùng phải thuốc không hiệu quả. Điều này tạo ra một vòng xoáy tiêu cực: thất bại điều trị – biến chứng – chi phí cao – gánh nặng y tế – và gia tăng nguy cơ tử vong.
Trước thực trạng này, việc ngăn chặn thuốc giả không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan quản lý mà còn đòi hỏi sự chủ động và cảnh giác từ phía người dân. Người bệnh cần thận trọng trong việc sử dụng thuốc, chỉ nên mua tại các cơ sở được cấp phép, tuân thủ đúng chỉ định bác sĩ và tuyệt đối không tự ý mua thuốc qua mạng hay các kênh không rõ nguồn gốc.
Làm gì khi nhỡ uống nhầm thuốc giả
Theo Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, nếu bạn vô tình sử dụng loại thuốc nằm trong danh sách cảnh báo, điều quan trọng nhất là giữ bình tĩnh và hành động kịp thời.
Đầu tiên, hãy ngừng ngay việc sử dụng thuốc. Dù chỉ uống một liều hay nhiều liều, việc tiếp tục sử dụng có thể khiến tình trạng sức khỏe xấu đi.
Thứ hai, nhanh chóng liên hệ với bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và tư vấn. Việc khai báo cụ thể loại thuốc đã dùng, liều lượng và thời gian sử dụng sẽ hỗ trợ quá trình xử lý và theo dõi.
Thứ ba, cần theo dõi sát các biểu hiện bất thường như đau đầu, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, dị ứng... và ghi lại diễn biến triệu chứng để cung cấp cho nhân viên y tế.
Nếu còn bao bì thuốc, đừng vứt bỏ. Đây là bằng chứng quan trọng giúp xác định nguồn gốc và thành phần thuốc giả.
Cuối cùng, đừng quên báo cáo với cơ quan chức năng như Sở Y tế, Cục Quản lý Dược hoặc công an địa phương. Hành động này không chỉ bảo vệ bản thân mà còn góp phần ngăn chặn mối nguy hiểm cho cộng đồng.
Tác giả: Nguyễn Hà
Nguồn tin: Báo VOV